wikipedia
© bendalis.com.au
Chúng tôi xin được mở đầu loạt bài điểm danh "Các thế lực cát cứ trên Internet" bằng hệ thống thông tin tra cứu thông dụng nhất hiện nay, đó là Wikipedia. Không thể phủ nhận, Wikipedia đã giúp chúng ta tra cứu nhanh hơn và đầy đủ hơn bằng việc dẫn liên kết dữ liệu sang các trang liên quan, và tập hợp đa chiều các ý kiến về một thông tin. Để có lượng thông tin và dữ liệu "khủng" như vậy mà không mất chi phí, Wikipedia phải dựa vào chính cộng đồng, tức là cho phép cộng đồng cung cấp thông tin và sửa đổi thông tin trên các trang của Wikipedia. Và thế là một cuộc chiến âm thầm đã diễn ra dưới mỗi thông tin mà Wikipedia cung cấp cho người đọc.

Thứ nhất là phải bàn đến "format" bài của Wikipedia. Mỗi bài trên này đều nêu rõ thời gian, địa điểm, xuất xứ, mục đích chính, các ý kiến nhận định... về một sự kiện, nhân vật, hội nhóm, tổ chức, tác phẩm, sản phẩm... Xét về "format" bài có thể nói là đạt chuẩn của Từ điển Bách khoa. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, phần Tiểu sử hay Xuất xứ chiếm một khối lượng quá lớn và ngay ở phần đầu, không tập trung vào nội dung chính. Ví dụ như khi tra cứu thông tin về Lenin trên Wikipedia, chúng ta sẽ chẳng quan tâm lắm đến bố Lenin là ông nào, Lenin yêu người con gái nào... trừ phi những người ấy giúp hình thành nên nhân cách và góp phần thúc đẩy sự nghiệp của Lenin.

Thứ hai là về độ chính xác của thông tin. Bởi vì Wikipedia cần một lượng "author" và "editor" đông đảo, nếu chỉ đi bằng phát triển tự phát bằng cộng đồng, liệu có khả năng không? Chúng ta thấy các bài trên Wikipedia đều có trích dẫn đầy đủ, giọng văn mang tính "khoa giáo"... nên một đám đông hỗn loạn không thể làm được. Vậy thì cần những đám đông nhỏ hơn, có sự hướng dẫn về kỹ năng và định hướng về tư tưởng. Chắc chắn rằng, mỗi quốc gia sẽ có vài ba nhóm như vậy để tung hoành trên Internet.

Riêng ở Việt Nam, ta có thể thấy chính quyền Cộng Sản Việt Nam và thế lực chống đối là Việt Tân đều đang nuôi đội ngũ thao túng dư luận trên Wikipedia. Chính quyền Cộng Sản Việt Nam có một đội ngũ "author" cung cấp các thông tin về hệ thống nhân sự chính phủ, các sự kiện lớn của lịch sử Cách mạng v.v... Đương nhiên, các nhân vật "cộm cán" như Hồ Chí Minh, Tố Hữu... sẽ được mô tả bằng những ngôn từ tôn vinh nhất mà chúng ta vẫn được học trong SGK. Còn thông tin về các nhân sự trong chính phủ Việt Nam hiện thời thì được viết một cách nhạt nhẽo, chủ yếu mang tính "thiếu thông tin". Thôi thì không thể cung cấp đầy đủ thì cũng để tình trạng dang dở và thiếu thốn.

Bên cạnh đó, Việt Tân với đội ngũ "vô công rồi nghề" cũng nuôi một đội ngũ đông đảo không kém. Đội ngũ này tô vẽ cho các "cộm cán" trong chính phủ Việt Nam Cộng hòa, cũng bằng những ngôn từ tôn vinh nhất và đọc cũng không khác gì SGK. Không chỉ vậy, họ còn mô tả các nhân vật đấu tranh dân chủ đầy tai tiếng như Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Trần Huỳnh Duy Thức v.v... như các đấng anh hùng cứu nước. Những trang wikipedia về các nhân vật và hội nhóm như vậy được cung cấp rất nhiều, từ gia đình cho đến các bước phát triển, và luôn xuất hiện không tì vết. Như thế, Wikipedia Tiếng Việt về các nhân vật này không đảm bảo được tính đa chiều theo chủ trương đề ra đầu tiên của Wikipedia. Các trang Wikipedia này giấu nhẹm những thông tin về thế lực móc nối của các nhân vật này, cách thức hành động ra sao, những phát ngôn thiếu suy nghĩ của họ. Ví dụ, trên Wikipedia của Lê Công Định, ta có thể thấy một Lê Công Định với rất nhiều hoạt động chủ trương về dân chủ và đa nguyên. Nhưng không hề liệt kê đầy đủ các hoạt động theo cờ vàng Việt Nam Cộng hòa của ông ta, lại không nói gì đến hành động chăn dắt các em gái tham gia hoạt động dân chủ và nhân quyền, mà cả làng dân chủ ai cũng biết với chứng cứ đầy đủ.

Do cơ chế "edit" tự do của Wikipedia, hai thế lực viết viết sửa sửa của cả hai bên đều thi nhau sửa bài của phía bên kia. Nhưng nếu nhìn trên Wikipedia Tiếng Việt thì có vẻ như phe của Việt Tân đang thắng thế với đội ngũ hùng hậu các thành phần thất nghiệp bất mãn. Ngay khi đội ngũ "editor" của nhà nước định sửa cái gì trên các trang của Lê Công Định hay Trần Huỳnh Duy Thức, thì ngay lập tức cũng sẽ bị sửa lại cho hợp với đường lối và chủ trương của Việt Tân.

Bên cạnh đó, có nhiều author và editor tự do ở Việt Nam, họ hầu như vì thấy một thông tin nào đó cần thiết nhưng chưa có và tin vào lý tưởng tri thức cộng đồng do ông chủ Wikipedia đặt ra nên tự nguyện đóng góp. Nhưng các cây viết tự do này cũng khó đảm bảo được nguyên vẹn thông tin mà họ đưa ra trên Internet (trừ phi thông tin của họ dịch từ Wikipedia tiếng Anh). Nếu thông tin của họ không thể bị sửa thì những thế lực vô hình trên Wikipedia sẽ đưa ra thông báo rằng thông tin của họ không hợp lệ và sẽ bị xóa sau 7 ngày.

Tiền thân của Wikipedia là Nupedia, một dự án từ điển bách khoa toàn thư online của một nhóm học giả thuộc Tập đoàn Bomis - một công ty kinh doanh qua Internet. Nhưng sau đó, Larry Sanger đã đề xuất làm Wikipedia bằng việc tận dụng nguồn lực cộng đồng thay vì phải trả lương rất cao cho các chuyên gia có uy tín. Nếu theo quy trình của Nupedia thì quy trình kiểm tra và biên tập của chuyên gia cần có 7 bước, như thế tốc độ đăng bài và chi phí sẽ quá lớn. Sau đó, Larry đã bất cần đến tính chỉn chu của tri thức, mà tạo ra một cơ hội cho đám đông len lỏi vào lâu đài tri thức. Nếu đám đông có nền tảng dân trí cao thì Wikipedia có thể có độ xác tín, còn nếu đám đông có nền tảng dân trí thấp thì Wikipedia vô tình trở thành cơ hội cho dạng tri thức lắp ghép đầy thiên kiến (như biểu tượng của Wikipedia).

Đây chỉ là vài nét phác thảo về Wikipedia, chúng tôi sẽ dần dần cung cấp thông tin ở các bài viết sau về những sự bất ổn của hệ thống này. Nếu bạn có thông tin gì về sự bất ổn của Wikipedia, rất mong các bạn chia sẻ trên group này.