putin
Liên minh quân sự do Nga lãnh đạo đã đánh nhừ tử đám tay sai của Washington ở Syria, đó là lý do khiến John Kerry đang kêu gào "Hết Giờ".

Vào thứ hai, ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp trong tuần để các lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Jordan có thể thảo luận cách để tránh khỏi sự "phá hủy toàn diện" của Syria. Theo Kerry, "Mọi người, bao gồm cả Nga và Iran, đã nói rằng không có giải pháp quân sự, thế nên chúng ta cần phải nỗ lực tìm ra một giải pháp chính trị. Đây là một thảm họa nhân đạo đang đe dọa sự toàn vẹn của nhiều quốc gia trong khu vực," Kerry nói thêm.

Dĩ nhiên, nó không hề là "thảm họa" khi những kẻ khủng bố đang phá hủy các thành phố và làng mạc khắp đất nước, khiến một nửa dân số phải di cư và biến một quốc gia thống nhất và an ninh thành xứ sở hỗn loạn vô chính phủ. Nó chỉ trở thành thảm họa khi Vladimir Putin phối hợp chiến dịch ném bom của Nga cùng với quân đội đồng minh trên mặt đất, khi họ bắt đầu xóa sổ hàng trăm chiến binh được Hoa Kỳ hậu thuẫn và chiếm lại những thành phố dọc hành lang phía tây. Giờ đây khi không quân Nga đang nghiền nát những kho đạn dược, vũ khí của jihadi, và căn cứ của quân nổi loạn, quân đội Arab Syria (SAA) đang thắt chặt vòng vây quanh Aleppo, Hezbollah đang gây ra những thiệt hại nặng nề cho phiến quân Jabhat al Nusra cùng những loài chuột bọ có liên kết với Al Qaida khác; Kerry quyết định rằng đó là một thảm họa. Giờ đây, khi cục diện chiến tranh chuyển sang thuận lợi cho tổng thống Syria Bashar al Assad, Kerry muốn "Hết Giờ".

Hãy nhớ rằng Putin đã làm việc không mệt mỏi suốt những tháng hè để đưa các bên tham chiến lại với nhau (trong đó có cả phe đối lập chính trị chống lại Assad), để xem liệu có thể tìm ra một phương án ổn định Syria và chống lại ISIS. Nhưng Washington không muốn tham gia bất cứ liên minh nào do Nga lãnh đạo. Sau khi mọi khả năng giải quyết xung đột thông qua sự đồng thuận đã bị từ chối, Putin quyết định trực tiếp can thiệp bằng cách đưa không quân Nga vào tham chiến chống lại các phần tử cực đoan Sunni cũng như những lực lượng chống chính quyền khác, những kẻ đang xé nát đất nước và dọn đường cho lực lượng liên kết với Al Qaida chiếm thủ đô. Sự can thiệp của Putin đã ngăn chặn sự xuất hiệp của một đế chế khủng bố Hồi Giáo ở Damascus. Ông đã đảo ngược tình hình cuộc chiến tranh kéo dài bốn năm, cũng như giáng một đòn thôi sơn vào chiến lược thâm hiểm của Washington. Bây giờ, ông sẽ hoàn tất công việc.

Putin không đến nỗi khờ khạo để mắc bẫy chiến thuật câu giờ của Kerry. Ông sẽ tiêu diệt hoặc bắt giữ càng nhiều khủng bố càng tốt và ông sẽ không để Chú Sam cản đường.

Những kẻ khủng bố này - hơn 2.000 tên trong số chúng đến từ Chechnya, cùng kế hoạch của Hoa Kỳ sử dụng đám Hồi Giáo cực đoan ấy để thúc đẩy các mục tiêu đối ngoại, tạo ra mối đe dọa chí mạng đối với Nga. Putin không đánh giá thấp mối nguy hiểm ấy. Ông biết rằng nếu chiến lược của Washington thành công ở Syria, nó sẽ được sử dụng ở Iran và rồi ở Nga. Đó là lý do khiến ông đổ tiền bạc và tài nguyên vào công việc này. Đó là lý do khiến các tướng lĩnh của ông xem xét mọi chi tiết và xây dựng một chiến lược vững chắc để tiêu diệt đám tội phạm trẻ ranh hoạt náo này và khôi phục biên giới chủ quyền của Syria. Đó cũng là lý do khiến ông sẽ không bị làm chệch hướng bởi những kẻ miệng lưỡi lươn lẹo như Kerry. Putin sẽ theo việc này đến cùng. Ông sẽ không dừng lại vì bất cứ ai hay vì bất cứ điều gì. Thắng lợi ở Syria là vấn đề an ninh quốc gia, an ninh quốc gia của Nga.

Đây lại là Kerry: "Nếu Nga giúp Assad tìm ra con đường dẫn tới giải pháp chính trị cũng như chống lại Daesh (ISIS) và chủ nghĩa cực đoan thì đây có khả năng là một con đường thực sự khác biệt."

Putin đề xuất giải pháp ngay từ đầu nhưng chính Washington đã từ chối các giải pháp đó. Putin ủng hộ cái gọi là đàm phán Geneva từ năm 2012. Trên thực tế, ngoại trưởng Mỹ khi đó, Hillary Clinton, đã phá hỏng toàn bộ tiến trình bằng cách đòi hỏi Assad không được tham gia bất cứ chính quyền lâm thời nào. (Lưu ý: Hiện giờ Obama đã rút lại yêu cầu này). Nga coi đòi hỏi của bà ta là tương đương với thay đổi chế độ, và nó chính là như vậy bởi vì Assad là người đứng đầu nhà nước được quốc tế công nhận và hoàn toàn có quyền tham gia bất cứ chính quyền lâm thời nào. Chính sách phủ định của Hoa Kỳ đã phá hỏng các nỗ lực về "cuộc bầu cử tự do và công bằng đa đảng" dưới sự giám sát quốc tế và chấm dứt mọi cơ hội nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Washington quyết tâm có được đòi hỏi của họ ("Assad phải ra đi") hơn là cứu sống hàng chục ngàn mạng thường dân, những người đã chết kể từ khi Clinton quay lưng lại với Geneva.

Sao giờ Kerry lại chìa ra cành ô liu? Sao giờ Washington lại quan tâm tới "sự phá hủy toàn diện" của Syria?

Tôi không tin điều đó. Điều mà Kerry quan tâm đến là những anh bạn côn đồ chuyên "chặt đầu" của ông ta sẽ bị vó ngựa Nga nghiền thành bột. Đấy là điều mà ông ta quan tâm đến. Hãy xem đoạn này trên RT:
"Tổng thống Syria Bashar Assad "không phải ra đi ngày mai hay ngày kia," bộ ngoại giao Hoa Kỳ (người phát ngôn Mark Toner) đã tuyên bố. Washington cho phép Assad có thể tham gia quá trình chuyển tiếp, nhưng không được tham gia chính quyền kế tiếp của Syria...

"... đây không phải là sự áp đặt của Hoa Kỳ. Đây là thái độ của nhiều chính quyền khắp thế giới và nói thật là của đa số người dân Syria," Toner nói.
Khi được yêu cầu làm rõ "thời hạn" của quá trình chuyển tiếp mà bộ ngoại giao dự tính, Toner đã không đưa ra thời gian chính xác.
"Tôi không thể đặt ra một khung thời gian cho điều đó. Tôi không thể nói rằng hai tuần, hai tháng, sáu tháng," ông ta nói, thêm vào rằng Hoa Kỳ đang tìm kiếm "một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột."...
Sau đó, Toner thừa nhận rằng Hoa Kỳ vẫn đang trong "quá trình khởi động quá trình," khẳng định rằng đây là "một vấn đề cấp bách" đã "kéo dài quá lâu." ('Assad doesn't have to leave tomorrow, can be part of transitional process' - Bộ ngoại giao Hoa Kỳ", RT)
"Một quá trình để khởi động quá trình"?? Có ai đấy không?

Toner đánh bài lui quá nhanh, ông ta thậm chí không chắc mình đang nói gì. Rõ ràng là chính quyền đang rất bối rối về những gì đang diễn ra tại Syria và rất tha thiết muốn ngăn chặn việc những chiến binh jihadi do Hoa Kỳ hậu thuẫn bị tiêu diệt, đến nỗi họ cử Toner đáng thương ra nói với truyền thông trước khi ông ta kịp chuẩn bị những gì cần nói. Thật là khôi hài. Chính quyền đã đi từ việc từ chối gặp đại biểu cấp cao của Nga ngay trong tuần trước (để bàn về phối hợp không kích ở Syria), đến hôm nay hoàn toàn đầu hàng về lập trường nực cười "Assad phải ra đi" của họ. Đó là thật là một cú đảo ngược 180 độ, bạn có nghĩ vậy không? Tôi ngạc nhiên là họ không treo cờ trắng trên tòa nhà số 1600 đại lộ Pennsylvania [Nhà Trắng], trong khi ban nhạc hải quân chơi nhạc hiệu.

Nhưng đừng vội nghĩ rằng sự nhục nhã mới nhất này sẽ làm trệch bánh kế hoạch của Washington nhằm phá hủy nhà nước Syria có chủ quyền và biến nó thành hàng triệu mảnh nhỏ vô dụng không thể de dọa đến hành lang tuyến đường ống dẫn dầu lớn, hay các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, hoặc Valhalla phục quốc Do Thái của Israel. Nó sẽ không. Kế hoạch đó vẫn đang tiến lên bất chấp những nỗ lực của Putin nhằm tiêu diệt các chiến binh và bảo vệ đường biên giới. Chiến lược phân chia Syria đã được chủ tịch Hội Đồng Quan Hệ Quốc Tế Richard Haass lặp lại mới đây thôi:
".... Hoa Kỳ và các quốc gia khác phải theo đuổi một chính sách nước đôi. Một mặt là sẽ tiếp tục cải thiện cân bằng quyền lực tại Syria. Điều này có nghĩa là giúp đỡ người Kurds và các bộ lạc Sunni nhiều hơn, cũng như tiếp tục không kích IS.

Nỗ lực này tạo ra các khu vực tương đối an toàn. Một Syria bao gồm nhiều khu vực nhỏ có thể là kết quả tốt nhất cho hiện tại cũng như tương lai gần. Hoa Kỳ cũng như bất cứ ai khác đều không có lợi ích quốc gia sống còn trong việc khôi phục chính quyền Syria kiểm soát toàn bộ lãnh thổ quốc gia; điều quan trọng là đẩy lùi IS và các nhóm tương tự.

Mặt thứ hai là quá trình chính trị, trong đó Hoa Kỳ và các chính quyền khác vẫn mở cửa cho sự tham gia của Nga (và thậm chí là Iran). Mục tiêu là tước bỏ quyền lực của Assad và thiết lập một chính quyền kế nhiệm, mà tối thiểu là nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng Alawite của ông ta và lý tưởng là một số người Sunni." (Testing Putin in Syria, Richard Haass, Project Syndicate)
Lật đổ Assad và phân chia đất nước. Phá hủy Syria một lần và mãi mãi. Đó là chiến lược mà Washington đang thực hiện. Kế hoạch này ban đầu được nhà phân tích Michael O'Hanlon của Brooking đề xuất, ông này mới đây đã nói:
"...Syria trong tương lai sẽ là một liên bang bao gồm nhiều vùng: một vùng chủ yếu là người Alawite (bộ lạc của Assad) chạy dọc bờ biển Địa Trung Hải; một vùng của người Kurd dọc hành lang phía bắc và đông bắc gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ; vùng thứ ba chủ yếu là người Druse ở phía tây nam; vùng thứ tư chủ yếu bao gồm người Hồi Giáo Sunni; và rồi vùng trung tâm là hỗn hợp các nhóm dân số trong dải đất từ Damascus đến Aleppo...

Theo thoản thuận này, Assad cuối cùng sẽ phải từ bỏ quyền lực ở Damascus... Một chính phủ trung ương yếu sẽ thay thế ông ta. Nhưng phần lớn quyền lực cũng như quân đội sẽ bị sáp nhập vào các khu vực tự trị riêng lẻ - và cùng với đó là nhiều chính quyền khu vực...

Hoa Kỳ và các nhà huấn luyện ngoại quốc cần triển khai bên trong Syria, tại nơi mà những người được tuyển mộ thực sự sinh sống - và phải ở lại, nếu họ muốn bảo vệ gia đình. (Syria's one hope may be as dim as Bosnia's once was, Michael O' Hanlon, Reuters)
Một lần nữa, lập trường tương tự được lặp lại: Lật đổ Assad và phân chia đất nước. Dĩ nhiên là Hoa Kỳ phải huấn luyện "những người sẽ được tuyển mộ" để giám sát người bản địa và ngăn chặn việc thiết lập bất cứ liên minh hay quân đội nào có thể đe dọa những khát vọng đế quốc của Hoa Kỳ ở khu vực. Đó là chuyện dĩ nhiên rồi. (Nhân tiện, Hillary Clinton đã ủng hộ kế hoạch của O'Hanlon, nhấn mạnh tầm quan trọng của "các khu vực an toàn", có thể được sử dụng để chứa chấp chiến binh Sunni và những kẻ thù khác của nhà nước.)

John "Wacko" McCain là người ủng hộ nhiệt thành nhất của kế hoạch phá vỡ Syria. Đây là phần mà ông ta nói về chủ đề này:
"Chúng ta phải hành động ngay để bảo vệ thường dân và phe đối lập mà chúng ta ủng hộ ở Syria....chúng ta phải thiết lập các khu vực an toàn cho thường dân và phe đối lập ôn hòa chống lại tổng thống Bashar al-Assad và ISIS ở Syria. Các khu vực an toàn này phải được sự bảo vệ của không lực Hoa Kỳ và đồng minh cũng như bộ binh nước ngoài. Chúng ta không nên loại trừ khả năng quân đội Hoa Kỳ có thể đóng một vai trò hạn chế trong lực lượng bộ binh đó...

"Chúng ta phải thực thi chính sách theo cách tác động tới tham vọng của Putin và chi phối hành vi của ông ta. Nếu như Nga tấn công phe đối lập do chúng ta ủng hộ, chúng ta phải áp đặt một cái giá đắt hơn lên lợi ích của Nga - ví dụ tấn công các cơ sở đầu não của Syria hay các mục tiêu quân sự. Nhưng chúng ta cũng không nên giới hạn phản ứng của chúng ta nội trong Syria. Chúng ta phải gia tăng sức ép với Nga ở mọi nơi. Chúng ta phải cung cấp vũ khí tự vệ và các viện trợ cần thiết cho quân đội Ukraina để họ có thể gây ra thiệt hại lớn hơn cho quân đội Nga." (The Reckless Guns of October, Daniel Lazare, Consortium News)
Chắc chắn rồi, hãy phát động Thế Chiến III nào. Tại sao không chứ?

Người đàn ông này nên vào nhà thương điên chứ không nên lảm nhảm ở phòng họp của quốc hội.

Toàn bộ thiết chế chính trị Hoa Kỳ ủng hộ việc lật đổ Assad và phân rã Syria. Việc Kerry đột nhiên kêu gọi đàm phán không thể hiện sự thay đổi căn bản trong chiến lược. Đây chỉ là một nỗ lực câu giờ cho lính đánh thuê của Hoa Kỳ, những kẻ đang phải chịu búa rìu của chiến dịch ném bom của Nga. Putin sẽ đủ khôn ngoan để phớt lờ lời kêu gọi của Kerry và tiếp tục tiến hành cuộc chiến chống khủng bố cho đến khi công việc được hoàn tất.

(Lưu ý: Khi bài báo này đang được in, tờ Turkish Daily Zaman đưa tin: "....Hoa Kỳ và một số quốc gia Châu Âu cũng như Vùng Vịnh....đã đồng ý về kế hoạch mà theo đó tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad của Syria sẽ tiếp tục nắm quyền trong sáu tháng tiếp theo của thời kỳ chuyển tiếp.... Thổ Nhĩ Kỳ đã từ bỏ đòi hỏi [Assad phải từ chức] và đồng ý với thời kỳ chuyển tiếp có sự tham gia của Assad," cựu bộ trưởng ngoại giao Yaşar Yakış trả lời tờ Today's Zaman vào thứ ba....Nếu người dân Syria quyết định tiếp tục với Assad thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể phản đối." (Report: Turkey agrees to Syria political transition involving Assad, Today's Zaman)

Câu chuyện này vẫn chưa xuất hiện trên truyền thông đại chúng phương tây. Chính sách về Syria của Obama đã hoàn toàn sụp đổ.

Dịch bởi Hiệp Sĩ Cưỡi Lừa