Gladio B
Trong phần này, sử gia Danièle Ganser thuật lại những phát hiện liên tiếp về sự tồn tại của tổ chức bí mật kiểu Gladio tại khắp Tây Âu. Việc này đã tạo ra một vụ bê bối chưa từng có, nhưng ngay sau đó nó đã bị bóp nghẹt. Nghị viện châu Âu nghi ngờ những tổ chức dân chủ chỉ là những tấm bình phong giúp Mỹ thao túng dân chúng châu Âu trong suốt nửa thế kỷ qua. Nghi vấn này hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Sau tiết lộ của Thủ tướng Italia Giulio Andreotti, vụ bê bối Gladio đã vượt qua biên giới Italia khi ngày 30/10/1990, cựu Thủ tướng Hy Lạp Andreas Papandreou khẳng định với tờ Ta Nea rằng, chính ông là người đã phát hiện ra một tổ chức bí mật của NATO rất giống Gladio năm 1984, nhưng ngay sau đó ông đã ra lệnh phá vỡ tổ chức này. Dư luận Hy Lạp khi đó đã yêu cầu một cuộc điều tra của Quốc hội về đạo quân này và vai trò của nó trong vụ đảo chính năm 1967 nhưng chính phủ bảo thủ Hy Lạp thời bấy giờ đã từ chối.

Sau Hy Lạp, ngày 5/11/1990, Manfred Such, một thành viên đảng Xanh ở Đức, đã yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Helmut Kohl giải thích về sự tồn tại của một tổ chức kiểu Gladio tại Đức. Kênh truyền hình tư nhân Đức RTL, trong một phóng sự đặc biệt, sau đó đã tiết lộ rằng nhiều cựu thành viên của Waffen SS (một lực lượng bán quân sự được coi là tinh nhuệ nhất của quân đội Đức Quốc xã trong Thế chiến II) đã tham gia vào đạo quân bí mật của NATO tại Đức và rằng tại nhiều quốc gia khác, những người ủng hộ lực lượng cánh hữu cực đoan đã được tuyển mộ vào lực lượng bí mật chống chế độ Cộng sản của NATO.

Căng thẳng gia tăng khi Hans Klein, phát ngôn viên chính phủ, cố giải thích rằng Gladio tại Đức không phải là một đạo quân bí mật hoặc một đơn vị du kích như người ta đồn và nói thêm rằng ông không thể đưa chi tiết vụ việc vì vi phạm bí mật quốc phòng.

Cuối năm 1990, vụ bê bối Gladio bùng phát khi Tổng thống Pháp François Mitterrand đang chuẩn bị ứng phó dư luận nước này khi tham gia vào cuộc chiến vùng vịnh cùng với Mỹ.

Tuyên bố của Klein tạo ra cơn thịnh nộ trong hàng ngũ đảng Xanh đối lập và đảng này yêu cầu một cuộc điều tra khẩn cấp về Gladio tại Đức trước khi "người ta thủ tiêu những bằng chứng về sự tồn tại của nó". Tuy nhiên, đảng SPD đã yêu cầu nhanh chóng dập tắt vụ việc sau khi chính phủ Công giáo - dân chủ tiết lộ, một số bộ trưởng của SPD trong thời gian cầm quyền đã cố tình che giấu sự thật. Chính vì lý do đó mà bất chấp mọi phản đối của đảng Xanh, vụ Gladio tại Đức đã được giải quyết trong bí mật.

Tại Bỉ, Bộ trưởng Quốc phòng Guy Coeme tối ngày 7/11/1990 cũng đã thừa nhận với người dân nước này về sự tồn tại của một đạo quân bí mật của NATO tại Bỉ. Ông Guy Coeme còn tiết lộ mối liên hệ giữa tổ chức bí mật này với làn sóng bạo lực tàn bạo tại Bỉ trong thập niên 80 mà vụ xả súng tại khu siêu thị ở Brabant là đẫm máu nhất. Mặc dù vậy, Thủ tướng Bỉ lúc đó là Wilfried Martens tuyên bố không hề hay biết về sự tồn tại của đạo quân bí mật như lời Coeme khẳng định. Quốc hội Bỉ sau đó đã quyết định thành lập một ủy ban điều tra đặc biệt, và một năm sau đó thì phát hiện và đập tan được tổ chức bí mật này.

Trong khi điều tra, các đại biểu Quốc hội Bỉ phát hiện ra rằng, lực lượng bí mật của NATO vẫn còn hoạt động và họ còn được biết ACC, gồm tướng lĩnh chỉ huy các đạo quân bí mật của NATO tại nhiều nước Tây Âu, đã bí mật nhóm họp tại tổng hành dinh của mình ở Bruxelles, vào ngày 23 và 24/10/1990. Cuộc họp này do tướng Raymond Van Calster, Chỉ huy trưởng Lực lượng Tình báo quân sự Bỉ (SGR), chủ trì.

Khi bị báo giới chất vấn, ông Van Calster đã một mực phủ nhận thông tin trên và cho rằng Gladio chỉ tồn tại ở Italia. Tuy nhiên, sau này chính Calster đã thừa nhận một mạng lưới bí mật đã thực sự được thành lập tại Bỉ sau Thế chiến II nhằm thu thập tin tức tình báo trước giả thuyết về một sự xâm lăng của nhà nước Xôviết nhưng lại không chịu thừa nhận tổ chức này có liên quan trực tiếp với NATO.

Tại Pháp, chính phủ của Tổng thống François Mitterrand khi đó đã cố làm giảm bớt sự lo lắng của công chúng khi thông báo rằng lực lượng bí mật của NATO tại Pháp đã bị giải thể từ lâu lắm rồi.

Tuy nhiên, trong tuyên bố tường trình trước Quốc hội Italia ngày 10/11/1990, Thủ tướng Andreotti đã bóc mẽ Pháp khi khẳng định, Pháp cũng tham gia vào cuộc họp của ACC tại Bỉ hồi năm 1990. Sau tố cáo này, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp khi đó là Jean-Pierre Chevènement, đã cố hạn chế những nghi ngờ khi tuyên bố, lực lượng bí mật của NATO tại Pháp đã hoàn toàn không còn hoạt động từ lâu.

Tại Hà Lan, Thủ tướng Ruud Lubbers, nhậm chức từ năm 1982, đã quyết định phản ứng lại trước hàng loạt tiết lộ về sự tồn tại của các đạo quân bí mật tại các nước Tây Âu bằng cách gửi thư lên Quốc hội ngày 13/11/1990. Trong thư ông thừa nhận tại Hà Lan cũng tồn tại một đạo quân bí mật tương tự như các nước khác và nhấn mạnh rằng đạo quân này chưa bao giờ chịu sự điều hành của NATO.

Sau đó ông Lubbers và Bộ trưởng Quốc phòng Relus Ter Beek đã bí mật thông báo cho Ủy ban Tình báo và An ninh Quốc hội chi tiết nhạy cảm liên quan tới Gladio Hà Lan. Quốc hội Hà Lan sau đó đã quyết định không tiến hành điều tra cũng như công bố vụ việc này trước công luận. Vụ Gladio Hà Lan chìm xuồng từ đây.

Tại quốc gia Luxembourg láng giềng, Thủ tướng Jacques Santer cũng đã trình diện trước Quốc hội ngày 14/11/1990 và khẳng định, một đạo quân bí mật đã được thành lập tại nước này theo sáng kiến của NATO. "Tuy nhiên, hoạt động của đạo quân này bị hạn chế và theo dõi chặt chẽ. Nhiệm vụ của họ là điều phối những cố gắng chung với các nước đồng minh" - ông Santer nhấn mạnh. Jean Huss, đại biểu đảng Xanh Luxembourg, sau đó đã yêu cầu đưa vấn đề này ra tranh luận tại Quốc hội trước khi thành lập một ủy ban điều tra về tổ chức bí mật của NATO, nhưng ý kiến trên của ông Huss đã bị Quốc hội Luxembourg bác.

Riêng tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Đan Mạch, mặc dù chính phủ 3 quốc gia này đều phủ nhận sự tồn tại của đạo quân bí mật của NATO, nhưng báo chí quốc tế cũng như địa phương dẫn các nguồn tin khác nhau khẳng định có sự hiện diện của những tổ chức quân sự bí mật do NATO khởi xướng và được CIA nâng đỡ tại các quốc gia này.

Khi báo chí Na Uy bắt đầu chất vấn chính phủ về chủ đề Gladio, Erik Senstad, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Na Uy, dẫn lời của Rolf Hansen, Bộ trưởng Quốc phòng, phát biểu trước đó trước Quốc hội đã khẳng định, chính ông Hansen là người đã phát hiện sự có mặt của một đạo quân bí mật tại nước này từ năm 1978. Sự kiện Chuẩn đô đốc Jan Ingebristen từ chức Giám đốc Cơ quan Tình báo quân sự Na Uy năm 1985 đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong dư luận quốc gia Bắc Âu này khi cho rằng chính Gladio Na Uy đã khiến vị Chuẩn đô đốc này phải từ chức vì thiếu hợp tác.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu phản ứng trước vụ Gladio ngày 3/12/1990 thông qua tướng Dogan Beyazit, Chủ tịch Ủy ban Chỉ huy các chiến dịch quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và tướng Kemal Yilmaz, Chỉ huy trưởng các lực lượng đặc biệt. Hai người này khẳng định với báo giới rằng, NATO đã thành lập một đạo quân bí mật tại Thổ Nhĩ Kỳ và đặt quyền điều hành vào tay Ủy ban Chỉ huy những chiến dịch đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ với nhiệm vụ tổ chức phản kháng nếu có sự chiếm đóng của Liên bang Xôviết.

Trong khi các tướng lĩnh đều cố thuyết phục dư luận rằng, những thành viên của Gladio Thổ Nhĩ Kỳ đều rất "yêu nước" thì giới báo chí nước này và cựu Thủ tướng Bulent Ecevit lại tiết lộ, đạo quân bí mật trên đã tham gia vào nhiều vụ tra tấn, khủng bố, ám sát và cả những vụ đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khi đó từ chối trả lời những câu hỏi của Quốc hội và các bộ trưởng dân sự, còn Bộ trưởng Quốc phòng của nước này khi đó cảnh cáo cựu Thủ tướng Ecevit rằng: "Tốt nhất ông nên ngậm miệng lại!".

Có thể thấy trong tất cả những tiết lộ về đạo quân bí mật của NATO tại các nước Tây Âu, mọi việc dường như đều bị một lực lượng bí mật nào đó tìm cách bóp nghẹt. Chính vì thế mùa hè năm 1990, Hiệp hội Các nhà báo quốc tế nhóm họp tại Roma, Italia, đã lên tiếng về sự lo sợ của họ khi cho đăng tải những bài vở liên quan tới vấn đề Gladio nhạy cảm. Một lý do khác khiến việc vén màn hàng loạt tổ chức bí mật của NATO tại Tây Âu bị chìm xuồng là do hoàn cảnh lịch sử.

Cần nhắc lại rằng những lời thú nhận của Thủ tướng Giulio Andreotti trước Quốc hội là vào ngày 3/8/1990, tức một ngày sau khi Iraq đánh chiếm Kuweit. Tại Paris, London và Washington, giới truyền thông và cố vấn quân sự lo sợ vụ bê bối Gladio sẽ làm hoen ố hình ảnh của nhiều quốc gia dân chủ phương Tây và nhất là làm đảo lộn công tác chuẩn bị cho cuộc chiến Vùng Vịnh.

Ngày 2/8/1990 tại New York, Mỹ, Anh và Pháp, bị sốc trước việc Kuweit bị tấn công, sau khi nhận được sự chấp thuận của Nga và Trung Quốc đã đề xuất Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị quyết 660 yêu cầu Iraq rút quân khỏi Kuweit ngay lập tức và vô điều kiện.

Tại phương Tây và khắp nơi trên thế giới, khi đó các phương tiện truyền thông đều tập trung vào cuộc chiến Vùng Vịnh và phản ảnh làm thế nào dưới sự dẫn dắt của George Bush (cha), nước Mỹ đã tham gia vào chiến dịch quân sự lớn nhất kể từ sau Thế chiến II và đứng đầu một liên minh gồm Đức, Pháp, Anh, Italia và Hà Lan để giải phóng Kuweit khỏi sự chiếm đóng của Iraq trong chiến dịch mang tên "Bão táp sa mạc" từ tháng 1 đến tháng 2/1991. Khi đó, những phương tiện truyền thông lớn trên thế giới đứng trước hai chuyện lạ cần cung cấp cho dư luận: cuộc chiến Vùng Vịnh và vụ bê bối Gladio tại châu Âu mà họ đã quyết định không đăng tải sau đó.

Sau hàng loạt phát hiện về đạo quân bí mật tại khắp Tây Âu, Nghị viện châu Âu ngày 22/11/1990 đã bắt đầu tranh luận về vấn đề này. 12 quốc gia thành viên trong cộng đồng châu Âu, khi đó đều bị phát hiện liên quan tới vụ bê bối, đang chuẩn bị thành lập thị trường chung châu Âu, đảm bảo việc lưu thông tự do người và hàng hóa. Nhưng những vấn đề về an ninh và quốc phòng vẫn là công việc của mỗi nước thành viên.

Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng Nghị viện châu Âu đã quyết định thông qua một nghị quyết lên án kịch liệt về vụ Gladio. Nghị quyết này chỉ rõ việc thành lập những tổ chức hành động bí mật cần phải được điều tra làm rõ bản chất, cấu trúc, mọi hình thức tồn tại khác hay những nhóm bảo hộ và điều tra về việc sử dụng những tổ chức này để can thiệp vào nội bộ chính trị các nước có liên quan, về vấn đề khủng bố tại châu Âu và khả năng đồng lõa của các cơ quan tình báo các nước thành viên...

Kế đến, nghị quyết phản đối việc một số quan chức Mỹ làm việc với NATO để thành lập tại châu Âu một mạng lưới tình báo bí mật và kêu gọi các nước thành viên dỡ bỏ tất cả những mạng lưới quân sự và bán quân sự bí mật. Tiếp đó, Nghị viện châu Âu yêu cầu tiếp tục làm rõ về vai trò và tác động của Gladio và những tổ chức tương tự. Cuối cùng, Nghị viện châu Âu ra lệnh cho Chủ tịch Ủy ban gửi nghị quyết trên cho Hội đồng châu Âu, Tổng thư ký NATO, cho chính phủ các quốc gia thành viên và cho cả Chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, trong từng ấy biện pháp được Nghị viện châu Âu đề ra thì không có biện pháp nào được thực hiện đầy đủ. Duy chỉ có Bỉ, Italia và Thụy Sĩ sau đó có thành lập một ủy ban điều tra Quốc hội nhưng cũng chẳng đi đến đâu cả. Và mặc dù nghị quyết được thông báo tới NATO và chính quyền Mỹ nhưng cả Tổng thư ký NATO khi đó là Manfred Worner lẫn Tổng thống Mỹ George Bush (cha) đều không có bất cứ động thái nào như mở cuộc điều tra làm rõ về các Gladio và cũng chẳng có lời giải thích nào trước công luận.