Putin erdogan
© 21st Century Wire
Mỹ nói ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ

Tình hình chiến sự ở Idlib leo thang nhanh chóng sau ngày 27 tháng 2, khi những kẻ khủng bố từ nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS, tức chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Syria) tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn vào cứ điểm của quân đội Syria.

Lực lượng trung thành với chính quyền của ông Bashar al-Assad đã tổ chức đáp trả bằng đòn đánh của máy bay chiến đấu và hỏa lực pháo hạng nặng. Theo Bộ Quốc phòng Nga, ngoài lực lượng phiến quân, khủng bố còn có quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, những người vốn không nên có mặt ở đó.

Hậu quả của vụ pháo kích khiến 33 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng, hơn 30 người khác bị thương (có nguồn tin là 36 người). Sau vụ việc, phía Nga cùng với phía Syria đã thực hiện biện pháp ngừng bắn hoàn toàn và đảm bảo việc sơ tán người chết và bị thương về lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh đó, hôm 29/02, người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ, là ông Yashar Guler đã có cuộc thảo luận qua điện thoại về tình hình Syria với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (OKNS) của Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ là tướng Mark Milley.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo rằng, vào hôm 28/02, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Nga, Đại tướng Valery Gerasimov cũng đã tiến hành cuộc nói chuyện điện thoại với ông Mark Milley. Thông cáo báo chí cho biết, "các bên đã trao đổi quan điểm về tình hình Syria và những vấn đề khác có liên quan".

Hãng tin Anadolu bình luận, cuộc điện đàm diễn ra sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hứng đòn tấn công ở Idlib thuộc Syria hôm 27/02, khiến 33 binh sĩ nước này thiệt mạng, 36 người khác bị thương; cùng với đó là hàng loạt xe tăng, thiết giáp bị phá hủy.

Được biết, hai bên đã thảo luận về tình hình đang leo thang căng thẳng ở Khu vực giảm leo thang xung đột ở tỉnh Idlib của Syria, tuy nhiên, chi tiết về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Thổ không được tiết lộ cụ thể.

Trước khi giới quân sự làm việc, giới ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

"Chúng tôi biết thông tin về tình hình tại Idlib và hết sức lo ngại trước việc các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công dẫn đến thương vong. Chúng tôi đã liên hệ với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ để xác nhận sự việc này và làm rõ thêm tình hình ở khu vực nói trên" - đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng, Washington "ủng hộ đồng minh NATO của mình" và tiếp tục kêu gọi chấm dứt ngay lập tức "cuộc tấn công của Nga, chế độ Assad và các lực lượng được Iran hậu thuẫn".

Hoa Kỳ cũng tuyên bố "đang xem xét các phương án hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ một cách tốt nhất trong cuộc khủng hoảng này".

Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Nga đứng ngoài, để quyết đấu với Syria

Theo thông tin mới nhất, giới chức lãnh đạo Ankara tuyên bố đã yêu cầu các nhà lãnh đạo Moscow "không can thiệp vào cuộc đối đầu giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng của Chính phủ Syria", để hai bên tự giải quyết những vấn đề của chính mình.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo rằng, số lượng binh sĩ nước này thiệt mạng trong cuộc không kích của quân đội Syria hôm 27/02 ở Idlib hiện đã tăng đến 36 người, nhưng Ankara thiệt hại một thì chính quyền Damascus cũng đã phải trả giá đắt gấp bội.

"Quân đội đã tiêu diệt hơn 2.100 binh sĩ, 300 xe quân sự, 7 kho hóa chất của quân đội Syria và "sẽ tiếp tục tiêu diệt chúng" - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm.

Theo tuyên bố của Tổng thống Erdogan, việc quân đội nước này mở chiến dịch quân sự ở Syria không phải là một cuộc phiêu lưu quân sự và cũng không xuất phát từ mong muốn mở rộng biên giới của đất nước [hàm ý không muốn xâm chiếm đất đai của Syria].

Bất chấp những thông tin trái ngược về tính chất phi nghĩa trong cuộc chiến của Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib, với cáo buộc nước này tung quân sang xâm lược Syria, hậu thuẫn khủng bố, lật đổ chính quyền Assad, giới lãnh đạo Ankara vẫn thể hiện quyết tâm tiếp tục "cuộc chiến bị phản đối" này.

"Tôi đã nói với Putin: Hãy để chúng tôi một chọi một với chế độ Assad, tự chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết" - truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời ông Erdogan tuyên bố tại Istanbul hôm 29/02.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, quân đội nước này không tới đó [Idlib] theo lời mời của Assad, mà theo lời mời của "nhân dân Syria" và hiện thời nhân dân [Syria] chưa yêu cầu rời đi, thì nước này vẫn chưa rút quân.

Mặc dù vậy, ông Erdogan không cho biết cụ thể khái niệm "nhân dân Syria" ở đây bao hàm tất cả những người đang sinh sống ở đất nước Syria, hay chỉ là một nhóm thiểu số có vũ trang đang chiếm đóng Idlib.

Trong khi đó, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, sau cuộc tấn công đáp trả của Quân đội Syria, Nga đã ghi nhận các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ chết cùng với các tay súng khủng bố quốc tế thuộc nhóm HTS (Hay'at Tahrir al-Sham, là chi nhánh của tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda ở Syria).

Như vậy là nước này thực sự chẳng vì "nhân dân Syria" nào hết mà Ankara tung quân sang Idlib chỉ để bảo vệ các nhóm khủng bố, phiến quân đối lập có vũ trang chống lại chính quyền hợp Hiến và được Liên Hợp Quốc công nhận của ông Bashar al-Assad, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Syria.

Trước đây, cùng với chiêu bài "đáp lại lời kêu gọi của nhân dân Syria", Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã 3 lần tung quân vào tỉnh Aleppo của Syria, mở 3 chiến dịch quân sự mang tên "Lá chắn Euphrates" (Euphrates Shield, tháng 8/2016); "Nhành ô liu" (Operation Olive Branch, tháng 001/2018); Mùa xuân Hòa bình (Peace Spring, tháng 10/2019) đánh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd, chiếm đóng al-Bab; Afrin (Aleppo) và một vùng giao cắt giữa tỉnh Raqqa và al-Hasakah của Syria.