DNC hacked
© www.hackbusters.com
Bị Wikileaks tiết lộ thông tin cho thấy sự mờ ám, bất công và chia rẽ nội bộ, người Mỹ ngay lập tức tìm ra lý lẽ để đổ tội cho Nga.

Dấu hiệu không phải bằng chứng

Theo hãng tin Reuters, các chuyên gia an ninh mạng và quan chức Mỹ nói rằng có những dấu hiệu cho thấy Nga đã sắp đặt việc tiết lộ các thư điện tử nhạy cảm của đảng Dân chủ Mỹ nhằm gây tác động tới cuộc bầu cử tổng thống ở nước này.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang điều tra vụ xâm nhập vào mạng của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, gây ra vụ rò rỉ thư điện tử của Ủy ban này trên trang mạng WikiLeaks hồi cuối tuần qua.

Vụ việc hiện đang dẫn tới mối bất hòa nội bộ trong bối cảnh Đại hội đảng Dân chủ vừa khai mạc ngày 25/7 tại Philadelphia và dự kiến đề cử cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton làm ứng cử viên tranh chức tổng thống.

Các thư điện tử rò rỉ cho thấy có sự thiên vị trong Ủy ban trên đối với bà H.Clinton so với Thượng nghị sĩ Bernie Sander, đối thủ chạy đua sít sao trong cuộc bầu cử sơ bộ. Ủy ban này có nhiệm vụ phải đứng trung lập, và vụ việc bị phơi bày đã khiến nữ Chủ tịch Ủy ban Debbie Wasserman Schultz phải từ chức.

Mặc dù vụ tấn công vào mạng của Ủy ban trên đã được các quan chức và chuyên gia an ninh mạng biết cách đây một tháng, song thời điểm tiết lộ nội dung thông tin trong nội bộ đảng mới là điều khiến giới chức Mỹ lo ngại.

Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ tham gia điều tra cho biết các thông tin mật thu thập được trong vụ tin tặc này cho tới nay "đã cho thấy có lý do nghi ngờ rằng nó xuất phát từ nước Nga".

Quan chức giấu tên này cho biết thời điểm tiết lộ "có đủ dấu hiệu về một chiến dịch tình báo kinh điển với ý đồ phá hoại một đối thủ xác định". Tuy nhiên, quan chức này cho rằng khó có thể chứng minh rõ ràng Chính phủ Nga chỉ đạo vụ tấn công này.

Hạ nghị sĩ Adam Schiff thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cho biết ủy ban này đã được thông báo về vụ việc và sẽ tìm kiếm thông tin về khả năng liên đới của Nga hay một nước nào khác.

Ông Schiff nói: "Việc các nhân vật nước ngoài có thể đang cố gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử của chúng ta- chưa nói tới đó lại là một đối thủ mạnh như Nga- sẽ gây quan ngại cho mọi người dân Mỹ thuộc bất cứ đảng nào".

Ngày 24/7, Robby Mook, người phụ trách chiến dịch tranh cử của bà H.Clinton nói trên kênh CNN rằng "các chuyên gia" cho biết các thư điện tử này đã được các tin tặc nghi là người Nga công bố để giúp cho ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump. Đội ngũ vận động dịch tranh cử của tỷ phú Trump đã bác bỏ cáo buộc này.

Nhiều khả năng, suy luận của giới chức Mỹ xuất phát từ thực tế ông Trump thường ca ngợi ông Putin là "nhà lãnh đạo mạnh mẽ". Ông Trump cũng chỉ trích tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và mới tuần trước, ông nói trên tờ New York Times rằng ông có thể không hỗ trợ những nước thành viên liên minh này nếu họ bị Nga tấn công, trừ phi ông chắc chắn rằng họ đã có đóng góp đầy đủ cho nhóm này.

Mặc dù ông Trump và ông Putin có những lời lẽ công khai khen ngợi nhau, song ông Eugene Rumer, một cựu sĩ quan tình báo quốc gia về Nga và Âu-Á, không đồng tình với việc đưa ra kết luận nhanh chóng về quan điểm của ông Putin đối với ông Trump.

Ông Rumer nói: "Chúng ta có thể nói có phần chắc chắn rằng họ không ưa bà H.Clinton. Song họ có ưa ông Trump không thì chưa rõ đến thế, mặc dù nhiều năm phía Nga nói rằng thích làm việc với đảng Cộng hòa hơn, vì họ theo quan điểm cứng rắn song họ có thể có được các thỏa thuận".

Bà H.Clinton khi làm Ngoại trưởng đã có một nỗ lực ngắn ngủi về việc "tái lập" quan hệ Mỹ-Nga sau khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền năm 2009, song ông Putin đã cáo buộc bà H.Clinton khuấy động biểu tình chống lại việc ông lên nắm quyền sau cuộc bầu cử Quốc hội Nga tháng 12/2011.

Vụ tiết lộ các thư điện tử này có thể hủy hoại tới ứng cử viên mà điện Kremlin có lẽ coi là thù địch và có lợi cho đối thủ của bà, người có vẻ thân thiện hơn với Nga.

Truyền thông Mỹ thời gian qua cũng cho đăng tải các thông tin rằng đã xác định được 2 nhóm tin tặc của Nga xâm nhập vào mạng của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Mỹ. Báo chí Mỹ cũng dẫn lời giới chuyên gia cho biết các phân tích còn phát hiện ra rằng các tin tặc này có liên quan tới các vụ tấn công vào Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Mỹ, Quốc hội Đức và các công ty tư nhân.

Suy luận kiểu Mỹ

Xuất phát từ những thông tin trên, người Mỹ nhận định nếu đúng là Chính phủ Nga đứng đằng sau vụ đánh cắp và tiết lộ nội dung những thư điện tử của đảng Dân chủ, thì có lẽ điều đó cho thấy không phải là sự ủng hộ ông Trump hay sự thù địch với bà H.Clinton mà đúng hơn là mong muốn làm mất uy tín của hệ thống chính trị Mỹ.

Michael Hayden, cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia, nói: "Chắc chắn Nga đã trở thành chuyên gia thao túng thông tin để phục vụ các mục tiêu chiến lược của mình: hãy xem những bong bóng thông tin mà họ tạo ra để phục vụ cho hành vi đe dọa của họ ở Crimea, Ukraine và những nơi khác nữa. Một bước đi như thế, dù thế nào, cũng thực sự giúp cho cuộc chơi của họ".

Reuters cũng dẫn lời 2 quan chức tình báo Mỹ giấu tên cho rằng vụ tin tặc có thể là một phần trong chiến dịch của Tổng thống Nga Putin nhằm chống lại cái mà ông coi là nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) và NATO muốn bao vây và làm suy yếu Nga.

Andrew Weis, nhà phân tích về Nga thuộc cơ quan tư vấn Hành động vì Hòa bình Quốc tế Carnegie tại Washington, nói: "Thật quá ngây thơ nếu cho rằng Chính quyền Nga hoàn toàn chỉ là ủng hộ ông Trump. Lợi ích của Nga là cho thấy nước Mỹ đang bị chia rẽ bởi những bất đồng, bài ngoại và tham nhũng chính trị cấp cao. Nó hoàn toàn phù hợp với lý lẽ của Kremlin rằng Nhà Trắng cứ đi chỉ trích người khác mà không quan tâm tới việc giữ trật tự của chính mình".

Ngày 23/7, WikiLeaks đã tiết lộ hơn 19.000 thư điện tử của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, song trang mạng này bác bỏ sự đồn đoán cho rằng Nga là nguồn gốc vụ việc.

Khi được hỏi về những tuyên bố rằng tình báo Nga đã tấn công mạng của Ủy ban trên để lấy các thư điện tử, nhà sáng lập Wikileaks Julian Assange nói: "Không có bằng chứng về bất cứ điều gì như thế" và cho rằng "đây là sự đánh lạc hướng" trong chiến dịch tranh cử của bà H.Clinton. WikiLeaks cũng cho biết có thể sẽ có những tiết lộ nữa liên quan tới bầu cử Mỹ.

Những suy luận của người Mỹ có lẽ bắt nguồn từ chính những chiêu trò mà họ đã và đang sử dụng, mà theo lời một cựu quan chức CIA là "thao túng thông tin", hơn là xuất phát từ bằng chứng thuyết phục.

Còn nếu người Nga đứng sau vụ này thì người Mỹ cũng nên ngả mũ để tỏ lòng thán phục trước một đối thủ thực sự đáng gờm, một đối thủ đã lĩnh hội được toàn bộ "chiêu thức" của đối phương ở trình độ bậc thầy.