© Universal History Archive/UIG via Getty Images
Ngày 6/8/2018 đánh dấu 73 năm Mỹ thả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật trong Thế chiến II, gây thương vong lên đến 166.000 người.
Sức mạnh bom nguyên tửQuả bom nguyên tử Little Boy do oanh tạc cơ B-29 của quân đội Mỹ thả xuống Hiroshima vào 8h15 sáng ngày 6/8/1945 phát nổ ở độ cao khoảng 550m so với mặt đất.
Cuộc tấn công khủng khiếp đã hủy diệt hoàn toàn trung tâm thành phố, "thổi bay" ngay lập tức hơn 80.000 người, và khiến hàng nghìn người chết bởi nhiễm xạ trong những ngày, tuần và tháng sau đó.
Human Shadow Etched in Stone (tạm dịch: Phiến đá nhân ảnh) là một triển lãm ở Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Trong đó, bóng đen in trên phiến đá được cho là dấu tích còn lại của một người đang ngồi ở khu vực lối vào chi nhánh ngân hàng Sumitomo ở Hiroshima khi bom nguyên tử phát nổ.
Theo viện bảo tàng, dường như nạn nhân đã có mặt từ sáng sớm để chờ đợi ngân hàng tới giờ mở cửa.
Tờ
Guardian lý giải, khi quả bom phát nổ ở gần 600m phía trên bệnh viện Shima, nó tạo ra một làn sóng nhiệt đạt tới 3.000-4.000 độ C trên mặt đất trong tích tắc, với tốc độ bao phủ ra khắp thành phố lên tới 440m/s.
Trong vòng nửa tiếng đồng hồ, gần như toàn bộ các tòa nhà, công trình trong bán kính 2km của vụ nổ đã bùng cháy. Khoảng 90% trong số 76.000 nhà cửa bị phá hủy một phần hoặc hoàn toàn, hay bị cháy rụi thành nhựa. Khoảng 33 triệu mét vuông đất đai được đánh giá có thể sử dụng được trước vụ tấn công, đã bị san thành bình địa khoảng 40%.
© AP Photo/ Stanley Troutman
Viện văn hóa Google phân tích về dấu tích bóng hình ở Hiroshima, tin rằng "nạn nhân đã chết ngay tại chỗ bởi sức nóng khủng khiếp. Bề mặt của các bậc đá xung quanh người này bị tẩy trắng bởi những tia nhiệt cường độ cao. Còn vị trí nạn nhân ngồi đã trở thành màu tối, giống như một cái bóng".
Ám ảnh của những người sống sótKeiko Ogura, người sống sót ở Hiroshima sau thảm kịch năm 1945, chia sẻ với báo
Seattle Times vào năm ngoái, cho biết bà chỉ vừa bước sang tuổi thứ 8 vào ngày 4/8/1945, hai ngày trước vụ không lực Mỹ thả bom.
Bà kể lại, nhiều loạt còi báo động đã vang lên vào đêm trước ngày 6/8, nhưng không có đợt không kích nào xảy ra. Vào sáng ngày mùng 6, cha của Ogura cho con gái ở nhà thay vì đến trường học - nơi rất gần trung tâm thành phố.
Khi một vài người bắt đầu nhìn thấy chiếc B-29 Mỹ bay qua bầu trời trong xanh, người ta dường như vẫn chưa thấy đây là một mối đe dọa nghiêm trọng. Cũng không có cảnh báo không kích nào xuất hiện.
Vụ nổ khủng khiếp lúc 8h15 làm Ogura bất tỉnh ngay tức khắc, và khi tỉnh lại thì bà cảm thấy mình bị mất thị giác tạm thời. Rất may, tại vị trí khoảng 2.5 km ở vùng ngoại ô, cách trung tâm thành phố một bờ sông, bà gần như không bị tổn thương gì.
Trong khi một cơn mưa màu đen, đục ngầu đổ xuống từ đám mây hình nấm vươn lên trên trời, mọi người cảm nhận trực diện sức nóng từ quả bom và cơn bão lửa khủng khiếp đã quét qua thành phố.
Rất nhiều người - bà Ogura hồi tưởng - đã băng qua cầu và leo lên sườn đồi gần khu nhà của bà, nơi một ngôi đền của đạo Shinto được biến thành trạm cứu hộ khẩn cấp.
"Da của nhiều người bị bong từng mảng và quần áo bốc cháy. Khi họ duỗi cánh tay thì lớp da tuột xuống từ đầu ngón tay họ," Keiko Ogura kể. "Nhìn họ giống như những bóng ma".
Nhiều thi thể trôi trên sông. Dưới sức nóng của những ngày tháng 8, cha của Keiko Ogura phải hỏa táng hàng trăm nạn nhân trong một mộ tập thể mà ông đào ở công viền gần nhà họ.
Trong vô số bằng chứng còn sót lại ngày nay là những hình ảnh đáng sợ về hậu quả của bom nguyên tử.
Những người may mắn tìm được chỗ trú ẩn sau vụ tấn công thì rơi vào một thế giới kỳ lạ và đáng sợ, khi đầu tóc mọi người bị bốc cháy khắp nơi, và vô số nhân ảnh như trên in lên đá, lên tường hay vỉa hè.
"Tôi thấy cả thành phố Hiroshima biến mất trong khoảnh khắc," tờ Washington Post trích lời Akihiro Takahashi - 14 tuổi vào thời điểm vụ đánh bom. "Tôi nhìn lại mình và thấy quần áo rách bươm bởi sức nóng. Tôi bị bỏng ở sau đầu, lưng, cả hai tay và hai chân. Lớp da của tôi tuột ra và lủng lẳng."
Những bóng đen còn lại với thời gianMichiko Hachiya, sau này là giám đốc một bệnh viện ở Hiroshima, đã ghi lại tình cảnh của những người sống sót qua vụ nổ. Tài liệu của ông được xuất bản bằng tiếng Anh vào năm 1955.
"Có những dấu tích như bóng hình của con người, một số trông giống như những bóng ma di động. Những người khác thì di chuyển trong đau đớn..." - ông viết.
Bài viết của Katie Serena trên trang allthatsinteresting.com mô tả, thân thể các nạn nhân đã bị thiêu đốt trước cả khi họ nhận biết chuyện gì đang xảy ra, và những bóng đen là tất cả dấu tích còn lại.
Những dấu vết ghi lại số phận của các nạn nhân ngay vào thời điểm thảm họa, với những hình hài đang di chuyển, đang nắm lấy thang, vươn tới cánh cửa... trong cuộc tháo chạy tìm lối thoát thân.
Những bóng đen ở Hiroshima không chỉ lưu lại dấu tích con người. Bất kỳ sự vật nào nằm trong phạm vi vụ nổ đều để lại dấu vết trên mặt đất, bao gồm thang, cửa sổ, ống nước hay xe đạp... "Phiến đá nhân ảnh" là một trong những dấu tích để lại được biết tới nhiều nhất.
Đến năm 1967, bóng đen in trên đá ở Sumitomo vẫn hiện hữu rõ ràng. Tùy thuộc vào vị trí của dấu tích, những cái bóng tồn tại ở nhiều nơi, với thời gian từ vài năm đến hàng chục năm cho đến khi bị mưa gió làm mờ nhạt đi.
Khi ngân hàng được tái thiết, phiến đá trên được di dời và chuyển về Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Ngày nay, người thăm bảo tàng có thể thấy đây là biểu trưng cho những ký ức khủng khiếp trước sức tàn phá của vũ khí hạt nhân.
Nhận xét Độc giả
Bản tin Email