© Sputnik/ Valeriy Melnikov
Lại xin giới thiệu tiếp loạt bài về vũ khí Nga- nước ngoài của chuyên gia quân sự Nga Vladimir Tuchkov. Bài viết với tiêu đề và phụ đề trên đăng trên "Svobodnaia Pressa" ngày 20/5/2019.
Nhưng có lẽ rất nên có một vài dòng giới thiệu ngắn về tác giả: Vladimir Tuchkov đã từng làm việc tại TSNIIMASH (từ viết tắt tiếng Nga của Viện khoa học- nghiên cứu chế tạo máy Trung ương- một trung tâm khoa học- nghiên cứu thiết kế chế tạo tên lửa-ND) khét tiếng với cương vị là kỹ sư cao cấp, kỹ sư trưởng.
Trong hội nghị bàn về các vấn đề phát triển Các lực lượng Vũ trang và Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga (khai mạc ngày 13/5/2019-ND), Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh:
"Thiết lập được một hệ thống phòng không đối phó hiệu quả với vũ khí siêu thanh (vẫn xin được dùng thuật ngữ "siêu thanh" với nghĩa tốc độ M>5 vì thuật ngữ đã được dùng tương đối phổ biến-ND) là một nhiệm vụ có tầm quan trọng hàng đầu để tăng cường khả năng phòng thủ đất nước (Nga) ngay trong tương lai gần".
Và tiếp: "Tôi (V.Putin) cùng các vị ngồi đây đều biết rất rõ rằng vào thời điểm hiện tại chỉ duy nhất có Nga là sở hữu vũ khí siêu thanh. Trên thế giới đến thời điểm này chưa có bất kỳ nước nào khác (sở hữu vũ khí siêu thanh như Nga-ND).
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận thức rõ không kém rằng sớm hay muộn gì thì thiết bị (vũ khí siêu thanh-ND) và các phương tiện mang chúng tương tự (như của Nga) cũng sẽ xuất hiện trong trang bị của các quốc gia hàng đầu trên thế giới.
Đó là lý do tại sao mà các phương tiện chống lại vũ khí siêu thanh cần phải có trong (trang bị của) Bộ đội Đường không- vũ trụ Nga trước khi vũ khí (siêu thanh) được đưa vào trang bị cho quân đội của các quốc gia khác". Hết trích.
Chúng ta hãy thử cùng tìm hiểu tại sao việc đánh chặn tên lửa siêu thanh lại là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn nếu xét từ góc độ kỹ thuật? Và những tên lửa đánh chặn chuyên dụng đối phó với các tên lửa siêu thanh cần phải có những tính chất (tính năng) mới nào? Có thể là Nga đã có một số thành phần cấu thành của hệ thống phòng thủ chống tên lửa siêu thanh rồi chăng?
Trên thực tế, các thiết bị bay siêu thanh đã tồn tại từ lâu, và các phương tiện của hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện có cũng đã có khả năng đánh chặn thành công các thiết bị bay siêu thanh với các mức độ thành công khác nhau.
Cụ thể, tốc độ của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) gấp tới hai mươi lần tốc độ âm thanh (20 M). Nhưng chúng có quỹ đạo bay rất cao, phần lớn quỹ đạo bay ở trên khoảng không gian vũ trụ gần Trái Đất.
Vì vậy, thứ nhất, chúng sẽ bị các radar mặt đất phát hiện ở một cự ly đủ để (còn thời gian) đưa hệ thống phòng thủ chống tên lửa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Và để các radar "khóa" được các ICBM đang bay đó.
Thứ hai, các tên lửa như vậy bay theo quỹ đạo đạn đạo. Vì thế mà các phương tiện tính toán sẽ xác định với độ chính xác cực kỳ cao vị trí trong không gian của tên lửa sau một khoảng thời gian nhất định. Tên lửa đánh chặn sẽ được phóng đến đúng điểm (vị trí) đó vào thời điểm ICBM bay đến. Có nghĩa là- nói nôm na- bắn đón.
Tất nhiên, giá trị đại lượng tốc độ trong quá trình đánh chặn giữ vai trò quyết định. Các hệ thống phòng thủ chống tên lửa hiện có của Mỹ đã có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Nhưng với các ICBM có tốc độ lớn hơn đáng kể, các tên lửa đánh chặn của Mỹ vẫn còn đang rất "chật vật" khi phải đối phó với chúng.
Có nghĩa là "độ trễ" (hay thời gian cần để phản ứng- ta tạm gọi thế- ) của các tổ hợp tên lửa đánh chặn cũng đóng một vai trò nhất định.
Tuy nhiên, không hề có bất cứ một rào cản kỹ thuật mang tính nguyên tắc nào không cho phép tăng xác suất đánh chặn thành công ICBM, nghĩa là, để giảm độ trễ của các tổ hợp (nói cách khác- để tổ hợp tên lửa đánh chặn có thể phản ứng ngay lập tức).
Khái niệm tên lửa siêu thanh do Nga chế tạo được hiểu là hai kiểu phương tiện bay: tên lửa có cánh (hành trình) và khối tác chiến bay của tên lửa đạn đạo (glider).
Sự đặc biệt của chúng nằm ở chỗ trong khi bay với tốc độ siêu thanh (từ 5 M trở lên) chúng vẫn liên tục cơ động (thay đổi hướng) ở độ cao không lớn, có nghĩa là khi bay trong bầu khí quyển.
Sự phức tạp của việc đánh chặn chúng nằm ở chỗ các phương tiện máy tính của các hệ thống phòng thủ chống tên lửa về mặt lý thuyết không thể xác định được quỹ đạo (đường) bay của chúng. Lại nói cách khác- không xác định được điểm bắn đón để phóng các tên lửa đánh chặn.
Ngoài ra, các radar mặt đất chỉ có thể phát hiện các mục tiêu bay thấp ở một cự ly không lớn. Khi đó (ở cự ly không lớn) thì hệ thống (phòng thủ chống tên lửa) đã không còn đủ thời gian và khả năng hoạt động bình thường để đánh chặn tên lửa đang tiếp cận mục tiêu với tốc độ siêu thanh nữa.
Nhưng sẽ xuất hiện một câu hỏi hoàn toàn tự nhiên: tại sao các tên lửa hành trình "thông thường" (tốc độ) cận âm và siêu âm lại có thể bị các phương tiện phòng thủ chống tên lửa hiện có đánh chặn được? Những tên lửa này cũng bay thấp. Và cũng cơ động khi bay.
Thứ nhất, thời gian bay của những tên lửa này từ khi bị phát hiện đến lúc tiếp cận mục tiêu cần tấn công là tương đối dài. Thứ hai, các tên lửa dánh chặn khi bay cũng cơ động bám theo mục tiêu. Có nghĩa là, nói một cách hình tượng cho dễ hiểu, tên lửa đánh chặn chạy đuổi theo tên lửa mục tiêu, phản ứng kịp thời trước mọi "thủ đoạn" chạy trốn của các tên lửa mục tiêu đó.
Tuy nhiên, để phản ứng kịp trước các động tác cơ động của tên lửa siêu thanh, có nghĩa là trước sự thay đổi hướng bay đột ngột và liên tục, tên lửa đánh chặn cần phải có tính chất động lực học siêu việt - phải chịu được lực quá tải (G) rất lớn. Xin được nói trước một chút, Nga đã có những tên lửa như vậy.
Tuy nhiên, thứ nhất, chỉ có với một số lượng rất hạn chế. Và thứ hai, chúng chỉ được bố trí "chết gí" tại một địa điểm và không thể điều chuyển sang các khu vực khác trong trường hợp những khu vực này có nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa.
Và còn điều thứ ba nữa, - giá của các tên lửa này, cũng tương tự như các tính năng kỹ- chiến thuật của chúng- cao kỷ lục. Có nghĩa là trước mắt chúng ta- chỉ mới có một giải pháp một phần chống các vũ khí siêu thanh.
Thành tố quan trọng nhất khi xây dựng hệ thống quốc gia phòng chống tên lửa siêu thanh của Nga- phải thiết lập được một Hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa hoàn chỉnh. Chúng ta (Nga) đã có một hệ thống như vậy, nhưng với một cấu hình rõ ràng là không hoàn chính.
Trong Hệ thống này có các thành tố mặt đất và các thành tố trên không gian. Thành tố mặt đất- đó là mạng radar tầm xa mặt đất kiểu "Voronezh". Hai năm trước đây, sau khi đưa trạm radar "Voronhezh" thứ bảy (7) vào hoạt động, chúng ta (Nga) đã phủ sóng radar toàn bộ các khu vực đường biên giới..
Nhưng còn phân khúc (thành tố) trên không gian của Nga gồm các vệ tinh kiểu "Tundra",- thì rất có vấn đề- phân khúc này còn lâu nữa mới được hoàn thiện. Nhiệm vụ kiểm soát liên tục các lần phóng tên lửa trên toàn bộ bề mặt Trái Đất chỉ có thể thực hiện được bởi 10 vệ tinh.
Nhưng hiện giờ thì trên quỹ đạo (Nga) chỉ có 2 vệ tính. Trong khi đó- chỉ có cụm vệ tinh vũ trụ mới có khả năng phát hiện tên lửa siêu thanh bay thấp, truyền số liệu chỉ mục tiêu đến các "cơ quan hành pháp". Tức là - đến các tiểu đoàn tên lửa đánh chặn.
Như đã nói ở phần trên, chúng ta có tên lửa đánh chặn 53T6 phóng từ hầm phóng,- chúng hoàn toàn có khả năng "xử lý" các tên lửa siêu thanh. Hiện những tên lửa này đang "phục vụ" trong hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Matxcova và khu vực công nghiệp trung tâm mang tên A-135 "Amur".
Tốc độ tối đa của tên lửa đánh chặn nặng hơn 10 tấn này vượt quá 10 M. Nhưng đó chưa phải là ưu điểm quan trọng nhất của nó - để đánh chặn thành công, tốc độ của tên lửa đánh chặn vẫn có thể thấp hơn tốc độ của tên lửa mục tiêu. Tên lửa Nga này (53Т6) có thể cơ động với lực quá tải không tưởng: 210G - theo phương dọc, và 90G - theo phương ngang.Chính những tên lửa này có khả năng đánh chặn cả các tên lửa siêu thanh,-- kể cả những tên lửa siêu thanh hiện vẫn chưa có mặt trên đời bên ngoài biên giới Nga. Tuy nhiên, Nga không có nhiều tên lửa kiểu này.Hệ thống "Amur" chỉ có thể đánh trả được một cuộc tấn công tên lửa quy mô hạn chế, chứ không thể đánh trả được một đòn tấn công tên lửa ồ ạt vào khu vực công nghiệp trung tâm của Nga.
Trong tương lai gần, sẽ có một phiên bản mới của hệ thống(phòng thủ chống tên lửa cho Matxcova và khu công nghiệp trung tâm)- đó là hệ thống A-235 "Nudol" . Và A-235 "Nudol" sẽ có biến thể tên lửa đánh chặn 53T6
M (lưu ý, có thêm chữ cái M-ND),- các thử nghiệm kiểu tên lửa này đang ở giai đoạn hoàn tất.
A-235 cũng sẽ có các tính năng (kỹ- chiến thuật) hoàn thiện hơn. Ngoài ra, nó lại có khả năng cơ động. Chắc chắn sẽ là trên khung gầm xe bánh lốp. Như ICBM "Yars" vậy.
Những nghiên cứu vào đầu thập kỷ này đã làm "lóe lên một số niềm hy vọng" về việc có thể giao một phần trách nhiệm đối phó với vũ khí siêu thanh cho hệ thống tên lửa phòng không S-400.
Điểm xuất phát của (niềm hy vọng như vậy) là cự ly bắn của S-400 lớn và tốc độ các tên lửa của S-400 cũng rất cao. Tuy nhiên, S-400- đấy là, trước hết, một phương tiện chống lại máy bay đối phương và tên lửa hành trình (tốc độ) dưới "siêu thanh". Xác suất đánh chặn thành công tên lửa siêu thanh là rất không cao.
Nhưng sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác nếu nói tới hệ thống S-500, - một hệ thống sẽ sớm được đưa vào trang bị cho Bộ đội Đường không- Vũ trụ Nga (VKS). S-500 gồm hai hệ thống thành phần ít phụ thuộc vào nhau- hệ thống phòng không và hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Mỗi hệ thống có một "bộ" tên lửa riêng, phương tiện phát hiện mục tiêu và phương pháp điều khiển tên lửa cũng riêng.Để "dành riêng" cho S-500, Phòng thiết kế "Phakel" đã chế tạo hai (kiểu) tên lửa đánh chặn với những tính năng "độc nhất vô nhị" - đó là 77N6-N và 77N6-N1 (77Н6-Н và 77Н6-Н1).
Những tính năng kỹ- chiến thuật của chúng không được tiết lộ. Chỉ biết rằng chúng có khả năng đánh chặn được các mục tiêu bay với tốc độ 7 km/s - tức 20,5 M. Cũng được biết thêm rằng, các tên lửa này được quy chuẩn với hệ thống phòng thủ chống tên lửa A-235 "Nudol". Chính vì vậy, chúng hoàn toàn "thích hợp" để đánh chặn các mục tiêu cơ động siêu thanh.
Hoàn toàn rõ ràng là một loại vũ khí nào đó sẽ chi thực sự có hiệu quả tác chiến trong trường hợp kiểu vũ khí đó được sản xuất với một số lượng cần thiết để trang bị cho các đơn vị. Thành thử, các công trình sư thiết kế loại vũ khí chống lại tên lửa siêu thanh còn phải giải quyết thêm một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nữa- đó là hạ giá thành sản phẩm.
Để kết luận, rất cần phải nói rằng loại phương tiên (vũ khí) đối phó hiệu quả nhất với vũ khí siêu thanh là các laser tác chiến. Ít nhất thì cũng bời vì tốc độ tia laser = tốc độ ánh sáng.
Tuy nhiên, nói về việc tạo ra những vũ khí như vậy hiện giờ là hơi sớm. Tổ hợp laser "Peresvet" hiện có của Nga hiện mới chỉ có thể làm mù máy bay không người lái và đầu tự dẫn tầm nhiệt thôi. Chúng không có khả năng phá hủy mục tiêu.
Nhận xét: Một tác dụng nữa của hệ thống đánh chặn vũ khí siêu thanh là nó có thể đánh chặn thiên thạch từ vũ trụ. Hơn ai hết, Nga đã từng nếm trải và hiểu mức độ hủy diệt có thể của những thiên thạch như vậy.