Hình ảnh cuộc tấn công trên bầu trời Los Angeles năm 1942
Sau trận Trân Châu Cảng, nước Mỹ luôn đặt trong tình huống cảnh giác cao độ trước một cuộc tập kích đường không của phát xít Nhật vào Bờ Tây. Sau hàng loạt vụ báo động giả, còi báo động phòng không Mỹ vang lên liên hồi vào đêm 24/2/1942, sau khi phát hiện một máy bay lạ xâm nhập không phận, theo
History Net.
Lực lượng Phòng vệ Dân sự (CDS) ở Bờ Tây nước Mỹ phát hiện ra dấu hiệu đầu tiên của chiếc máy bay đang tiếp cận lúc 23h, nhưng họ hành động thận trọng vì máy bay thương mại và tư nhân khá phổ biến khi đó. Khi chiếc máy bay này tiếp tục tiến sát đất liền, các khẩu đội pháo được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. CDS yêu cầu cắt điện toàn thành phố.
Đến 2h sáng ngày 25/2, radar phòng không thu được tín hiệu lạ, cách tây nam thành phố Los Angeles khoảng 160 km. Lệnh báo động được đưa ra khi có thông tin xác nhận "một máy bay không xác định đang tiếp cận bờ biển". 15 phút sau, báo động được tăng thêm một cấp.
Báo động đỏ sau đó được ban hành, các kíp phòng không và đèn pha vào vị trí chiến đấu. Lúc 3h16, pháo phòng không của Bộ chỉ huy Đánh chặn số 4 bắt đầu khai hỏa suốt 20 phút để bắn hạ máy bay lạ. Đến 4h45, lực lượng phòng không tiếp tục khai hỏa trong 10 phút.
Các khẩu đội pháo phòng không đã nã 1.440 quả đạn pháo 76 mm và 37 mm lên bầu trời Los Angeles, đạt mức trung bình 48 phát/phút. Gần 10 tấn đạn dược đã rơi xuống quanh thành phố trong trận đánh này.
Từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc trận chiến vào sáng sớm hôm sau, hàng nghìn người đã chứng kiến các ánh đèn pha chiếu vào một mục tiêu lơ lửng trên bầu trời thành phố Los Angeles, cùng tiếng nổ chát chúa của đạn pháo phòng không trên bầu trời.
Thông tin chi tiết về vụ tấn công tràn ngập trên các báo buổi sáng của Mỹ. Một số báo đưa tin hai máy bay Nhật Bản bị bắn rơi nhưng không tìm thấy mảnh vỡ nào. Hình ảnh những chiếc đèn pha sáng quắc tập trung rọi vào những vật thể phát sáng trên bầu trời được các tờ báo đăng trên trang nhất, dù không rõ đây là ảnh chụp thực tế hay chỉ là hình vẽ phác họa trận đánh của một họa sĩ.
Ngay khi im tiếng súng, người dân bắt đầu xôn xao về điều họ chứng kiến trên bầu trời Los Angeles. Một số nhân chứng cho rằng có từ 25 đến 50 phi cơ Nhật đã di chuyển chậm về Long Beach để tấn công các nhà máy chế tạo máy bay của Mỹ.
Những người khác có cách giải thích rằng đó là một vụ chạm trán với UFO. Các tin đồn cho rằng hai đĩa bay bị rơi đã được tìm thấy, một trên biển và một trên ngọn núi San Bernardino, cho thấy chúng có nguồn gốc ngoài Trái Đất. Tuy nhiên, không ai đưa ra được các bằng chứng tin cậy.
Nhiều người cho rằng vật thể bí ẩn này chỉ là một khinh khí cầu thời tiết hoặc khí cầu lửa của Nhật Bản, chỉ trích lực lượng tuần duyên Mỹ liên tục nã đạn vào một khí cầu suốt nhiều giờ mà không hạ được nó.
Miêu tả của các nhân chứng đầy mâu thuẫn, khiến không ai có thể xác định được vật thể đã gây náo loạn bầu trời Los Angeles đêm đó thực chất là gì. Nhật Bản tuyên bố họ chưa bao giờ phát động cuộc tập kích đường không vào lục địa Mỹ và phía Mỹ cũng không thu được bất cứ mảnh vỡ nào để cáo buộc Nhật. Bộ trưởng hải quân Mỹ Frank Knox bác bỏ thông tin về vụ tấn công, gọi đây là một vụ báo động giả do căng thẳng.
Dù vậy, thiệt hại mà vật thể lạ này gây ra cho người dân Los Angeles là có thật. Tờ
Los Angeles Examiner khi đó cho biết một số đạn pháo phòng không 76 mm đã không phát nổ trên không trung và rơi xuống đất, làm hư hỏng nhiều tòa nhà và khiến ít nhất 6 người thương vong. Nhiều quả đạn pháo đủ kích cỡ rơi quanh thành phố, buộc quân đội Mỹ phải căng dây với các tấm bảng lớn cảnh báo đạn chưa nổ.
Tổng cộng 8 người thiệt mạng trong cuộc tập kích này, trong đó 3 người chết vì đau tim, số còn lại bị trúng mảnh đạn pháo nổ dưới đất. Sự cố khiến Mỹ bắt giữ hơn 100 người, đa phần là người Mỹ gốc Nhật Bản, với cáo buộc che giấu thông tin hoặc phát tín hiệu cho máy bay địch.
Nhận xét: Sự kiện này nổi tiếng đến mức nó được đặt tên "Trận đánh Los Angeles". Xem thêm về nó trên Wikipedia tiếng Việt hoặc tiếng Anh.