© Ralf Hiemisch/Getty Images
Đại diện thường trực của Nga tại EU Vladimir Chizhov trả lời phỏng vấn Sputnik cho biết, Nga đang tích cực thảo luận với Liên minh châu Âu (EU) về khả năng mở rộng các thỏa thuận giao dịch bằng đồng euro và đồng nội tệ của Nga -ruble.
Ông Chizhov cho biết, EU đã bắt đầu nhận thấy đồng dollar là "một thứ vũ khí" và họ mong muốn tăng thương mại với Nga bằng đồng tiền chung châu Âu euro. Các lệnh trừng phạt là một công cụ khác của Washington, vì các công ty châu Âu phụ thuộc vào thị trường Mỹ phải ngừng giao dịch với các công ty Nga nếu xảy ra trường hợp bị trừng phạt.
Do đó, hoàn toàn dễ hiểu nếu EU muốn giảm các giao dịch bằng đồng bạc xanh với các nước khác trên thế giới. Trong đó, Nga là một thị trường đầy tiềm năng.
"Dollar vẫn là thứ vũ khí mạnh mẽ trong tay Mỹ. EU đã bày tỏ mong muốn gia tăng giao dịch thương mại bằng euro" - ông Chizhov nói.
Vị đại diện Nga cho biết, khả năng tăng số lượng và giá trị giao dịch bằng euro và ruble cần phải được thảo luận giữa Nga và EU. Ông khẳng định tỷ lệ giao dịch bằng euro đang tăng dần lên.
"Tất nhiên chủ đề này cần được thảo luận ở các cấp quản lý tại Chính phủ Nga và Ủy ban châu Âu nhưng cuộc đối thoại đã diễn ra và vẫn đang tiếp tục. Chúng tôi đang tăng dần tỷ lệ giao dịch bằng euro" - vị đại diện Nga cho biết thêm.
Hiện các giao dịch dầu trên toàn cầu được tính bằng dollar. Do đó, để giao dịch bằng đồng ruble hay euro trong ngành thì cần có sự mong muốn chung ở hai bên, trong đó có tính đến các quan điểm của các công ty xuất và nhập khẩu ở cả hai bên. Ông Chizhov cho biết, các công ty năng lượng lớn ở châu Âu không muốn thực hiện các giao dịch bằng euro.
Cả Nga và EU đều có lợi ích kinh tế và chính trị chung, nhưng các biện pháp trừng phạt chống Nga hiện có lại đang cản trở hợp tác song phương. Nga sẽ không nhắc tới các hạn chế mà châu Âu phải đối mặt với trừng phạt Mỹ nhưng Moscow sẽ luôn sẵn sàng cho việc đàm phán để tiến tới giao dịch phi dollar với EU.
Bộ trưởng Tài chính Vladimir Kolychev cho biết, việc chuyển sang sử dụng đồng rúp trong giao dịch với các đối tác châu Âu mang lại lợi ích với EU về nhiều mặt.
"Một mặt, điều này giúp củng cố vai trò dự trữ của đồng euro. Mặt khác, việc giao dịch các mặt hàng như thế sẽ đảm bảo hơn trong trường hợp Mỹ ra các quyết định liên quan đến giao dịch đồng USD với các ngân hàng của chúng tôi và các công ty năng lượng lớn" - Bộ trưởng Nga nói.
Rosneft đã định giá dầu giao ngay tháng 9 và tháng 10/2019 bằng đồng euro thay vì dollar. Gazprom vào tháng 3 năm ngoái cũng đã bán lô khí đốt tự nhiên đầu tiên có giá bằng đồng ruble cho một công ty Tây Âu.
Gazprom đã xuất khẩu lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ trị giá 51 tỷ USD sang châu Âu vào năm 2018, trong khi Rosneft thuộc sở hữu nhà nước đã xuất khẩu 123,7 triệu tấn dầu. Những con số ấn tượng này cho phép Nga và châu Âu cùng tìm kiếm các biện pháp giao dịch nhằm né tránh trừng phạt của Mỹ.
Để đối phó với lệnh trừng phạt của phương Tây vào Nga bao gồm việc hạn chế truy cập vào tài chính và công nghệ phương Tây, các công ty châu Âu cũng đã thay đổi các hình thức giao dịch với các công ty Nga. Họ chuyển sang vay từ các ngân hàng nhà nước Nga, tạo điều kiện cho Nga thúc đẩy ý tưởng thanh toán bằng đồng nội tệ cho các giao dịch năng lượng.
Về phía châu Âu, EU vào tháng 12/2018 đã tuyên bố có ý định thành lập một tiêu chuẩn đo lường dầu mỏ mới được định giá bằng đồng euro. Cơ quan này cho biết sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia và nhà đầu tư để tăng cường sự xuất hiện của đồng euro trong các giao dịch dầu mỏ.
Với việc cả Nga và Iran, hai quốc gia xuất khẩu dầu với khối lượng lớn cho thị trường châu Âu, đều đang gặp khó khăn với những biện pháp cấm vận của Mỹ, an ninh năng lượng của EU có nguy cơ bị đe dọa. Cao ủy EU về Khí hậu và Năng lượng, ông Miguel Arias Canete từng cảnh báo thị trường giao dịch dầu thô có thể sụp đổ vì sự bá quyền của đồng dollar.
Nhận xét Độc giả
Bản tin Email