Thông điệp cứng rắn từ NgaNga ngày 25/2 đã bác bỏ ý tưởng ngừng bắn ở Idlib, thành trì cuối cùng của khiến quân ở Syria, vì cho rằng điều này đồng nghĩa với "đầu hàng quân khủng bố". Phát biểu tại một hội nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) diễn ra ở Geneva, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov Nga tuyên bố sẽ không bao giờ đồng ý ngừng bắn với các phiến quân "khủng bố" ở tỉnh Idlib của Syria.
Ông cho rằng, một thỏa thuận ngừng bắn "sẽ khuyến khích chúng tiếp tục vi phạm trắng trợn các công ước phổ quát... Đây không phải là vấn đề liên quan đến nhân quyền, mà là đầu hàng những kẻ khủng bố".
Cũng trong ngày 25/2, hãng thống tấn SANA của Syria đưa tin, quân đội chính phủ Syria (SAA) đã bắn hạ một máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ ở gần làng Dadih, tỉnh Idlib. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cũng thông tin, SAA cùng ngày đã tái chiếm thị trấn Kafranbel thuộc tỉnh Idlib, một chiến thắng mang tính biểu tượng ở một thị trấn vốn là một trong những căn cứ đầu tiên mà quân nổi dậy sử dụng làm bàn đạp để chống Damascus.
Theo SOHR, với sự yểm trợ từ các đợt không kích của Nga, các lực lượng ủng hộ chính phủ đã tiến vào thành trì lớn cuối cùng của quân nổi dậy ở Tây Bắc Syria, giải phóng Kafranbel cùng 18 thị trấn và làng mạc gần đó trong 48 giờ qua.
Hãng tin AFP bình luận rằng khi SAA dồn dập phát động chiến dịch tấn công, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang vật lộn để tránh trở thành kẻ thất bại lớn trong trận chiến ở tỉnh Idlib. Thổ Nhĩ Kỳ, đứng về phía phiến quân ở Syria, không chỉ phải đối mặt với chiến dịch quân sự ác liệt do SAA triển khai, mà còn phấp phỏng trước một lượng lớn người tị nạn đổ về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong tháng 2, có tới 17 binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng ở Idlib. Không những thế, một số trạm quan sát của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mà Ankara nghĩ là an toàn theo thỏa thuận ký với Nga, cuối cùng đã bị bao vây giữa các khu vực mà SAA giành lại được từ tay phiến quân.
Không còn hy vọng ngăn cản được chiến thắng của SAA và một dòng người tị nạn mới tràn qua các cửa khẩu biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đã dọa mở một chiến dịch chống các lực lượng của Damascus nếu lực lượng này không rút lui vào cuối tháng 2.
Theo AFP, vào thời điểm này, một chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ đối đầu với Nga, một đồng minh chủ chốt của Damascus. Ông Erdogan và Putin đã ký một thỏa thuận tại Sochi hồi năm 2018 về thiết lập "vùng an toàn" làm vùng đệm ở tỉnh Idlib. Nhưng thỏa thuận này đã bị phá vỡ trong những tuần gần đây khi Ankara và Moscow công khai đổ lỗi cho nhau về thất bại của thỏa thuận này.
Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận quả đắng?AFP dẫn lời nhà phân tích Ali Bakeer ở Ankara đánh giá: "Nếu chính quyền của Tổng thống Assad không rút quân về các đường ranh giới trước đó vào cuối tháng này và nếu Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không đạt được một thỏa thuận khác, rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc xung đột trực tiếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Assad". Ông nói thêm: "Vấn đề đối với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phải chính quyền Syria mà là người Nga".
Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận 3,6 triệu người tị nạn Syria và cho biết họ không sẵn sàng mở cửa biên giới cho một làn sóng người tị nạn mới từ Idlib. Thổ Nhĩ Kỳ đang lên kế hoạch giảm bớt gánh nặng bằng cách bố trí nơi định cư tại các khu vực hiện do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát sau 3 đợt tấn công trước đó kể từ năm 2016. Do đó, chuyên gia Bakeer nhận định: "Làn sóng người tị nạn mới sẽ là kịch bản xấu nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải là cuộc đụng độ trực tiếp với chính quyền Assad".
Theo chuyên gia này, một kịch bản có thể xảy ra là Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập một vùng an toàn trong phần còn lại của tỉnh Idlib và vùng đó sẽ không bị ràng buộc với bất kỳ thỏa thuận nào với Nga hay chính quyền Syria.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Haid Haid tại Chatham House cho rằng: "Cái giá chính trị có thể sẽ cao đối với ông ta (Erdogan) nếu ông ta mất nhiều binh sỹ ở Syria và vẫn không ngăn được người tị nạn vượt biên vào Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng ông có thể thu được lợi ích từ cuộc khủng hoảng này nếu kết quả của cuộc can thiệp của ông là tích cực".
Chuyên gia Haid cũng tin rằng một cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ chống lực lượng chính phủ Syria "vẫn là một khả năng" nếu các cuộc đàm phán chính trị giữa Ankara và Moscow không đạt kết quả. Theo ông, việc để cho lực lượng chính phủ Syria chiếm được Idlib sẽ không chỉ làm "tổn thương" bản thân Tổng thống Erdogan ở trong nước, mà có thể sẽ làm tổn hại danh tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ và khả năng phô diễn sức mạnh của họ.
Căn cứ vào "khẩu khí" mới đây của Ngoại trưởng Nga Lavrov khi ông tuyên bố bác bỏ lời kêu gọi chấm dứt chiến dịch của lực lượng chính phủ Syria đang được Nga hậu thuẫn ở Idlib thì cơ hội "giữ thể diện" của Thổ Nhĩ Kỳ là rất nhỏ. Ông Lavrov nói thẳng: "Đây là sự đầu hàng khủng bố và thậm chí là phần thưởng cho những hoạt động của chúng vi phạm các hiệp ước quốc tế và hàng loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ". Ngoại trưởng Nga còn tố cáo một số chính phủ muốn "biện minh" cho những hàng động tàn bạo do các nhóm khủng bố và cực đoan gây ra.
Tuy nhiên, ngay cả khi xảy ra một cuộc đối đầu trực tiếp, giới phân tích vẫn tin rằng liên minh Nga-Thổ không nhất thiết phải kết thúc vì quan hệ giữa hai nước có những bước phát triển trong thời gian qua, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng. Chuyên gia Haid thậm chí coi liên minh Nga-Thổ là quan trọng hơn mối quan hệ Nga-Syria. Chính vì thế, cả người Nga và người Thổ đều không sẵn sàng, ít nhất là cho đến hiện tại, phá hủy mối quan hệ song phương.
Dù sao, căn cứ vào tình hình trên thực địa, bên buộc phải nhượng bộ trong tương lai dường như đã lộ diện. Vấn đề còn lại là các điều kiện trong thỏa thuận liệu có như ý bên đang chiếm thế thượng phong hay không!
Nhận xét Độc giả
Bản tin Email