Cloaked satellites
Theo RT ngày 18/8, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) đã phát triển ra một công nghệ đỉnh cao giúp các vệ tinh có thể trở nên tàng hình, khó thể quan sát được từ Trái Đất. Cụ thể, lớp vỏ bọc dạng bóng khí "độc nhất vô nhị" có khả năng phân tán ánh sáng. Khi bao phủ bề mặt vệ tinh, lớp vỏ dạng bóng khí này sẽ làm giảm tầm nhìn của thiết bị này lên đến 10 lần hoặc hơn khi quan sát từ Trái Đất.

Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga cho biết, công nghệ mới này có thể "che giấu" các vệ tinh đang hoạt động ở độ cao 10.000 - 20.000km trên quỹ đạo hành tinh của chúng ta.

Thời gian gần đây, Nga đã hé lộ nhiều công nghệ vũ trụ mới, trong đó bao gồm tàu du hành không người lái. Trong tháng 8, Roscosmos vừa giới thiệu một vệ tinh tự hủy sau khi hoàn thành nhiệm vụ - giải pháp để xử lý vấn nạn rác thải vũ trụ.

Mô hình vệ tinh mới này sẽ sử dụng những chất liệu đặc biệt, qua đó giúp chúng sẽ chuyển trực tiếp từ dạng rắn sang dạng khí mà không trở thành chất lỏng. Hiện tại, có hơn 8.400 tấn rác thải vũ trụ đang nằm ngổn ngang trên quỹ đạo Trái Đất.

Giới quan sát cho rằng, việc Roscosmos phát triển vệ tinh tàng hình là để đương đầu với cuộc chiến ngoài không gian. Theo tạp chí National Interest, nơi bình yên duy nhất còn lại là không gian vũ trụ cũng bắt đầu trở thành sàn đấu tranh giành ưu thế quân sự giữa các cường quốc.

Vệ tinh quân đội Mỹ đang sử dụng có 3 loại chính: vệ tinh trinh sát quỹ đạo thấp khoảng vài trăm km, hệ thống định vị toàn cầu ở quỹ đạo khoảng 20.000 km và vệ tinh thông tin ở cự ly 36.000 km. Các vệ tinh trinh sát phát hiện và cảnh báo sớm về sự xuất hiện của tên lửa đang bay cũng ở cự ly 36.000 km.

Để có thể đối phó với một nước Mỹ có sức mạnh áp đảo, một số nước trong đó có Nga và Trung Quốc bắt đầu tính tới khả năng tấn công vào hệ thần kinh trung ương của Mỹ, đó là hệ thống vệ tinh.

Hầu hết hoạt động tác chiến của Mỹ đều dựa vào hệ thống vệ tinh. Thông tin, điều khiển máy bay không người lái, điều khiển máy bay chiến đấu, giám sát mặt đất, dẫn đường tên lửa... đều phụ thuộc vào vệ tinh. Nếu vệ tinh bị phá hủy, quân đội Mỹ sẽ bị tê liệt.

Chính vì vậy, Mỹ luôn có tư tưởng chuẩn bị cho cuộc chiến vũ trụ. Mỹ luôn biện minh rằng, họ đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển công nghệ vũ trụ nhưng không muốn xảy ra một cuộc chiến tranh trong vũ trụ, mà để chuẩn bị cho một cuộc chiến như vậy.

Mỹ sở hữu Quân đoàn không quân vũ trụ hiện đại, tinh nhuệ với trên 40.000 binh sỹ, nhân viên. Lực lượng này có nhiệm vụ giám sát các vệ tinh và vật thể trong vũ trụ cũng như theo dõi hành trình bay của mọi loại tên lửa trong không gian.

Giới phân tích nhận định, dường như Nga đang đi trước Mỹ một bước với việc phát triển vệ tinh tàng hình. Loại vệ tinh này sẽ vô hiệu hóa các đòn tấn công thông thường nhằm vào nó. Với khoảng cách gần 40.000 km so với mặt đất, sẽ rất khó để có thể xác định và bắn hạ một vệ tinh không thể nhìn thấy bằng mắt thường.