Putin laugh
Hôm 1-4, Bộ Ngoại giao Nga đã tăng tải một đoạn ghi âm hài hước trong đó có đề nghị cung cấp "dịch vụ tin tặc" và "can thiệp bầu cử" khiến báo chí tò mò tới độ phải liên lạc để làm rõ thông tin.

"Bạn đang gọi đến đại sứ quán Nga. Cuộc gọi này rất quan trọng với chúng tôi" - hãng tin RT dẫn lại phần mở đầu của đoạn ghi âm được Bộ Ngoại giao Nga đăng trên trang Facebook của cơ quan này hôm 1-4.

"Để sắp xếp một cuộc gọi kết nối một nhà ngoại giao Nga với các đối thủ chính trị của bạn, nhấn phím 1. Để sử dụng dịch vụ tin tặc Nga, nhấn phím 2. Để đề nghị can thiệp bầu cử, nhấn phím 3 nhưng hãy đợi cho đến mùa bầu cử tiếp theo nhé!" - nội dung chính của đoạn ghi âm.

Cuối cùng, để kết thúc một phần lưu ý tương tự các dịch vụ chăm sóc khách hàng đã được đưa ra: "Hãy lưu ý rằng tất cả các cuộc gọi đều được ghi âm để phục vụ cho mục đích đào tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ". Theo RT, đoạn ghi âm này ban đầu được thực hiện bằng tiếng Nga và sau đó là tiếng Anh.

Mặc dù đây chỉ là một trò đùa của các nhà ngoại giao Nga trong ngày Cá tháng Tư nhưng vẫn có một số người xem đây là sự thật. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết một phóng viên AP thậm chí đã liên lạc Bộ Ngoại giao Nga và yêu cầu xác nhận chính thức liệu đoạn ghi âm có phải là một trò đùa hay không.

Trong khi đó, một nhà bình luận trên đài CNN nói: "Sau khi ở Nga vài năm tôi mới biết rằng người Nga thật sự rất có khiếu hài hước. Tôi nghĩ vấn đề ở chỗ một số người Mỹ không xem đây là một sự khôi hài".

Mail Online cho biết Bộ Ngoại giao Nga sau đó đã xác nhận đoạn ghi âm chỉ là một trò đùa. Theo Jon Gaunt, một ngôi sao truyền hình kiêm nhà bình luận xã hội nổi tiếng tại Anh, có một thông điệp sâu sắc đằng sau trò đùa này. "Tôi chưa từng nhận ra người Nga lại có khiếu khôi hài như vậy" - ông nói thêm.

Trò đùa của các nhà ngoại giao Nga được đưa ra trong bối cảnh Ủy ban tình báo của Thượng viện và Hạ viện Mỹ cùng Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang mở cuộc điều tra nhằm làm rõ cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30-3 một lần nữa khẳng định các cáo buộc là vô căn cứ.

Ngày Cá tháng Tư, nhằm ngày 1-4 dương lịch hàng năm, còn gọi là ngày nói dối. Đây là ngày hội hấp dẫn đối với những người tinh nghịch và hài hước. Cá tháng Tư dù không phải là ngày nghỉ lễ chính thức nhưng vẫn được xem là phong tục truyền thống tại nhiều quốc gia hàng năm.