Tuy kết cục của câu chuyện phổ biến trên có vẻ là không thể tránh khỏi, nhưng sự thật không phải vậy. Nghiên cứu chỉ ra rằng tình yêu lãng mạn hoàn toàn có thể kéo dài, và bạn thật sự có thể chiến thắng "số phận".
Bằng cách nào? Có vô vàn câu trả lời cho câu hỏi này mà bạn sẽ dễ dàng tìm được từ bạn bè, gia đình, các chuyên gia tâm lý hôn nhân và văn hóa đại chúng nói chung.
Không may là rất nhiều lời khuyên được đưa ra từ những người có ý muốn giúp bạn, hay thậm chí là từ các "chuyên gia", đều không chính xác.
Qua nghiên cứu khoa học và thẩm tra kỹ càng, người ta phát hiện ra rằng bí quyết thực sự để xây dựng và duy trì một cuộc hôn nhân lâu dài và hạnh phúc không hề phức tạp, mà thậm chí còn vô cùng dễ dàng và vui vẻ. Thực tế, bạn còn chẳng cần phải tác động trực tiếp đến cuộc hôn nhân của mình.
Thay vào đó, tất cả những gì bạn cần làm là nghĩ về mối quan hệ như một tài khoản ngân hàng - một dạng niềm tin rằng nếu liên tục duy trì tài khoản ở mức dương, cuộc hôn nhân của bạn sẽ không bao giờ "mắc nợ".
3 Quan Niệm Sai Lầm Về Một Cuộc Hôn Nhân Hạnh Phúc
Trước khi đi vào trả lời câu hỏi tại sao bạn nên hình dung mối quan hệ của mình như một tài khoản ngân hàng, hãy thử xem xét một vài quan niệm phổ biến giải thích vì sao hôn nhân thành công hay thất bại; khi đó ta sẽ thấy sức mạnh của việc coi mối quan hệ như tài khoản ngân hàng sẽ tiết lộ sự sai lầm của những quan niệm này.
Quan niệm #1: những cặp đôi hạnh phúc không có mâu thuẫn
Thực tế: Các cặp đôi có thể tranh cãi ít hoặc nhiều, và họ vẫn hạnh phúc.
Nghiên cứu được thực hiện bởi Giáo sư John Gottman, người đã dành 16 năm tìm hiểu điều làm những cuộc hôn nhân tở nên bền chặt hay đổ vỡ trong "phòng thí nghiệm tình yêu" của mình ở Đại học Washington. Ông cũng là người nổi tiếng với việc sở hữu khả năng dự đoán chính xác trên 90% về một cặp đôi có khả năng ly dị hay không chỉ bằng việc quan sát họ tương tác với nhau trong 15 phút. Ông phát hiện ra rằng những cặp đôi hạnh phúc không hẳn có ít xung đột hơn những cặp khác. Một vài cặp thực sự hiếm khi tranh cãi và nếu có thì họ cũng rất nhẹ nhàng. Nhưng cũng có những cặp thường xuyên cãi cọ, lớn tiếng và giận dữ. Giống như những cặp đôi lục đục, các cặp đôi cơm lành canh ngọt vẫn thường phải thỏa hiệp giữa những tính khí, giá trị và sở thích khác nhau của mình, và cũng tranh cãi về những điều giống hệt bao cặp đôi khác - tiền bạc, con cái, tình dục... Tuy vậy, bằng cách nào đó mối quan hệ của họ vẫn tốt đẹp.
Quan niệm #2: Giao tiếp tốt và cách thức giải quyết mâu thuẫn tích cực là bí quyết của hôn nhân hạnh phúc
Thực tế: Một cặp đôi có thể rất dở trong việc trao đổi ý kiến với nhau hoặc giải quyết mâu thuẫn mà vẫn hạnh phúc.
Thường thì nếu có vấn đề, các cặp đôi sẽ tìm đến nhà tư vấn hôn nhân. Và họ làm gì ở đó? Họ nói chuyện. Họ nói về các vấn đề của mình, chuyện con cái và cả chuyện người bạn đời đã làm họ thất vọng ra sao. Các chuyên gia trị liệu sẽ tạo điều kiện để thảo luận, hướng dẫn cặp đôi giao tiếp với nhau một cách bình tĩnh, rõ ràng và nhẹ nhàng hơn, với hy vọng sẽ giải quyết được các vấn đề của họ. Giải quyết mâu thuẫn được xem như đích đến cuối cùng của hôn nhân hạnh phúc.
Hiểu biết sâu rộng về giao tiếp "thông suốt" và cách thức hiệu quả để bày tỏ nhu cầu của bản thân trong một mối quan hệ có nhiều lợi ích. Thảo luận một cách bình tĩnh và nhẹ nhàng chắc chắn sẽ tốt hơn và ít gây căng thẳng hơn so với việc lớn tiếng. Nhưng một lần nữa, nghiên cứu của Gottman chỉ ra rằng nhiều cặp đôi không tuân theo bất cứ nguyên tắc nào về việc giao tiếp hiệu quả và giải quyết mâu thuẫn - họ mất bình tĩnh, không lắng nghe, không chủ động nói lên cảm nhận của mình mà chỉ hướng vào lỗi lầm của người kia - nhưng cuộc hôn nhân của họ vẫn dài lâu.
Quan niệm #3: Bất hạnh trong hôn nhân là do kỳ vọng quá cao của cả vợ lẫn chồng
Thực tế: Kỳ vọng cao có lợi cho cuộc hôn nhân của bạn.
Quan niệm thứ 3 này phổ biến đến mức nào trong thời đại ngày nay? Bạn nghe thấy nó ở khắp mọi nơi. Theo những người ủng hộ quan niệm này, các cặp vợ chồng không hạnh phúc là vì người vợ kỳ vọng một cuộc hôn nhân đẹp như mơ, và người chồng cũng nghĩ rằng cuộc sống hôn nhân sẽ thật xuôi buồm mát mái.
"Thực tế đi!" người ta nói. "Cuộc sống hôn nhân rất khó khăn. Ai cũng cưới nhầm người cả, và họ đành phải cố hết sức để sống chung với nhau. Tốt hơn là hãy hạ thấp kỳ vọng xuống và chấp nhận sự thật, thay vì hy vọng lắm rồi thất vọng nhiều."
Quan điểm về hôn nhân như trên chắc chắn sẽ thỏa mãn những người thực tế, nhưng suy cho cùng nó lại không hề dựa trên cơ sở thực tế. Trong The Seven Principles for Making Marriage Work, nghiên cứu của Gottman đã xác nhận rằng thực tế hoàn toàn trái ngược:
"Một số 'chuyên gia' về hôn nhân cho rằng nguyên do chủ yếu gây ra sự bất hạnh là vợ chồng đều kỳ vọng quá cao về nhau. Bằng cách hạ thấp kỳ vọng xuống, những tranh cãi sẽ biến mất và bạn sẽ ít có khả năng bị thất vọng hơn. Nhưng Donald Baucom tại Đại học Bắc Caroline đã phản bác quan điểm này bằng việc nghiên cứu tiêu chuẩn và kỳ vọng của các cặp đôi về nhau. Ông phát hiện ra rằng những người có kỳ vọng cao nhất về cuộc hôn nhân của họ cuối cùng sẽ đạt được kỳ vọng đó. Điều này cho thấy bằng cách giữ mối quan hệ của bạn ở mức kỳ vọng cao, bạn sẽ có thể đạt được chính xác mối quan hệ hôn nhân mà bạn muốn thay vì giảm kỳ vọng và để mọi thứ tuột dốc."
Tôi từng nghe nói rằng những ai nói hôn nhân là chuyện dễ dàng đều đang nói dối hoặc ảo tưởng. Song toàn bộ những lý luận về chuyện hôn nhân thật sự khó khăn và bạn phải hạ thấp kỳ vọng của mình đối với tôi chẳng khác nào câu chuyện "Con cáo và chùm nho"; những ai tin rằng hôn nhân là điều khó khăn muốn nghĩ rằng tình trạng hiện tại của mình là tình trạng chung và không thể tránh khỏi.
Nhưng đó hoàn toàn không phải sự thật.
Bởi vì tôi có thể nói rằng sau 12 năm kết hôn và có 2 con, thậm chí khi tôi còn điều hành một công việc kinh doanh cùng vợ mình, quan hệ của chúng tôi vẫn luôn là điều dễ dàng nhất trong cuộc đời tôi - và tôi không hề nói dối. Tôi biết có những cặp đôi khác cũng thấy hôn nhân là điều dễ dàng, và tôi cũng cảm nhận được sự chân thành và thẳng thắn của họ. Bí quyết nào tạo nên những cuộc hôn nhân dễ dàng? Như ta đã bàn luận, đó không phải là do không cãi vã, cũng không phải do khả năng giải quyết mâu thuẫn một cách êm thắm (tôi phải nói rằng đôi lúc chúng tôi tranh cãi cực hăng) hay là nhờ hạ thấp kỳ vọng (sau 12 năm kết hôn, kỳ vọng của tôi vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống).
Thay vào đó, bí quyết tạo nên một cuộc hôn nhân bền chặt nằm ở việc giữ cho "tài khoản mối quan hệ" luôn dương.
Tầm Quan Trọng Của Tài Khoản Mối Quan Hệ
Gần 70% mâu thuẫn hôn nhân sẽ tồn tại mãi mãi và không thể giải quyết được. Những mâu thuẫn đó đi theo các cặp đôi suốt cuộc đời. Họ tranh cãi với nhau về cùng một chuyện hết năm này qua năm khác.
Nếu bạn tin rằng giải quyết mâu thuẫn là bí quyết của hôn nhân hạnh phúc, thì đây là tin buồn cho bạn. Hiển nhiên nếu như vậy thì chẳng có cuộc hôn nhân nào hạnh phúc cả.
Nhưng nếu bạn đi theo triết lý đã được nghiên cứu của Gottman thì những vấn đề trên không hề đáng lo ngại; thực tế, Gottman cho rằng mâu thuẫn là một phần tự nhiên trong tính âm dương của cuộc sống nói chung, đặc biệt là trong các mối quan hệ, vì thế việc có một số khía cạnh tiêu cực trong một cuộc hôn nhân thực chất lại là điều tốt.
Miễn là nó cân bằng với các khía cạnh tích cực.
Gottman đã xây dựng tỷ lệ cân bằng chính xác để một cuộc hôn nhân bền chặt và hạnh phúc là 5:1. Một cặp đôi có tỉ lệ giữa khoảnh khắc tương tác tích cực và khoảnh khắc tiêu cực ít nhất là 5:1 cuối cùng sẽ mãi hạnh phúc bên nhau.
Do vậy hôn nhân hạnh phúc không phải không có mâu thuẫn, chỉ là nó có nhiều điều tích cực hơn tiêu cực. Các hành động tích cực được gom lại như một bộ đệm giúp giảm thiểu và loại bỏ ảnh hưởng xấu của xung đột đến tình cảm vợ chồng, đồng thời "hấp thụ" các mâu thuẫn tiêu cực, giữ cho sự tiêu cực không lan ra và lấn át mối quan hệ. Gottman gọi đây là "áp đảo tâm lý tích cực".
Một cách khác để nhìn nhận sự cân bằng này là theo kiểu "tài khoản mối quan hệ".
Nếu tài khoản mối quan hệ của một cặp đôi đang có ít "tiền" (nhiều tương tác tiêu cực), thì mỗi lần "rút tiền" (mâu thuẫn) số dư của tài khoản ngày càng gần về 0, hay thậm chí còn tiến đến "bội chi". Do đó, mỗi xung đột đều chứa nhiều rủi ro vô cùng, giống như nó đang đưa mối quan hệ đến bờ vực "phá sản"- chia tay hoặc ly dị.
Mặc khác, nếu tài khoản của một cặp đôi tràn đầy những tương tác tích cực, thì họ có thể "rút tiền" thường xuyên mà không sợ rủi ro thâm hụt. Vì đã có một bộ đệm an toàn nên khi xảy ra mâu thuẫn, nó không làm họ cảm thấy những xung đột đó quá nghiêm trọng. Họ không hề nghĩ rằng một cuộc tranh cãi có thể làm họ chia tay nhau hay không nên để xảy ra tranh cãi. Tranh cãi chỉ đơn giản là tranh cãi mà thôi.
Như Gottman đã nói, cặp đôi "tích cực" khác cặp đôi "tiêu cực" ở chỗ các cặp tích cực truyền cho nhau mọi cảm xúc trên dải cảm xúc, từ giận dữ, khó chịu, thất vọng và tổn thương cho đến yêu thương và tôn trọng. Dù đang tranh cãi về vấn đề gì thì họ cũng vẫn gửi đi thông điệp rằng: đối phương được yêu thương và được chấp nhận, dù thế nào đi nữa.
Vì Sao Quan Điểm "Tài Khoản Mối Quan Hệ" Hiệu Quả
Vì quan điểm này...
- Gia tăng nỗ lực sửa chữa trong những cuộc xung đột
Bởi những người có tài khoản mối quan hệ "dương" không xem mâu thuẫn là các rủi ro, nên đôi khi trong lúc xung đột họ vẫn tự ý thức được rằng, "Ôi trời, cuộc tranh cãi này thật ngớ ngẩn."
Thực tế, Gottman cho biết một trong những cách để củng cố mối quan hệ là phải thường xuyên và nhanh chóng "sửa chữa" nó. Sửa chữa là những dấu hiệu nhỏ dưới dạng cử chỉ hay ngôn từ như cười mỉm, cười thành tiếng, xin lỗi,... thể hiện một người đang cố phá vỡ sự căng thẳng trong xung đột và giữ cho nó không vượt ngoài tầm kiểm soát. Theo đó, khi tài khoản mối quan hệ của một cặp đôi có số dư nhiều, sau khi kết thúc quá trình sửa chữa người được xin lỗi sẽ có nhiều khả năng nhận ra ý muốn của đối phương và phản hồi một cách điềm tĩnh. Nếu bạn từng ở trong một cuộc tranh cãi nảy lửa với người yêu và khi cô ấy cười, bạn cũng cười, và rồi cả hai lăn ra cười và bắt đầu lấy lại bình tĩnh để nói chuyện một cách bình thường, thì bạn đã trải qua quá trình này.
- Giữ cho mâu thuẫn không lấn át hôn nhân
Việc duy trì một tài khoản mối quan hệ luôn dương không chỉ giúp rút ngắn cuộc tranh cãi, mà còn đảm bảo rằng hai người sẽ mau quên chuyện đó đi và giảm thiểu hậu quả lâu dài do nó gây ra. Những cặp đôi có tài khoản mối quan hệ dương có thể tranh cãi nhưng vẫn còn rất nhiều "tiền": họ giữ lại tình yêu, lòng ngưỡng mộ và sự yêu mến cho nhau; họ có thể cãi nhau mà vẫn yêu thương nhau rất nhiều.
- Loại bỏ áp lực để tập "xung đột tích cực"
Miễn là bạn có một lượng "tiền" dự trữ đủ nhiều, bạn có thể "rút tiền" mà vẫn duy trì được số dư tài khoản còn dương. Việc bạn tranh luận thế nào không quan trọng bằng tổng thể tình trạng hôn nhân của bạn. Điều này giúp cho nhiều người trút bỏ được gánh nặng, vì hãy đối mặt với thực tế đi, khi đang hăng say tranh luận thì rất khó để nhớ rằng ta cần bình tĩnh nói ra cảm xúc của mình.
- Giúp hai người hiểu rằng không nhất thiết phải giải quyết mọi mâu thuẫn, mà thay vào đó là chấp nhận khuyết điểm của nhau
Với quan điểm "tài khoản mối quan hệ", bạn không cần chia nhỏ và giải quyết từng mâu thuẫn, xung đột. Thực tế, bạn không nhất thiết phải cố xử lý bằng được các mâu thuẫn, và thế là có thể trút bỏ thêm một gánh nặng. Con người hiếm khi thay đổi; họ chỉ có thể tốt lên từng chút một trong quá trình kiểm soát những thiếu sót của bản thân, và hai bạn có thể cùng nhau học cách đối phó với những khuyết điểm đó, nhưng hãy hiểu rằng vấn đề có thể sẽ không bao giờ được giải quyết triệt để.
Nếu bạn cảm thấy khó chấp nhận sự thật này thì cũng không sao cả, nhưng nó không nên là nguyên nhân gây ra những xung đột bất tận. Khi tài khoản mối quan hệ của bạn dương, sự thất vọng vì bạn đời không giống như kỳ vọng của bạn sẽ được thay thế hoàn toàn bằng sự ngưỡng mộ, tôn trọng và yêu mến bởi những điều họ đã làm tốt, và bạn trân trọng điều đó. Nhờ vậy, bạn sẽ vẫn có một cái nhìn tổng thể, biết ơn và lạc quan về cuộc hôn nhân của mình. Dù thế nào đi nữa, hai bạn vẫn yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.
Kết Luận
Khi nhìn nhận mối quan hệ của mình giống như tài khoản ngân hàng, bạn sẽ củng cố những điều tích cực có sẵn thay vì tập trung vào những điều chưa tốt. Khi đó năng lượng tích cực sẽ lấn át tiêu cực, làm giảm ảnh hưởng của sự tiêu cực lên tình yêu và hạnh phúc của bạn.
Vẻ đẹp thật sự của quan điểm "tài khoản mối quan hệ" là nó giúp ta tiến tới một cuộc hôn nhân hạnh phúc, bền chặt mà không cần phải tác động trực tiếp lên cuộc hôn nhân. Thay vào đó, bạn tạo lập một "quỹ" để cả hai đóng góp vào, từ đó "lợi nhuận" sẽ chảy ngược lại vào mối quan hệ của hai người. Và như ta đã thấy, việc đầu tư vào quỹ này thú vị hơn nhiều.
Cách Tối Ưu Để Đầu Tư Vào Tài Khoản Mối Quan Hệ
Hầu hết các cách thức tốt nhất để giữ cho tài khoản quan hệ của bạn luôn "dương" đều tập trung vào phát triển, tăng cường và duy trì TÌNH BẠN giữa bạn và bạn đời.
Tình Yêu Lãng Mạn = Tình Bạn + Sự Thu Hút
Dù là niềm cảm hứng cho văn chương, thơ ca hay âm nhạc, thì tình yêu lãng mạn cũng đã được nhắc đến từ hàng ngàn năm nay. Và dù vai trò là một trong những biểu tượng văn hóa của nó tất nhiên đáng được đề cao, song những quan niệm của chúng ta về tình yêu đôi khi lại che giấu bản chất thật sự của tình yêu. Ta mắc kẹt trong sự bí ẩn, trừu tượng, những phẩm chất không thể định nghĩa của tình yêu; và dường như nó không giống với bất cứ thứ gì ta có thể nắm bắt và nhất là kiểm soát được. Vì thế mới xuất hiện những kiểu câu mơ hồ như "Ta không còn yêu nhau nữa" - cứ như thể sự đổ vỡ của một mối quan hệ là ngẫu nhiên và không thể đoán trước vậy.
Tình yêu lãng mạn hiển nhiên có nhiều góc khuất tinh tế hơn nhiều, song bản chất của nó lại khá đơn giản. Gottman giải thích rằng:
"Nghiên cứu suốt 43 năm cho thấy tình bạn trong hôn nhân là trọng tâm của những cuộc hôn nhân hạnh phúc."
Lý giải cho luận điểm "hôn nhân hạnh phúc dựa trên tình bạn," ông cho rằng:
"Họ chia sẻ sự tôn trọng và tận hưởng cá tính của nhau. Những cặp đôi ấy thường vô cùng hiểu nhau: họ biết rõ người kia thích hay không thích gì, có thói quen, hy vọng và mơ ước gì. Họ luôn tôn trọng nhau."
Khi hai người không hấp dẫn nhau nhưng ngưỡng mộ, tôn trọng và vô cùng quý mến nhau, thì đó chính là tình bạn.
Khi hai người hấp dẫn nhau, đồng thời ngưỡng mộ, tôn trọng và vô cùng quý mến nhau, thì đó cũng là tình bạn; sự hấp dẫn đơn giản chỉ thêm "chất xúc tác" cho mối quan hệ. Như người xưa đã nói, "Tình yêu là sự thăng hoa của tình bạn."
Tình yêu lãng mạn bền chặt do đó có thể được duy trì bằng nhiều cách giống hệt như cách duy trì một tình yêu đơn thuần không dục vọng. (Một ngoại lệ là ở tình yêu đơn thuần sẽ không đề xuất cách duy trì mối quan hệ bằng quan hệ tình dục, nếu bạn chỉ muốn dừng lại ở quan hệ bạn bè.) Thực tế, càng củng cố tình bạn trong hôn nhân, sự lãng mạn và đam mê trong mối quan hệ sẽ càng tăng.
Do vậy, mặc dù nhiều cặp đôi nghĩ rằng để có hôn nhân hạnh phúc thì họ cần phải tác động trực tiếp đến sự lãng mạn và đam mê, hay đến đời sống tình dục, nhưng hầu hết các cách chỉ đơn giản là vun đắp cho nền tảng tình bạn thông qua việc gián tiếp quan tâm đến tất cả những vấn đề đó.
Và tạo nên nhiều khoảnh khắc vui vẻ hơn.
Ưu điểm cực lớn của việc xem mối quan hệ vợ chồng như một tài khoản nhằm gìn giữ hạnh phúc hôn nhân đó là nó dễ dàng và vui vẻ hơn nhiều so với quan điểm "xử lý các vấn đề trực tiếp trong mối quan hệ" (người đàn ông nào lại muốn nghe câu "Ta cần nói chuyện" từ vợ mình chứ?). Cũng giống như tình bạn thuần khiết thông thường, xây dựng tình bạn trong hôn nhân đòi hỏi chút công sức nhưng rất vui vẻ và thoải mái.
Nó cũng không yêu cầu những thay đổi lớn. Một số cặp đôi nghĩ rằng cách tốt nhất để thắp lại lửa đam mê cho một mối quan hệ là làm những việc như có một kỳ nghỉ lãng mạn cùng nhau, hoặc thậm chí lên lịch hẹn hò mỗi tối. Song, việc thỉnh thoảng làm những hành động mang tính "hình thức" như vậy chỉ có tác dụng với những ngọn lửa đang cháy (những cặp đôi mới cưới), chứ không có tác dụng với đống tro tàn đã tắt ngúm. Khi bạn chỉ bỏ một khoản tiền lớn vào tài khoản quan hệ một hoặc hai lần một năm, hay dù là mỗi tháng một lần, nhưng rồi lại dùng hết một lần thì bạn sẽ bắt đầu "rút tiền" quá tay đến mức "bội chi" và phá hủy "hạn mức tín dụng" của mình - thứ vô cùng cần thiết để bảo đảm hạnh phúc hôn nhân trong tương lai.
Thay vào đó, những điều nhỏ nhặt bạn làm hàng ngày lại quan trọng hơn cả. Các khoản tiền gửi vào tài khoản phải đều đặn và liên tục bất kể ít nhiều.
Dưới đây là các bài thực hành cụ thể dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm bản thân của Gottman, như ông đã nói, "tăng cường tính lãng mạn, vui vẻ, phiêu lưu và học hỏi cùng nhau là điều quan trọng nhất của bất kỳ mối tình bền lâu nào."
Chủ Động Tạo Ra Văn Hóa Vợ Chồng
Bạn hẳn đã nghe đến văn hóa hợp tác vĩ mô giữa các quốc gia, công ty hay đội nhóm.
Song giữa hai hoặc nhiều người cũng tồn tại một văn hóa hợp tác vi mô nữa.
Một văn hóa thường bao gồm các quy tắc, tập quán, giá trị, nghi thức, biểu tượng, mục tiêu, câu chuyện chung, v.v. Các yếu tố trên cùng nhau góp phần tạo nên một ý nghĩa chung không chỉ tăng cường kết nối giữa các xã hội mà còn giữa các cá nhân.
Nếu bạn không chủ động trong việc tạo ra văn hóa vợ chồng thì nghĩa là bạn mặc định để cho hoàn cảnh bên ngoài tác động đến cuộc hôn nhân của mình. Nếu bạn không muốn văn hóa vợ chồng của mình bị định hình bởi những thăng trầm cuộc sống, ý kiến của bạn bè, gia đình và văn hóa theo trào lưu hiện nay, thì hãy cân nhắc việc xác định một lý do - một sứ mệnh hôn nhân.
Biết Lý Do Tại Sao Cả Hai Đến Với Nhau
Thật ngạc nhiên khi có nhiều người bước vào giai đoạn hợp tác quan trọng nhất cuộc đời mình mà không biết tại sao họ lại làm như vậy. Hẳn rồi, "vì ta yêu nhau" là một lý do hoàn hảo, song tình cảm là một dạng cảm xúc, và cảm xúc thì hay dao động. Nếu không thì làm gì có chuuyện hai người xa lạ quyết định chia sẻ mọi thứ với nhau và sống bên nhau suốt phần đời còn lại?
Hai bạn có muốn giáo dục con mình có tư duy tự do không? Hai bạn có hy vọng trở thành một cặp đôi hoạt động nhân đạo năng nổ không? Hai bạn có coi cuộc hôn nhân của mình là chuyến du ngoạn và khám phá cuộc đời cùng nhau không? Hai bạn có xem hôn nhân là một phòng thí nghiệm tình yêu nơi người ta học cách bớt ích kỷ và trở nên bao dung hơn không?
Mục tiêu chung của hai bạn là gì? Hai bạn chắc chắn nên có những mục tiêu cá nhân để hỗ trợ nhau (trong việc thỏa hiệp khi xảy ra mâu thuẫn). Song bạn cũng nên hướng đến việc cùng nhau tạo ra các mục tiêu chung.
Đâu là giá trị chung của các bạn? Các nguyên tắc chung của hai bạn là gì?
Bạn nghĩ sứ mệnh hôn nhân là gì?
Bạn và bạn đời nên thảo luận những câu hỏi trên và thông suốt câu trả lời. Cả hai nên thảo luận về chủ đề này thường xuyên, vì câu trả lời sẽ thay đổi theo thời gian. Bạn có thể xem xét việc tạo ra một tuyên bố sứ mệnh cùng nhau, đồng thời xác định mục tiêu và nguyên tắc hôn nhân của hai người.
Hãy nhớ rằng không phải lúc nào bạn cũng nhận được sự đồng tình với những giá trị và mục tiêu của mình, và đó là điều rất bình thường. Bí quyết ở đây là cố gắng đạt được càng nhiều giá trị nền tảng càng tốt, thỏa hiệp với những khác biệt, hỗ trợ mục tiêu cá nhân của nhau và cố gắng kết nối những quan điểm riêng của nhau vào sứ mệnh chung.
Tạo Dựng Những Truyền Thống
Truyền thống tạo nên những ký ức, thêm "gia vị" cho cuộc sống, củng cố các giá trị văn hóa vợ chồng và tăng cường sự gắn kết cho mối quan hệ của bạn. Những truyền thống đó không cần phải thật to tát, mà có thể là những việc nhỏ nhặt bạn đều đặn làm hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng năm. Đó có thể là cùng nhau nấu bữa tối vào các tối thứ Sáu, hoặc dành hẳn một ngày nghỉ để đi trượt tuyết trong ngày sinh nhật, hoặc đơn giản chỉ là đến công viên chơi với cún và đi uống cà phê mỗi sáng Chủ nhật.
Hãy làm việc đó một cách thường xuyên, những truyền thống "bình thường" ấy sẽ ảnh hưởng lớn đến bản sắc chung của hai người, tạo ra một "chúng ta" riêng biệt.
Hoài Cổ
Mặc dù một cặp đôi luôn cần có những trải nghiệm và kỷ niệm mới, song hai bạn cũng nên thường xuyên hồi tưởng lại những gì mình đã cùng nhau trải qua. Một trong những điều tuyệt vời nhất về hôn nhân là những câu chuyện riêng và rời rạc của mỗi người trong quá khứ giờ đây lại liên kết chặt chẽ với nhau. Thường xuyên hồi tưởng lại những chuyện đã xảy ra - cả chuyện vui lẫn chuyện buồn của cả hai - sẽ làm sống lại những cảm xúc sâu sắc từ những khoảnh khắc đặc biệt ấy. Bạn sẽ nhớ lại sự nồng nhiệt lúc mới yêu, sự ngưỡng mộ dành cho bạn đời khi nhìn họ vượt qua khó khăn, và tình yêu thương bạn dành cho toàn bộ con người của họ nhiều như thế nào trên hành trình cuộc đời. Bạn sẽ nhớ mình đã trân trọng họ ra sao và lý do hai người bắt chuyện với nhau lần đầu tiên.
Không ngạc nhiên khi nghiên cứu của Gottman cho thấy "những cặp đôi dành đến 94% thời gian để hồi tưởng lại quá khứ hôn nhân và cá tính của bạn đời một cách tích cực thường sẽ có một tương lai hạnh phúc." Khi những cặp đôi không còn gợi nhau nhớ về những khoảng thời gian hạnh phúc trong quá khứ hoặc nhìn lại những ký ức đẹp bằng con mắt tiêu cực, thì thường mối quan hệ của họ đang gặp vấn đề lớn.
Vì vậy hãy dành thời gian để hồi tưởng quãng thời gian "chúng mình ngày đó" theo cách tích cực. Kate và tôi đều có thói quen này, kiểu như "Này, em có nhớ hôm trước..." và sau đó kể những chuyện buồn cười nho nhỏ và mới xảy ra gần đây. Chúng tôi làm việc này ít nhất cả tá lần trong một ngày. Đó chỉ là chuyện đùa vì dĩ nhiên đối phương sẽ dễ nhớ những chuyện xảy ra tuần trước hay tháng trước nữa. Đây là cơ hội để gợi lại những chuyện hài hước và cười đùa vì nó một lần nữa. Có lẽ nó cũng giúp bổ sung giá trị vào bản sắc chung của vợ chồng. Việc có cùng khiếu hài hước thật sự có thể là một cách khác giúp giữ cho hôn nhân hạnh phúc.
Tổ Chức Kỷ Niệm Tình Yêu "Huyền Thoại"
"Huyền thoại" ở đây không nói đến một chuyện không có thật, mà là câu chuyện về mối tình đã nảy nở, đơm hoa kết trái và ngày càng phát triển theo thời gian của hai bạn, và quan trọng nhất là nó trở thành những lời giải thích tiêu biểu cho lý do hai người nên đôi. Bạn biết đấy, giả sử bạn không ngồi đúng tại chiếc bàn đó trong thư viện, vào đúng hôm đó và đúng thời điểm đó, thì bạn đã không bao giờ gặp được vợ mình. Hoặc mọi người trước đây cho rằng mối quan hệ của hai bạn sẽ không kéo dài, cha mẹ bạn phản đối, và bạn đã đánh bại mọi thành kiến và chứng minh họ đã lầm. Những "huyền thoại" ấy là phần chính trong "câu chuyện của đôi ta", làm bạn cảm thấy biết ơn bạn đời hơn cũng như củng cố ý nghĩa của hôn nhân.
Bằng cách thực hiện tất cả những điều trên và phát triển văn hóa vợ chồng, hai bạn sẽ hiểu rõ hơn bản chất của mối quan hệ này và phát triển một mục tiêu, ý nghĩa và sứ mệnh sâu sắc hơn trong hôn nhân. Hai bạn sẽ trở thành những đồng đội đầy nhiệt huyết sẵn sàng cùng thực hiện những cuộc phiêu lưu và đối mặt với bất cứ thử thách nào.
Giữ Kết Nối
Một cuộc hôn nhân cũng giống như một cơ thể sống. Mỗi người là một thực thể riêng biệt, nhưng mối quan hệ giữa họ được nuôi dưỡng bởi cùng một nguồn. Nếu hai vợ chồng bắt đầu sống xa cách nhau về tinh thần, "đồng sàng dị mộng" và ngừng "truyền dinh dưỡng" cho mối quan hệ, thì cái "cơ thể" này sẽ chết dần. Điều tối quan trọng là giữ cho nguồn dinh dưỡng này khỏe mạnh và thông suốt bằng cách kết nối với nhau thông qua việc tìm hiểu chi tiết về nhau - chia sẻ những hoài nghi, mơ ước, lo lắng, mục tiêu, thất vọng... với nhau. Hai bạn cần phải có những cuộc nói chuyện thường xuyên và sâu sắc. Đó là một quá trình liên tục hướng về nhau.
Nghe có vẻ là một nhiệm vụ dễ dàng, nhất là khi bạn còn trẻ, mới bắt đầu chung sống và còn ít trách nhiệm trên vai. Nhưng rồi khi công việc trở nên bận rộn và những đứa trẻ ra đời thì sự xa cách giữa hai vợ chồng sẽ ngày một lớn.
Khi liên tục theo dõi một cặp nhân viên văn phòng trẻ tuổi (với mục đích nghiên cứu), người ta đã phát hiện ra rằng họ chỉ dành 35 phút trò chuyện... mỗi tuần. Thậm chí "cuộc hội thoại" này cũng chủ yếu tập trung vào những việc cần làm và những công việc vặt cần hoàn thành. Rõ ràng đây là công thức giết chết sự lãng mạn.
Để giữ kết nối, bạn phải ưu tiên việc nói chuyện với bạn đời hơn nữa, hơn rất nhiều so với hiện tại.
Gottman phát hiện ra rằng khoảng thời gian kết nối quan trọng nhất của các cặp đôi là thời điểm cuối ngày. Sau một ngày bị chia cách - trải qua những thành công và thất vọng ở thế giới bên ngoài - một cặp đôi cần quay lại hướng về nhau và kể về những chuyện đã xảy ra. Bằng cách này, họ giúp nhau điều tiết những căng thẳng từ bên ngoài, nhờ đó những áp lực ấy sẽ không ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ.
Đây là một số mẹo để tạo nên những cuộc trò chuyện kết nối và hiệu quả hơn, dù là vào cuối ngày hay vào bất cứ thời điểm nào:
- Tránh sử dụng điện thoại và máy tính. Tôi biết hai bạn cảm thấy thoải mái với nhau đến nỗi không cần câu nệ các quy tắc, rằng việc xem điện thoại trong khi đang nói chuyện với nhau cũng không sao. Nhưng bạn không chỉ nên hành xử lễ độ với người lạ, mà cũng hãy làm vậy với bạn đời. Rất khó để có một cuộc nói chuyện sâu sắc, ý nghĩa nếu một trong hai người cứ liên tục xem các cập nhật trên mạng xã hội.
- Nói chuyện khi bọn trẻ đã ngủ. Bạn có thể nói sơ qua về một ngày của mình khi mới đi làm về nhà, lúc ăn tối và khi bọn trẻ chuẩn bị đi ngủ. Song bất cứ ai có con đều biết rằng việc có một cuộc trò chuyện sâu sắc khi có một đứa trẻ dưới 8 tuổi bên cạnh gần như là không thể. Vì thế hãy khắc phục chuyện này bằng cách trò chuyện sau khi các bé đã đi ngủ.
- Hỗ trợ và thấu hiểu nhau. Đôi khi cuộc nói chuyện giữa hai bạn sẽ toát ra sự bực bội từ một hoặc cả hai phía khi kể về một ngày dài của mình. Hãy lắng nghe thật kỹ nỗi thất vọng của nhau để không gây thêm xung đột nào vì sự thiếu chú ý. Đừng hạ thấp mối quan tâm của họ, hãy nói rằng bạn thấy buồn vì họ đang gặp khó khăn, và bạn sẽ luôn ở bên cạnh sẵn sàng cùng họ vượt qua.
- Đặt những câu hỏi mở. Thay vì chỉ hỏi, "Ngày hôm nay của em thế nào?" và rồi kết thúc hội thoại sau khi vợ bạn cũng chỉ trả lời bằng một câu, hãy mở rộng hơn bằng những câu hỏi mở như:
- Phần em thích nhất trong chuyện đó là gì?
- Sao em lại thấy lo lắng?
- Em cảm thấy thế nào về sự tiến triển đó?
- Những người ở đó phản ứng thế nào với những gì em nói?
- Em có đọc được điều gì thú vị hôm nay không?
Đôi khi những thứ hay ho vẫn thường xảy ra ở nơi làm việc hay ở nhà, nhưng hầu hết mọi ngày trôi qua đều bình thường và nhàm chán. Và đôi khi các cặp vợ chồng than thở về chuyện họ chẳng có gì để nói ngoài công việc hay con cái, như thể những chủ đề thảo luận thú vị đã hoàn toàn biến mất. Không hề. Thay vào đó, nếu bạn muốn có một cuộc trò chuyện thú vị với vợ/chồng mình, cả hai hãy cùng chủ động tìm kiếm những thứ mới lạ trong cuộc sống, chẳng hạn như cùng nhau nghe một thông tin quảng cáo nào đó rồi thảo luận về nó, hay cùng đọc một cuốn sách mỗi đêm. Không có lý do gì để hai bạn phải im lặng nhìn nhau suốt bữa ăn; hãy chủ động nỗ lực xây dựng những cuộc trò chuyện chất lượng.
"Nói cho em nghe về những hy vọng và mơ ước của anh đi." Trước đây và cả bây giờ, Kate và tôi luôn quay sang nhìn nhau và nói câu này. Theo cách nào đó, nó trở thành thói quen của chúng tôi; chúng tôi biết là nếu nói điều này trực tiếp với ai đó thì khá buồn cười, nhất là nếu bị hỏi bất ngờ thì ta thường chỉ đáp lại bằng một cái cười nhạt. Song đó cũng là một câu hỏi nghiêm túc mà đối phương cũng sẽ nghiêm túc trả lời.
Theo Gottman, việc hiểu rõ "những hy vọng và mơ ước" của đối phương là trọng tâm của sự hòa hợp. Đó là cơ hội để ta hiểu được nhu cầu và mục tiêu của nhau, thảo luận xem đâu là cách cả hai có thể cùng thực hiện nhằm đạt được điều đó và không làm đối phương phải lúng túng.
- Các buổi tối hẹn hò (trong nhà hoặc ở ngoài)
Mặc dù những buổi tối hẹn hò sẽ chẳng cứu vãn được cuộc hôn nhân của bạn nếu hai bạn hiếm khi nói chuyện với nhau trong phần lớn thời gian, song nó là yếu tố giúp tăng cường và kết nối lại mối quan hệ. Hãy thử làm nhiều điều mới mẻ trong các buổi hẹn. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng khi một cặp đôi tham gia vào những hoạt động mới lạ, cảm xúc mà họ từng có lúc mới yêu sẽ lại trỗi dậy.
- Tổ chức hoạt động nghỉ ngơi hàng năm
Một truyền thống mà tôi và Kate thấy đem lại rất nhiều lợi ích là đi cắm trại mỗi năm một lần và không có bọn trẻ đi cùng, một dạng nghỉ ngơi riêng tư. Ngồi bên đốm lửa, không sử dụng điện thoại, cuộc trò chuyện giữa hai vợ chồng thậm chí còn sâu sắc và mở rộng hơn nhiều. Chúng tôi dùng thời gian để thật sự đi sâu vào những hy vọng và mơ ước của nhau, nói về những điều tốt lẫn xấu trong năm qua và thảo luận về mục tiêu cá nhân và gia đình. Đó là cơ hội tuyệt vời để tái kết nối. Thậm chí nếu không thích đi cắm trại, bạn có thể quyết định ở nhà, nằm trên giường, ăn sáng và làm điều tương tự.
Quan trọng là hãy luôn duy trì sự liên kết, luôn theo dõi những biến đổi về thế giới bên trong lẫn bên ngoài của đối phương.
Thường Xuyên Thể Hiện Tình Yêu Và Sự Biết Ơn
Không có chất bôi trơn nào tốt hơn cho bánh răng tình yêu bằng lòng biết ơn. Hãy nhớ rằng, tình yêu lãng mạn không hề bí ẩn; nó dựa trên sự thỏa mãn nhu cầu cơ bản của con người, và một trong số những nhu cầu mạnh mẽ nhất chính là được công nhận và cảm kích. Quả thật, nhiều người sẵn lòng cảm thông cho bạn đời hơn khi bạn đời thường xuyên thể hiện sự biết ơn, ngưỡng mộ và trân trọng sự tồn tại của họ.
Song bày tỏ sự biết ơn không chỉ có lợi cho người bạn đời, mà nó còn nhắc bạn nhớ lại những gì mình yêu quý ở đối phương, đánh thức cảm giác may mắn khi được kết hôn với họ.
Việc thể hiện sự biết ơn với nhau thường xuyên cuối cùng sẽ có lợi cho cả hai lẫn cho mối quan hệ vợ chồng, cũng như tăng cường sự ngưỡng mộ và yêu mến nhau, đồng thời ngăn cản một trong những thứ giết chết mối quan hệ nhanh nhất: sự khinh thường.
Sự cảm kích không nên chỉ dành cho những điều lớn lao mà nên được thể hiện một cách liên tục với cả những điều nhỏ nhặt. Khi có bất cứ điều gì bạn đời làm khiến bạn thấy vui thì hãy bày tỏ lòng biết ơn. Điều này cũng bao gồm những công việc thường ngày - những điều bạn làm thường xuyên mỗi ngày và cho rằng mình "phải làm" với tư cách là một người chồng/vợ hay là cha mẹ. Nhưng hãy nhớ rõ, không phải người chồng/vợ hay cha mẹ nào cũng làm điều đó. Nếu bạn cảm ơn một người quen vì đã làm những điều đó, thì cũng hãy cảm ơn bạn đời khi họ làm vậy; hãy nhớ đừng chỉ ưu ái người khác.
Cảm giác biết ơn bạn đời không phải là thứ bạn phải đợi nó xảy đến một cách tự nhiên, mà bạn có thể chủ động tập biết ơn bằng cách nhìn vào những phẩm chất và hành động tích cực của họ để khen ngợi, đồng thời tập thiền định khi có những điều khiến bạn không hài lòng về bạn đời.
Luôn Cho Đi 100%:
Đôi khi bạn nghe ai đó nói rằng hôn nhân là sự hợp tác 50/50. Nhưng trong những mối quan hệ hạnh phúc nhất, cả hai bên đều cho đi 100%. Bằng cách đó, dù một trong hai người có nhiều thiếu sót thì cuộc hôn nhân đó vẫn có thể dài lâu. Những cuộc hôn nhân thành công không rơi vào cái bẫy "ăn miếng trả miếng", theo kiểu tính toán xem ai làm nhiều hơn ai. Thay vào đó, cả hai luôn giữ một thái độ tích cực, chấp nhận một mức độ chênh lệch cho-nhận nhất định và luôn mong muốn trợ giúp lẫn nhau. Nếu họ thấy việc gì cần làm, họ chỉ đơn giản là làm nó.
Nhận xét Độc giả
Bản tin Email