Flood memorial at Đông An village, Quảng Nam, Vietnam
Nhà thờ lụt ở làng Đông An
Trong ký ức của người dân miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng, đỉnh lũ cao nhất xảy ra vào năm 1999. Nhưng kinh hoàng nhất phải là trận lũ lụt năm Giáp Thìn (1964), đến nỗi người dân vùng quê ấy phải lấy ngày xảy ra thảm nạn làm ngày "giỗ lụt" (ngày 6 tháng 10 âm lịch).

Những số liệu lịch sử ghi lại về trận lũ lụt kinh hoàng năm Giáp Thìn 1964 không còn nhiều, chủ yếu qua ký ức, lời kể của những người sống sót và qua tư liệu của một số nhà báo, nhà nghiên cứu. Trận lũ lụt năm đó gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung từ Huế đến Bình Định, nhưng địa phương thiệt hại lớn nhất là Quảng Nam.

Các nhân chứng sống sót qua trận lũ lụt kinh hoàng đó đều mô tả rằng, đầu tháng 10 âm lịch, nước từ trận lụt trước còn chưa kịp rút thì đến ngày 4 tháng 10 bắt đầu mưa to kéo dài. Mưa to khủng khiếp không ngớt, đến ngày 6 tháng 10 âm lịch thì lũ tràn về. Đêm ngày 6 tháng 10, nước lớn kinh hoàng cuốn trôi hết nhà cửa.

Sau khi xảy ra thảm nạn, chính quyền Việt Nam cộng hòa đã tổ chức họp báo, con số người chết được đưa ra là khoảng 6.000 người. Trong đó, tỉnh Quảng Nam có 2.500 người thiệt mạng, 22.447 nhà cửa bị trôi, 96% hoa màu bị thiệt hại. Tỉnh Quảng Tín (theo địa giới hành chính của chính quyền cũ, tách ra từ tỉnh Quảng Nam) có 1.270 người thiệt mạng, 14.250 nhà cửa bị cuốn trôi, súc vật chết 83%, hoa màu thiệt hại 100%. Tỉnh Quảng Ngãi 1.000 người thiệt mạng, 14.000 nhà cửa bị sập cuốn trôi, súc vật chết 80%, hoa màu thiệt hại 80%...

Làng Đông An (xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) là ngôi làng có nhiều người chết nhất trong trận lụt lịch sử ấy. Theo nhiều người già, trận lũ lụt kinh hoàng ấy đã cướp đi gần 1.500 người của ngôi làng nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn này.

Theo lời ông Nguyễn Tấn Châu (90 tuổi), làng Đông An ngày đó có 395 hộ gia đình với hơn 1.500 nhân khẩu. Cơn lũ dữ làm 1.481 người chết. Nhiều dòng họ trong làng tuyệt tự, tuyệt tôn vì lũ dữ. Sau cơn lũ, chỉ còn 19 người còn sống sót, cộng thêm hơn 20 người làng Đông An sinh sống ở nơi khác trở về. Người từ những nơi khác đến, sinh cơ lập nghiệp, gây dựng lại làng Đông An. Người làng Đông An lập một miếu thờ lũ ở nơi cao ráo, cứ đến ngày Rằm, mùng Một thì tới thắp hương, đến ngày 6 tháng 10 âm lịch thì tổ chức ngày "giỗ lụt" để tưởng nhớ hương hồn những người xấu số bị thiệt mạng trong trận lụt kinh hoàng.

Nhiều người già xứ Quảng vẫn thuộc bài thơ "Thảm nạn quê hương" của nhà thơ Tường Linh miêu tả trận lũ lụt kinh hoàng. Bài thơ là tiếng lòng của một người con xa quê khi hay tin quê hương gặp thảm nạn kinh hoàng:

...Một tối nước lên, nước tràn lên khủng khiếp
Cả ngàn người, cả vạn người không chạy kịp
Nước réo ầm ầm át tiếng kêu la
Chới với. Ngửa nghiêng. Người cuốn theo nhà
Nhà theo sóng. Người không thấy nữa
Nhìn con trôi, mắt cha máu ứa
Ngoi lên, tay vợ níu lưng chồng
Rồi hai người thành hai xác giữa mênh mông
Tấp vào bờ thây của người ông
Giữ xác cháu, hàm răng ghim áo cháu
Nhà có mười người, hết đường phấn đấu
Sợi dây dài vội vã thắt tay nhau
Cây nước tràn lên, cây nước phủ đầu
Một "dây xác" trôi về đâu, ai biết...

Theo lời kể lại của ông Lương Mân (còn gọi là Bảy Mân, người làng Đông An), cả mấy tháng trời trước khi xảy ra trận lũ lụt kinh hoàng, đất trời xứ Quảng hạn hán nặng nề, những ao hồ, bàu sen trong vùng khô cạn hết. Rồi mưa như... trời sa xuống đất, mưa trắng trời cả mấy ngày liền, trời đất tối sầm, ban ngày mà cũng như đêm. Đến ngày 6 tháng 10, từng nhà trong làng bắt đầu trôi theo dòng nước lũ.

Trời còn chưa sáng, nhà ông Bảy Mân cũng trôi theo dòng nước. Trong cơn hoảng loạn, ông Mân cùng vài người nữa bám được vào một cây mít. Rồi người nhà ông Mân chèo ghe ra cứu. Khi mọi người vừa bước lên ghe thì dòng nước xoáy nhấn chìm tất cả, cuốn mỗi người đi một hướng. Ông Mân bám được vào một cây lớn, trong đêm tối lớn tiếng gọi mọi người để thông báo mình còn sống.

Có những tiếng kêu đáp lại, nhưng thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng cây bật gốc rồi tiếng la thất thanh, nghĩa là thêm một người bị lũ cuốn. Cái cây to nơi ông Mân bám vào cũng không chịu được sức mạnh của nước lũ, cũng bị cuốn trôi theo dòng nước. Cái cây cứ trồi lên, thụt xuống dòng nước, phía bên trên, ông Bảy Mân cố sức bám chặt lấy cành cây. Đến sáng, một cảnh tượng kinh hoàng hiện trước mắt ông. Nhà cửa, làng mạc chìm nghỉm trong nước. Cây cối gãy đổ, xác người, xác động vật ngổn ngang khắp nơi...

Đến tận bây giờ, nhiều người già Hội An vẫn còn nhớ, ở Cửa Đại khi ấy xác người, động vật, cây cối trôi từ các huyện thượng nguồn về chật kín lòng sông. Họ mô tả có những cây cổ thụ lớn 5-7 người ôm, trôi từ đầu nguồn về, trên cành cây có nhiều xác người được cột chặt vào cây bởi áo và quần. Sở dĩ có chuyện này là do nước lũ quá lớn, nên những người này lấy áo quần tự cột người vào cây cho khỏi bị trôi. Nhưng lũ lớn quá, nên khi cây bật gốc cũng bị cuốn trôi theo.

Nửa tháng sau nước rút, ông Bảy Mân cùng 19 người sống sót trở về ngôi làng cũ, một cảnh tượng như địa ngục hiện ra trước mắt. Ngôi làng trù phú giờ không còn dấu tích, nhà cửa trôi hết, cả làng không còn một ngọn cây, khắp nơi xác người nằm ngổn ngang, la liệt. Phía bên trên, quạ đen bay kín trời, kêu quàng quạc rợn người. Những tháng ngày sau đó, ông Mân, ông Châu và những người sống sót che tạm lều và phơi khô lúa lụt sống tạm qua ngày rồi gây dựng lại quê hương.

Miền Trung nghèo khó, mùa hè nắng cháy lưng, mùa bão gió thì mưa trắng trời. Đã hơn 50 năm trôi qua từ ngày xảy ra thảm nạn lũ lụt ấy, người làng Đông An đã xây dựng lại một làng quê trù phú.

Từ làng Đông An nhìn ra toàn miền Trung để thấy, những khó khăn về thiên tai, địch họa chưa bao giờ khuất phục được con người can trường ở vùng đất gian khó này.