Để phòng chống đại dịch Covid-19, Việt Nam đã ngừng cấp visa cho khách ngoại quốc từ ngày 18/3, ngừng các chuyến bay quốc tế từ 22/3 và đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội trên cả nước từ 1-22/4. Việt Nam đã sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn vì sức khỏe của nhân dân.
Cho đến gần đây, sau những thành công không thể phủ nhận trong chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu "mở mặt trận thứ hai" để cứu nền kinh tế.
Hôm 3/4, tại Hải Phòng, Thủ tướng nhắc lại: "Nhất định chúng ta sẽ tiếp tục chiến thắng trên tất cả các mặt trận, không chỉ trên mặt trận chống dịch bệnh Covid-19, mà còn chiến thắng trên lĩnh vực kinh tế, ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân". Ông nói nhiệm vụ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, khẳng định vị trí Việt Nam trên trường quốc tế là nhiệm vụ của tất cả chúng ta, trước hết đối với lịch sử dân tộc và trách nhiệm đối với gần 100 triệu dân.
Đó là một mệnh lệnh bắt buộc và chỉ bàn tiến, không bàn lùi.
Để thực hiện mệnh lệnh đó, cần xem lại những cái giá mà nền kinh tế đã chi trả cho chống dịch trong suốt tháng 4/2020 vừa qua.
Sản xuất công nghiệp đình đốnSản xuất công nghiệp luôn luôn là một trong những động lực mạnh mẽ nhất cho tăng trưởng kinh tế.
Trong tháng 4/2020, động lực đó đã hao mòn vì dịch Covid-19 khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính giảm 13,3% so với tháng trước, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước và là mức giảm duy nhất của tháng Tư trong giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, ngành khai khoáng giảm 10,7%; ngành chế biến, chế tạo giảm 11,3%; sản xuất và phân phối điện giảm 6,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 9,3%), mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.
Tình trạng thiếu nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 4 tháng giảm sâu so với cùng kỳ năm trước như: Bia giảm 24,1%; ô tô giảm 23,8%; đường kính giảm 23,5%; xe máy giảm 16,6%; dầu thô khai thác giảm 12%; khí hóa lỏng LPG giảm 11,8%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 9,8%; vải dệt từ sợi nhân tạo giảm 8,5
Khu vực dịch vụ ngưng trệHoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội. Các hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, trừ hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, trong tháng bị ngưng trệ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2020 giảm 20,5% so với tháng trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 10,3%), trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa giảm tương ứng là 13,4% và giảm 15,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 50,4% và giảm 64,7%; doanh thu du lịch lữ hành giảm 93,2% và giảm 97,5%.
Về du lịch, Việt Nam dừng cấp thị thực nhập cảnh cho người nước ngoài từ ngày 18/3/2020, đồng thời tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài từ ngày 22/3/2020. Bên cạnh đó, lệnh hạn chế đi lại và xuất nhập cảnh đã được áp dụng tại nhiều quốc gia dẫn đến việc khách du lịch gặp khó khăn trong di chuyển.
Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng ước đạt 26,2 nghìn lượt người, giảm 94,2% so với tháng trước, giảm 98,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 4 tháng đầu năm ước đạt khoảng 3,713 triệu lượt người, giảm 37,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Hoạt động vận tải trong tháng tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội. Các hãng hàng không dừng khai thác hầu hết các chặng bay cả quốc tế và nội địa, vận tải đường bộ cũng bị ảnh hưởng. Sản lượng vận tải hành khách trong tháng ước đạt 99,8 triệu lượt khách, giảm 63,7% so với tháng trước.
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng tới 68%Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt từ 01/4 đến 22/4, cả nước thực hiện giãn cách xã hội nên số lượng doanh nghiệp thành lập mới có sự sụt giảm mạnh.
Trong tháng, có 7.885 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 93.854 tỷ đồng, giảm 46,9% về số doanh nghiệp và giảm 43,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức doanh nghiệp thành lập trong tháng thấp nhất trong 4 tháng qua. Trong khi đó, cũng trong tháng Tư, có tới 4.121 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng tới 68,1%.
Tính chung 4 tháng năm 2020, số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong ngắn hạn tăng mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Cả nước có 37.596 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 445.223 tỷ đồng, giảm 13,2% về số doanh nghiệp và giảm 17,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019.
Rõ ràng, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp; số lượng doanh nghiệp thành lập mới, số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh, quy mô doanh nghiệp sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ các năm trước. Tâm lý của các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng lớn bởi tình hình dịch bệnh và e ngại trong việc đầu tư thêm vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính chung 4 tháng, có 41.755 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 5,6% so với cùng kỳ 2019), bao gồm: 22.696 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 33,6%), 13.956 doanh nghiệp chờ giải thể (giảm 19,2%), 5.103 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 3,8%). Trung bình mỗi tháng có 10.438 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong đó, một số lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 là: Kinh doanh bất động sản (623 doanh nghiệp, tăng 109,8%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (197 doanh nghiệp, tăng 85,8%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.358 doanh nghiệp, tăng 61,3%); Hoạt động dịch vụ khác (308 doanh nghiệp, tăng 56,3%); Dịch vụ việc làm; du lịch (1.321 doanh nghiệp, tăng 50,5%); Giáo dục và đào tạo (405 doanh nghiệp, tăng 47,3%) và Vận tải kho bãi (1.331 doanh nghiệp, tăng 34,4%). Đây là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19.
Các ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ (5.155 doanh nghiệp, chiếm 36,9%); Xây dựng (1.588 doanh nghiệp, chiếm 11,4%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (1.598 doanh nghiệp, chiếm 11,5%).
Tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường tiếp tục thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp hiện nay, đó là xu hướng chờ đợi, đóng băng hoặc ngủ đông để xem xét diễn biến của dịch bệnh, để quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần doanh nghiệp.
Trên đây mới chỉ một vài nét chấm phá về những biểu hiện rõ ràng nhất ở một vài lĩnh vực kinh tế chứ chưa phải bức tranh tổng thể. Việt Nam đã rất giỏi trong chống dịch và cần phải giỏi hơn trong phục hồi kinh tế. Điều gì giúp thắp lửa cho tinh thần đó (!?).
Nhận xét: Ở đây chỉ là những con số kinh tế. Đằng sau những con số đó là hàng triệu cuộc đời, gia đình bị tàn phá, lâm vào cảnh bần cùng, hàng trăm ngàn đứa trẻ đói ăn. Thiệt hại về mặt xã hội, con người khó có thể đo đếm được. Tất cả những cái đó xảy ra vì một căn bệnh không nguy hiểm hơn bệnh cảm cúm thông thường.
Nó có đáng không?