Smartphones
© AFP
Nguy cơ trầm cảm của người nghiện điện thoại cao hơn so với người khác và họ cũng có xu hướng kiểm soát ham muốn kém hơn.

Người ta thường nghĩ những thiết bị chứa vô số ứng dụng như điện thoại di động hay máy tính bảng có thể mang tới cảm giác thỏa mãn tức thời và giúp cơ thể giải phóng những nội tiết tố gây tâm trạng hưng phấn.

Nhưng các nhà tâm lý của Đại học Birmingham tại New York, Mỹ cho rằng sự hưng phấn thường xuyên có thể dẫn tới một hậu quả tai hại. Để kiểm tra giả thuyết, họ thực hiện một thử nghiệm đối với 182 sinh viên đại học.

Nhóm nghiên cứu yêu cầu họ cung cấp thông tin về hành vi sử dụng điện thoại di động hàng ngày. Theo dữ liệu về thói quen sử dụng điện thoại, 19% số sinh viên tự nhân họ cuồng hoặc nghiện "dế".

Kết quả phân tích tâm lý cho thấy, những người nghiện điện thoại thể hiện những dấu hiệu trầm cảm, lo lắng và thậm chí ngại giao tiếp. Phụ nữ có nguy cơ mắc những hội chứng này cao hơn nam giới.

Các triệu chứng bao gồm không muốn tắt điện thoại, kiểm tra và sạc pin liên tục, cầm máy vào buồng tắm.

Tiến sĩ Isaac Vaghefi, trưởng nhóm nghiên cứu, nói: "Để tạo ra cảm giác thỏa mãn khi sử dụng điện thoại, các tế bào thần kinh của chúng ta giải phóng dopamine (chất truyền dẫn thần kinh tạo cảm giác hưng phấn, sảng khoái).

Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian, thói quen giải phóng dopamine khiến con người muốn sự thỏa mãn phải tới thật sớm. Quá trình ấy có thể làm giảm khả năng tập trung, khiến con người dễ chán nản".

Tiến sĩ Vaghefi dự đoán chứng nghiện công nghệ sẽ gia tăng trong bối cảnh công nghệ tiếp tục phát triển và các hãng sản xuất ứng dụng, trò chơi và thiết bị tìm ra những cách mới để duy trì sự gắn bó lâu dài của khách hàng đối với công nghệ.

Trong khi đó, một nghiên cứu khác về khả năng lựa chọn giữa lợi ích trước mắt và lâu dài cho thấy, những người nghiện điện thoại kiểm soát ham muốn kém hơn.

Henry Wilmer và Jason Chein, hai nhà nghiên cứu của Đại học Temple tại Mỹ, tuyển 91 sinh viên, yêu cầu họ điền thông tin vào phiếu khảo sát về mức độ sử dụng điện thoại thông minh và tham gia một tình huống giả định để đánh giá khả năng kiềm chế ham muốn trước mắt để đạt lợi ích lâu dài.

Trong tình huống, các sinh viên đối mặt với 2 lựa chọn: Họ sẽ nhận một khoản tiền nhỏ ngay lập tức, hoặc chờ thêm một thời gian để nhận khoản tiền lớn hơn. Cuối cùng, nhóm nghiên cứu yêu cầu các sinh viên thực hiện một bài kiểm tra khả năng kiềm chế ham muốn trước mắt.

Kết quả cho thấy những người dành quá nhiều thời gian cho điện thoại và kiểm tra điện thoại thường xuyên sẵn sàng nhận ngay số tiền thưởng nhỏ chứ không muốn chờ thêm để nhận khoản tiền lớn hơn.

"Phát hiện của chúng tôi là bằng chứng cho thấy hội chứng nghiện thiết bị di động liên quan tới việc con người không thể kiểm soát ham muốn ngắn hạn và không đánh giá cao những lợi ích dài hạn", Wilmer bình luận.