Binh sĩ Anh được trang bị mặt nạ phòng hóa trong Thế Chiến I
Anh từng ồ ạt sử dụng VKHHTrang mạng của Câu lạc bộ Valdai (Nga) mới đây có bài viết về cuộc tấn công "hội đồng" của Mỹ, Anh và Pháp vào Syria hôm 14/4. Bên cạnh việc phân tích ý đồ và tác động của cuộc tấn công, giới chuyên gia Nga còn chỉ ra các vụ trong lịch sử Anh từng sử dụng vũ khí hóa học (VKHH) tại Trung Đông, cho rằng Anh chính là nước "có kinh nghiệm nhất" trong việc này.
Theo giới phân tích Nga, không có gì đáng ngạc nhiên khi bất kỳ một hành động nào của phương Tây chống lại Syria giờ đây đều được Nga coi là công cụ chống lại đất nước mình, đất nước đã trở thành bên tham gia then chốt nhất tại Trung Đông trong những năm vừa qua.
Trong lời phát biểu sau cuộc không kích vào lãnh thổ Syria hôm 14/4, Thủ tướng Anh Theresa May có nhắc đến việc ngăn chặn hành động sử dụng vũ khí hóa học trên cả "lãnh thổ Anh". Điều đó chứng tỏ trong bộ ba, Anh gắn vụ tấn công với chiến dịch chống Moscow mà trong đó London kiên quyết tiếp tục cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trên lãnh thổ nước mình.
Tác giả bài viết trên trang Câu lạc bộ Valdai đã gọi đây là điều "kỳ lạ" bởi Anh không nhìn thấy rất nhiều điều vô lý trong các giả thuyết mà họ đưa ra về vụ Skripal, cũng như trong cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
"Kỳ lạ" vì Anh là quốc gia có kinh nghiệm nhất trong việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Ngày 17/4/2018 là tròn 101 năm kể từ khi quân đội Anh bắt đầu sử dụng khí Clo chống lại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Palestine, trong cái gọi là Trận đánh thứ hai tại Gaza.
Cả sau Thế chiến I, vào tháng 8/1919, Anh đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công vào phía Bắc nước Nga, còn trong những năm 1920 là trong cuộc chiến tranh với quân khởi nghĩa Iraq.
Ngoài ra, giới phân tích Nga cũng nhắc lại những sự kiện lịch sử Anh từng tham chiến trong liên minh "tay ba" ở Trung Đông. Điển hình là sự kiện ngày 31/10/1956, Anh và Pháp đã về phe Israel tấn công Ai Cập, sau khi Cairo quốc hữu hóa kênh đào Suez.
Trong chiến dịch tấn công "tay ba" này, liên quân Anh-Pháp-Israel, đã ném bom Cairo, Alexandria và các thành phố lân cận vùng kênh đào. Ngày 14/4/2018, một nước Arab khác lại bị "tấn công tay ba". Sự liên tưởng còn rõ rệt hơn nhiều. Cuộc tấn công năm 1956 kết thúc không vẻ vang gì cho ba nước khơi mào.
Bài học từ IraqNgười Nga nhắc đến một sự kiện khác ở Trung Đông mà Anh cũng dính dáng đến với mục tiêu chống lại Liên Xô. Tháng 7/1958 ở Iraq, tại chính trung tâm của Khối hiệp ước Baghdad (hay còn gọi là CENTO do Anh đứng đầu) đã xảy ra cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân chủ dưới sự lãnh đạo của Abd al-Karim Qasim.
Phương Tây coi cuộc cách mạng này là sự tiếp diễn của cuộc khủng hoảng kênh đào Suez vào năm 1956 của Gamal Abdel Nasser (Tổng thống Ai Cập từ năm 1956 đến năm 1970) và là cú đòn giáng mạnh vào vị thế của phương Tây, vì đẩy Khối hiệp ước Baghdad chống lại Liên Xô vào lãng quên.
Thủ tướng Anh Churchill khi đó cho rằng nếu phương Tây không hành động kiên quyết thì toàn bộ Trung Đông có thể rơi vào vòng kiểm soát của Liên Xô. Việc 20.000 lính Mỹ đổ bộ vào Lebanon để ủng hộ Tổng thống Camille Chamoun vốn trung thành với phương Tây và 6.000 lính nhảy dù Anh độ bộ xuống Jordan để ủng hộ nhà vua Husein ngay sau khi chế độ quân chủ Iraq bị lật đổ đã xác nhận tính chất nghiêm túc của các lo ngại đó.
Và hai năm sau sự kiện tại Suez, Mỹ và Anh lại cùng nhau hành động và thảo luận kế hoạch can thiệp quân sự vào Iraq.
Ông Qasim, người đả kích trung tâm đầu não của khối chống Liên Xô ở Trung và Cận Đông là ứng cử viên tốt cho vị trí đồng minh mới của Liên Xô. Cuộc khủng hoảng quốc tế xung quanh Iraq năm 1958 nghiêm trọng hơn người ta vẫn nghĩ. Liên Xô cảnh cáo gay gắt và đe dọa dự định can thiệp của liên quân Anh-Mỹ.
Các cường quốc phương Tây dù bất đồng nhưng sau đó cũng đành phải công nhận một Iraq do Thủ tướng Qasim lãnh đạo xích lại gần Liên Xô. Đây được đánh giá là thắng lợi chính trị của Moscow khi đó.
Giới phân tích Nga rút ra kết luận là phương Tây muốn lật đổ chế độ Iraq song đã phải lùi bước trước sức ép của Liên Xô. Kết quả là Iraq đã đóng vai trò quan trọng trong Chiến tranh Lạnh. Còn trong cuộc chiến tranh lạnh mới hiện nay, Syria giữ vai trò tương tự.
Nga chiến thắng?Bên cạnh khẳng định thắng lợi về mặt chính trị tại Syria tương tự như ở Iraq cách đây hơn nửa thế kỷ, các chuyên gia Nga cũng chỉ ra rằng Moscow đã giành chiến thắng về mặt quân sự tại quốc gia Trung Đông này.
Theo đó, hiệu quả răn đe từ cuộc tấn công của Mỹ và các đồng minh vào Syria chỉ đạt được một phần. Đạt được là vì như trong tất cả các cuộc ném bom khác mà Mỹ đã thực hiện nhiều lần vào lãnh thổ các quốc gia có chủ quyền (Nam Tư, Iraq, Libya...) quân đồng minh đã thể hiện được sức mạnh quân sự, thói trắng trợn và sự bất chấp luật pháp quốc tế của mình.
Còn chỉ đạt một phần là do quá nhiều tên lửa của họ đã bị lực lượng phòng không Syria (không phải là hiện đại và hoàn hảo nhất, được chế tạo tại Nga/Liên Xô từ 3 thập kỷ trước) đánh chặn.
Chuyên gia của Câu lạc bộ Valdai, Giám đốc khoa học của Viện nghiên cứu phương Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, viện sĩ Vitaly Naumkin cho rằng đây cũng là chiến thắng của Nga, vũ khí do Nga cung cấp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Quân đội Nga đã không phải tự mình tham gia chiến sự và sử dụng hệ thống tên lửa hiện đại nhất S-300 và S-400. "Điều thần kỳ" là các đòn tấn công cũng không gây thiệt mạng cho binh sĩ cũng như chuyên gia của cả Nga lẫn Syria.
Chuyên gia Nga cho rằng cuộc tấn công chỉ thỏa mãn các tay súng đang hy vọng "trò hề" với vũ khí hóa học sẽ được lặp lại, và Washington cùng đồng minh sẽ lại tiếp tục chiến dịch quân sự.
Trong lúc này, chỉ huy các nhóm vũ trang lại thất vọng với tuyên bố của tổng thống Mỹ rằng chiến dịch tấn công không nhằm mục đích "thay đổi chế độ", và chỉ diễn ra một lần, mang tính trừng phạt và răn đe
Chuyên gia Nga cho rằng liên quân ba nước cũng đạt được một trong những nhiệm vụ đặt ra là gây chia rẽ giữa bộ ba bảo đảm: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ tấn công hạn chế vào Syria.
Tuy nhiên, sự hợp tác của "bộ ba bảo đảm" không chỉ được duy trì mà còn tiếp tục phát triển, chủ yếu là nhờ vai trò trụ cột của Moscow nhờ biết cách sử dụng công cụ ngoại giao là tiến trình Astana và diễn tiến quan hệ song phương để tránh các bước ngoặt nguy hiểm.
Nhận xét Độc giả
Bản tin Email