OMS WHO
© AP Photo / Anja Niedringhaus
Lãnh đạo các nước từ châu Á, châu Âu, Trung Đông đến châu Mỹ ngày 24/4 đã tham gia vào hội nghị trực tuyến để khởi động sáng kiến về chống dịch của WHO. Một số nước lớn không tham gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.

Một người phát ngôn của phái đoàn Mỹ tại Geneva trước đó cho biết với Reuters rằng Mỹ sẽ không tham gia. "Mặc dù Mỹ không tham gia vào cuộc họp này, nhưng một điều chắc chắn là chúng tôi sẽ tiếp tục quyết tâm dẫn đầu trong các vấn đề y tế toàn cầu, bao gồm cả cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện tại. Chúng tôi tiếp tục quan ngại sâu sắc về tính hiệu quả của WHO", người phát ngôn này viết trong email trả lời Reuters.

Trong số các lãnh đạo tham gia hội nghị có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa. Các nhà lãnh đạo này đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với WHO. Tổng thống Macron hối thúc các nước G7 và G20 hợp tác thúc đẩy sáng kiến. "Tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ đồng lòng với sáng kiến này, kể cả Trung Quốc và Mỹ", ông Macron nói.

Mục đích của sáng kiến này là nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển thuốc điều trị, bộ xét nghiệm và vắc xin hiệu quả, an toàn ứng phó dịch Covid-19.

"Chúng ta đang đối mặt với một mối đe dọa chung và chúng ta chỉ có thể đẩy lùi nó bằng một phương thức chung", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, mục tiêu của cam kết toàn cầu là huy động được 7,5 tỷ Euro (hơn 8 tỷ USD) đến ngày 4/5 để thúc đẩy công tác phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị. "Đây mới chỉ là bước đầu, chúng ta cần thêm nhiều bước nữa trong tương lai", ông Leyen phát biểu tại hội nghị.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước bất ngờ tuyên bố cắt tài trợ cho WHO sau khi chỉ trích tổ chức này chậm trễ ứng phó và ứng phó không hiệu quả để ngăn chặn đại dịch Covid-19.

Trước những chỉ trích của cộng đồng quốc tế về động thái này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong tuần này nói rằng Mỹ có thể sẽ cắt tài trợ cho WHO vĩnh viễn và WHO cần phải cải tổ. Mỹ vốn là nhà tài trợ lớn nhất của WHO với khoản đóng góp khoảng 400-500 triệu USD/năm.