A youthful Rosemary Kennedy.
Rosemary Kennedy
Sự cố trong ca chuyển dạ

Những gương mặt làm rạng danh cái tên Kennedy bao gồm: John F. Kennedy - Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ, bộ trưởng bộ Tư pháp Robert F. Kennedy, người sáng lập Special Olympics và mẹ vợ của "kẻ huỷ diệt" Arnold Schwarzenegger Eunice Mary Kennedy...

Tuy nhiên dọc chiều dài của gia tộc này là vô số những cái chết thảm khốc: cậu cả Joe Kennedy Jr. - vốn được cha mình nuôi dạy để trở thành tổng thống - hy sinh trong Thế chiến Thứ hai, người con thứ là tổng thống John F. Kennedy bị ám sát, người con thứ ba là Robert F. Kennedy cũng bị sát hại ngay trong đêm ông trở thành người đứng đầu Đảng Dân chủ ở bang California.

Tiếp đến, cha mẹ vợ của Robert và sau đó là chị gái ông, Kathleen Kennedy đều qua đời trong những tai nạn máy bay thảm khốc. Kèm theo đó là những tai nạn giao thông, tai nạn trượt tuyết, những cái chết vì sốc thuốc, tự sát, những vụ bê bối tình ái và cả những vết nhơ khó chấp nhận như hai cáo buộc cưỡng hiếp và giết người nhắm vào hai người cháu trai của dòng họ Kennedy...

Tất cả những sự kiện trên đều đã được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng có một bi kịch mà đám đông rất hiếm khi nghe đến: Rosemary Kennedy - cô con gái chậm phát triển của gia tộc danh tiếng này, và là một trong những nạn nhân nổi tiếng nhất của thủ thuật phẫu thuật thuỳ não. Tuy vậy, cuộc đời Rosemary Kennedy không chỉ là câu chuyện buồn, mà còn là một nguồn ảnh hưởng lặng thầm nhưng mạnh mẽ, đủ để thay đổi cuộc sống của những người khuyết tật trên toàn quốc sau này.

Rosemary (1918 - 2005) là người con thứ ba và con gái đầu tiên của Joseph và Mary Kennedy, và là em gái cưng của cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy. Khi phu nhân Kennedy chuyển dạ tại tư gia, bác sĩ riêng của gia đình Kennedy đến muộn. Mặc dù hoàn toàn đủ khả năng, nhưng người hộ lý lúc đó không dám đỡ đẻ cho bà Kennedy.

Thay vào đó, cô yêu cầu bà Kennedy cố gắng đợi và khi bà Kennedy không thể đợi được nữa, người hộ lý này đã trực tiếp ngăn không cho đứa bé ra đời. Chính hành động phản khoa học này đã khiến cô bé Rosemary bị thiếu dưỡng khí trầm trọng suốt hai giờ đồng hồ và trực tiếp khiến cô sau này bị tổn thương não bộ và chậm phát triển.

Cho dù cô bé Rosemary trông giống hệt anh chị em của mình, với nụ cười hiền cùng đôi mắt sáng của bố và mái tóc sẫm màu đặc trưng của nhà Kennedy, ông bà Kennedy đã sớm nhận ra sự bất thường của cô con gái, đặc biệt là khi cả 8 người anh chị em còn lại của Rosemary đều là những đứa trẻ rất thông minh và có năng khiếu thể thao. Cô bé không thể đuổi kịp anh chị em khi đang chơi bóng hoặc đuổi bắt và mỗi khi thua cuộc, Rosemary sẽ lăn đùng ra đất nhõng nhẽo, la hét, đập phá, thậm chí bất tỉnh.

Những lần giận dỗi khiến các cô cậu bé nhà Kennedy rất sợ hãi ấy thực ra là những cơn động kinh. Những triệu chứng của bệnh chậm phát triển ở cô bé càng lúc càng rõ hơn: Rosemary biết bò, đứng, đi, nói chậm hơn rất nhiều so với một đứa trẻ bình thường. Khi đến tuổi đi học, tình trạng của Rosemary cũng không được cải thiện là bao; đến mức các giáo viên khuyên cha mẹ của Rosemary nên cho con học lại mẫu giáo, và sau đó là suốt tiểu học.

Bản thân Joe và Rose Kennedy đều đến từ những gia đình cao quý và xuất sắc bậc nhất nước Mỹ. Chính vì vậy, họ cũng đặt yêu cầu rất cao cho các con của mình: tất cả phải chơi thể thao hay, học giỏi, hiểu biết: mỗi bữa ăn là một cuộc kiểm tra gắt gao về đủ mọi chủ đề, từ thời sự đến lịch sử, từ triết học đến quân sự, khẩu hiệu được treo khắp nhà. Ông bà Kennedy cũng không hề dễ tính hơn với cô bé Rosemary tội nghiệp.

Cha mẹ của cô nghĩ rằng con của mình có thể được "chữa khỏi" nếu họ nghiêm khắc với cô bé như những đứa con khác, tìm những người thầy tốt nhất cho con và thậm chí, Joe Kennedy còn thử tự tiêm thuốc bổ não cho con mình. Bất chấp nỗ lực của cha mẹ, trí tuệ của Rosemary mãi mãi chỉ bằng một đứa trẻ 10 tuổi.
The Kennedy family
Gia đình Kennedy
Sau quá nhiều lần bị lưu ban, cô bé Rosemary buộc phải ở nhà để mẹ dạy học. Dần dần, việc dạy dỗ một đứa bé chậm phát triển trở nên quá khó khăn với phu nhân Kennedy. Ông bà Kennedy không đành lòng để con gái nhập viện tâm thần, đơn giản vì ở thời điểm đó, bệnh viện tâm thần không khác gì một địa ngục trần gian, nơi bệnh nhân bị bỏ đói, xiềng xích, đánh đập và lạm dụng. Hơn nữa, vào những năm 1920, việc có một đứa con chậm phát triển đồng nghĩa với việc gia đình của họ bị Chúa trừng phạt, và sẽ khiến họ bị trục xuất khỏi giáo hội.

Nếu chuyện này xảy ra, danh tiếng của gia đình Kennedy sẽ bị huỷ hoại và họ sẽ không thể đặt chân lên vũ đài chính trị được nữa. Để bảo vệ tương lai của cả dòng họ, ông Joe Kennedy gửi con đi học ở những trường nội trú ở những vùng rất hẻo lánh. Hòng giữ bệnh tình của con bí mật, hai người không bao giờ đến thăm con gái và liên tục chuyển trường cho con. Tình trạng của Rosemary càng lúc càng tệ hơn; cô bé chỉ biết gửi về nhà những bức thư nguệch ngoạc, đầy lỗi sai chính tả và ngữ pháp, cầu xin bố mẹ hãy đến đón mình về nhà đồng thời hứa sẽ làm tất cả để bố mẹ vui lòng.

Tuy là nỗi thất vọng của dòng họ Kennedy, Rosemary lại rất được thầy cô và bạn bè yêu mến nhờ nụ cười rạng rỡ và thái độ thân thiện của mình. Ở tuổi thiếu niên, Rosemary rất thích những bộ váy đẹp, thích đi bơi và đi chơi.

Khác với ông bà Kennedy lạnh lùng tới sắt đá, anh chị em của Rosemary lại rất thương cô. Hai người anh em ruột nổi tiếng đẹp trai của Rosemary là Joe Jr. và tổng thống tương lai John thường đưa cô đi chơi bất cứ khi nào họ có thời gian rảnh. Họ theo sát bên người chị em của mình, khiêu vũ cùng cô và luôn mỉm cười với cô, để Rosemary trông bình thường nhất có thể trong mắt người ngoài.

Nạn nhân đáng thương của một biện pháp trị liệu tâm thần

Năm 1938, ông Joe Kennedy được chính phủ chỉ định làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Mỹ tại vương quốc Anh và cả gia đình chuyển sang London sống. Rosemary và em gái Katheleen nhanh chóng được mời đến bữa tiệc "ra mắt" hoàng gia và quan chức Anh. Dù chỉ có 2 tuần để chuẩn bị (thông thường một người phụ nữ sẽ cần tới hàng tháng), nhưng Rosemary nhanh chóng thuộc lòng mọi nghi lễ phức tạp.

Báo giới và công chúng Anh vô cùng yêu thích nụ cười dịu dàng và bộ váy của cô gái trẻ, thậm chí Rosemary còn được ca ngợi hơn hẳn cô em Katheleen. Ở Anh, Rosemary được cha mẹ gửi vào một trường nội trú nổi tiếng vì môi trường dạy và học rất thoải mái, giúp những học sinh đặc biệt hình thành sự tự tin và khả năng tự lập.

Ở ngôi trường này, Rosemary đã tiến bộ hẳn trong cả việc học lẫn giao tiếp xã hội. Trong một bức thư gửi cho ông bà Kennedy, anh trai của Rosemary đã viết: "Em ấy rất hạnh phúc, và không cô đơn chút nào."

Thế nhưng ngày vui thường ngắn chẳng tày gang; Rosemary vừa mới tìm được hạnh phúc và bình yên thì lịch sử đã nhanh chóng can thiệp: Rosemary sớm phải tạm biệt nước Anh và ngôi trường tuyệt vời của mình để trốn chạy khỏi những trận bom dữ dội của Đức Quốc xã. Khi quay trở lại Mỹ, Rosemary không thể hoà nhập lại.

Cô nổi loạn, thường xuyên tấn công những người xung quanh và bỏ nhà đi chơi, rong ruổi khắp thủ đô Washington. Những chuyến phiêu lưu của cô khiến cha mẹ phát ốm vì sợ hãi, đặc biệt là sau vụ bắt cóc và sát hại con trai của phi công huyền thoại Charles Lindbergh. Quá lo lắng cho sự an toàn của con, cũng như địa vị xã hội của gia đình, ông bà Joe và Rose bắt đầu kiếm tìm những giải pháp chữa bệnh triệt để hơn.

Ông Joe Kennedy biết đến một phương pháp tên là phẫu thuật thuỳ não. Vào thế kỉ 20, phẫu thuật thuỳ não là một biện pháp trị liệu cho bệnh nhân tâm thần, người đồng giới, người nghiện ma tuý, và thậm chí là những phụ nữ quá nổi loạn so với tiêu chuẩn xã hội đương thời.

Phương pháp phẫu thuật này không chỉ dã man mà còn cực kì kém ổn định và nguy hiểm: 9% bệnh nhân qua đời ngay trên bàn mổ. Bất chấp khuyến cáo của bác sĩ, ông Joe vẫn quyết tâm cho con phẫu thuật tại bệnh viện thuộc đại học George Washington mà không hề thông báo với vợ mình hay bất kì ai trong gia đình.

Mái tóc đen tuyệt đẹp của Rosemary bị cạo trọc. Cô bị trói lên bàn mổ và chỉ được gây tê thay vì gây mê suốt cuộc phẫu thuật. Bác sĩ tâm thần Walter Freeman liên tục dịu dàng yêu cầu Rosemary đếm từ 1 đến 10, nói chuyện, hát quốc ca và trích dẫn Kinh thánh hòng đánh lạc hướng cô khỏi cuộc phẫu thuật đáng sợ. Trong lúc đó, ông khoan 2 lỗ vào hộp sọ của bệnh nhân, và cắt bỏ những dây thần kinh nối thuỳ trán và não trung gian. Giọng nói của Rosemary méo dần đi, và tắt hẳn. Trải nghiệm kinh hoàng này đã khiến người y tá trong cuộc phẫu thuật phải bỏ nghề nhanh chóng.

Những khiếm khuyết của Rosemary, vốn đã từng được khắc phục rất hiệu quả ở Anh, thời điểm này đã trở nên trầm trọng đến độ không thể cứu vãn được. Cô gái 23 tuổi không thể tự đi lại, mất khả năng nói và chỉ có khả năng nhận thức bằng một đứa bé 2 tuổi.

Ông Joe, trong cơn hoảng loạn và nỗi hối hận, đã ngay lập tức đưa con đến một bệnh viện tâm thần ở New York, mặc kệ thắc mắc của những người thân trong gia đình. Những cô cậu nhà Kennedy hết sức ngạc nhiên, họ không hiểu sao người chị em của mình tự dưng phải nhập viện, và vì lý do gì mà không ai được phép đến thăm cô.

Ông nói dối vợ con rằng cô con gái đang học để trở thành một cô nuôi dạy trẻ và trong suốt một thập kỉ, không một ai biết Rosemary đang ở đâu. Đến năm 1944, không một ai trong gia đình nhắc về cô nữa. Năm 1948, John F. Kennedy dần dần trở thành một ngôi sao sáng trong giới chính trị. Thân phụ của ông vì quá lo sợ cho sự nghiệp của con trai, đã bí mật chuyển Rosemary đến vùng Wisconsin xa xôi, nơi cô sống 56 năm còn lại của đời mình, và Joe Kennedy không bao giờ tới thăm con nữa.

Vào năm 1958, nhờ tận dụng quyền lực và những mối quan hệ của mình, tổng thống tương lai John F. Kennedy mới có thể tìm được người em gái. Bị chấn động bởi tình trạng của em, sau khi trở thành tổng thống, ông đã thi hành rất nhiều đạo luật bảo vệ quyền của người khuyết tật.

Người chị em thân thiết nhất với Rosemary là Eunice Kennedy cũng làm tất cả những gì bà có thể: bà quyên góp rất nhiều tiền cho quỹ Kennedy để tài trợ cho những dự án chữa bệnh cho người khuyết tật, thành lập trại Hè Shriver - một trại hè dành riêng cho trẻ em chậm phát triển, và tổ chức Olympic Đặc biệt cho người tàn tật. Những nỗ lực muộn màng của dòng họ Kennedy đã thực sự thay đổi cái nhìn của công chúng nước Mỹ về người khuyết tật.

Cũng trong khoảng thời gian này, bà Rose Kennedy cũng đến thăm con gái, nhưng sau 20 năm, Rosemary không thể nhận ra mẹ mình nữa.
Rosemary wheelchair bound
Rosemary Kennedy chỉ còn là cái xác trên xe lăn sau khi bị cắt bỏ thùy não
Vào những năm 1970, Rosemary được đi nghỉ cùng gia đình của mình. Tuy việc phải ở cạnh mẹ ruột rất căng thẳng với Rosemary, nhưng những người anh chị em cùng những người cháu trai và cháu gái của cô lại khiến cô vô cùng hạnh phúc bằng cách thiết kế những hoạt động rất thư giãn mà Rosemary hằng yêu thích như bơi lội, chơi trò chơi trong nhà, nghe nhạc, ăn đồ ngọt...

Con trai của Eunice Kennedy là Anthony Shriver yêu quý bác Rosemary của mình đến mức anh đã xây một căn phòng đặc biệt cho bác trong nhà mình, và anh đã sáng lập ra tổ chức phi lợi nhuận Buddies International. Buddies International giúp người khuyết tật tìm một người giúp đỡ miễn phí, và tổ chức này cũng cung cấp những cơ hội việc làm cho người chậm phát triển trí tuệ.

Rosemary sống nốt những năm cuối đời của mình tại Wisconsin trong hạnh phúc. Bà rất được các bác sĩ và hộ lý yêu mến, thường xuyên đi bơi, đi dạo, chơi trò chơi, đùa nghịch với hai chú chó cưng là Skippy và Lollie. Rosemary qua đời vì tuổi già vào năm 2005, trong vòng tay của 4 người anh chị em hiếm hoi tránh được khỏi lời nguyền của dòng họ Kennedy.