putin
Nguyên nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý sửa đổi hiến pháp, trong đó có nội dung "xóa" giới hạn về số nhiệm kỳ tổng thống là do xét đến tình hình bất ổn của đất nước trong thời kỳ này, theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.

Theo người phát ngôn Điện Kremlin, nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Nga, đang ở trong tình trạng "rất, rất bất ổn" xung quanh mình. Do đó, một số quốc gia đã đưa ra quyết định về khả năng tổng thống đương nhiệm tiếp tục tại vị.

"Tình hình toàn cầu rất phức tạp nếu không nói là hỗn loạn. Nhiều quốc gia, bao gồm cả nước ta đang phải đối mặt với sự bất ổn bên ngoài. Trong thời điểm khó khăn như vậy, một số quốc gia đã chuyển sang cho phép tổng thống đương nhiệm ở lại vị trí này. Trong những thời điểm khó khăn như vậy, điều quan trọng là phải duy trì các chính sách ổn định, vững chắc và nhất quán" - người phát ngôn của Điện Kremlin nêu rõ.

Bản sửa đổi Hiến pháp Nga bao gồm nội dung "xóa" giới hạn về số nhiệm kỳ tổng thống hiện nay, một động thái cho phép ông Putin có thể ra tranh cử sau năm 2024 và duy trì 2 nhiệm kỳ liên tiếp, làm Tổng thống đến năm 2036. Đây là kiến nghị của thành viên Duma Valentina Tereshkova - nghị sĩ thuộc Đảng của ông Putin đề xuất, là một đề nghị đặc biệt, chỉ duy trì trong trường hợp Tổng thống Vladimir Putin.

Ban đầu Tổng thống Putin đã không đồng ý đưa kiến nghị sửa đổi này vào tài liệu chung. Nếu người dân đồng ý với tất cả các nội dung sửa đổi Hiến pháp mà lại không đồng ý với nội dung về quyền lực Tổng thống thì việc bỏ phiếu trở nên rất rối rắm. Tuy nhiên, sau đó, Tổng thống Putin đã xem xét lại quan điểm của mình.

Tình hình toàn cầu phức tạp là một trong những lý do khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp nhận các lập luận của nghị sĩ Valentina Tereshkova.

"Điều khoản hiến pháp giới hạn về nhiệm kỳ tổng thống sẽ được duy trì và một ngoại lệ sẽ chỉ được thực hiện đối với tổng thống đương nhiệm" - ông Peskov lưu ý.

Cách giải thích như vậy cho thấy rõ việc ông Putin có thể ra tranh cử năm 2024 không phải là hành động cho thấy sự "tham quyền cố vị" của nhà lãnh đạo Nga mà thay vào đó là việc ông Putin có thể sẵn sàng giành tâm huyết, trí lực của mình để tiếp tục phục vụ đất nước theo mong muốn của nhân dân Nga.

Thư ký báo chí của ông Putin cũng nêu rõ, người dân Nga sẽ bỏ phiếu cho gói sửa đổi Hiến pháp chung mà không có điều khoản về việc xóa nhiệm kỳ Tổng thống năm 2024. Chỉ khi họ hoàn toàn đồng ý với các nội dung của Hiến pháp sửa đổi thì mới đưa ra nội dung xóa bỏ nhiệm kỳ cho Tổng thống Putin sau năm 2024 để tiếp tục bỏ phiếu.

Ông Peskov cũng cho biết, việc ông Putin tham gia cuộc bầu tranh cử tổng thống sắp tới, tổ chức năm 2024, sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Trong số đó có tình hình của nền kinh tế toàn cầu, hậu quả của dịch COVID-19 và các cuộc xung đột trên thế giới.

Hiện Tổng thống Nga chưa nói gì về việc tham gia cuộc bầu cử năm 2024. Tổng thống Putin đã nói rằng còn nhiều thời gian và nhiều công việc để làm cho đến năm 2024, khi ông kết thúc nhiệm kỳ này. Trong khi đó, còn rất nhiều khó khăn ở phía trước cần phải giải quyết thay vì chỉ nghĩ tới mốc 2024.

Tổng thống Putin đã đề xuất sửa đổi Hiến pháp hôm 15/1, tập trung vào siết chặt kiểm soát các chính quyền địa phương và tăng cường vai trò của một cơ quan giám sát, mang tên Hội đồng Nhà nước và của Tổng thống.