Putin Maduro
Nga giúp chính quyền Maduro trụ vững trước các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách cung cấp xăng và vận chuyển dầu thô.

Venezuela có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới nhưng để vận chuyển dầu thô nặng (dầu có độ nhớt cao), Caracas cần đến chất pha loãng mua từ Mỹ. Sau khi Washington cấm các công ty Mỹ bán chúng cho Venezuela vào tháng một và kêu gọi các công ty nước ngoài làm theo, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phải đối mặt với tình huống khó khăn: Làm thế nào để ngăn ngành công nghiệp này sụp đổ?

Câu trả lời là con tàu chở dầu màu đỏ đen Serengeti đến Venezuela vào ngày 22/3. Bên thuê tàu là công ty dầu nhà nước Nga Rosneft.

"Mối quan hệ giữa Nga và Venezuela rất tốt", Alexey Seredin, quan chức tại đại sứ quán Nga ở Caracas, nói. "Chúng tôi đang nỗ lực tăng cường hợp tác".

Việc cung cấp chất pha loãng chỉ là một phần của dấu chân Nga đang ngày càng mở rộng ở Venezuela. Hai máy bay quân sự Nga hôm 22/3 hạ cánh tại sân bay gần thủ đô Caracas, chở theo gần 100 binh sĩ và 35 tấn hàng. Mỹ cho rằng nhóm binh sĩ này bao gồm các lực lượng đặc biệt và chuyên gia an ninh mạng của Nga.

Seredin cho biết tuần tới một phái đoàn cấp cao từ chính phủ Maduro sẽ đến Moskva để thảo luận về các khoản đầu tư của Nga vào các lĩnh vực khai thác, nông nghiệp và giao thông. Và động thái điều quân là nỗ lực để củng cố hàng phòng thủ cho chính quyền Maduro.

Trong một sự kiện được truyền hình ngày 29/3, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino López khánh thành một trung tâm mô phỏng bay cho trực thăng Nga. "Trung tâm này chỉ có ở Venezuela và Nga", ông nói.

Ông cũng công bố kế hoạch thiết lập thiết bị mô phỏng bay Sukhoi MK2 Nga tại thành phố Barcelona của Venezuela và nhấn mạnh rằng một nhà máy sản xuất súng trường Nga sẽ sớm mở tại Maracay.

Sự can thiệp ngày càng sâu của Moskva ở Caracas đang là thách thức đối với Mỹ, bên muốn Maduro rời ghế và công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời. Tình huống này được nhiều người so sánh với việc Điện Kremlin hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Năm 2015, sự tham gia của Nga làm thay đổi cục diện của cuộc nội chiến, giúp Assad duy trì quyền lực và đưa Moskva trở thành người chơi có thế lực lớn ở Trung Đông.

Tổng thống Trump ngày 29/3 cho biết ông có thể nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về cuộc khủng hoảng ở Venezuela. Trước đó một ngày, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton ra tuyên bố, nói rằng việc Nga đưa nhân viên và thiết bị quân đội vào Venezuela là "hành động khiêu khích" và là mối đe dọa trực tiếp đối với hòa bình và an ninh trong khu vực.

"Nhiều người cho rằng Venezuela là bài kiểm tra khả năng của Nga trong việc bảo vệ lợi ích của mình trên toàn cầu", Dmitri Trenin, người đứng đầu Trung tâm Carnegie Moscow nói.

Hợp tác của Nga với Venezuela bắt đầu từ các thỏa thuận vũ khí được ký kết với Hugo Chavez - người tiền nhiệm và cố vấn của Maduro. Năm 2006 - 2013, Venezuela mua gần 4 tỷ USD thiết bị quân sự của Nga, bao gồm khoảng 5.000 tên lửa đất đối không MANPADS.

Hợp tác quân sự đã dẫn đến các khoản đầu tư lớn của Nga vào lĩnh vực dầu Venezuela. Nga sẵn sàng cho Venezuela gia hạn các khoản vay. Đầu tháng 12/2018, hai máy bay ném bom tầm xa Nga Tu-160 đến sân bay quốc tế bên ngoài thành phố Caracas và sau đó tập trận chung.

Nhưng Nga không thể triển khai nhiều hỏa lực ở Venezuela như ở Syria, một phần vì khoảng cách địa lý. Nga không có căn cứ quân sự chính thức trong khu vực và tàu sân bay duy nhất của họ đã dừng hoạt động.

"Nga sẽ hỗ trợ thêm về chính trị", nhà phân tích chính sách đối ngoại Nga Fyodor Lukyanov nói. "Nga khó có thể điều một đội quân mang vũ trang đến đó. Việc đó không thực tế".


Nhận xét: Quân đội Venezuela đủ mạnh để bảo vệ đất nước. Điều nước này cần là cứu trợ, hợp tác về kinh tế và một đường lối phát triển đất nước có hiệu quả trong vòng vây cấm vận của Mỹ. Cả hai điều này Nga đều giúp đỡ rất đắc lực.


Kinh tế có thể là yếu tố quan trọng hơn đối với sự sống còn của chính quyền Maduro. Mỹ hồi tháng một ra lệnh trừng phạt chặn Venezuela bán dầu thô cho các nhà máy lọc dầu của Mỹ. Tháng này, việc vận chuyển hàng hóa ra và vào Venezuela rơi vào tình trạng hỗn loạn do Venezuela liên tiếp mất điện trên toàn quốc. Tuy nhiên, ít nhất một tàu chở dầu đã rời Venezuela đến Ấn Độ, mang theo dầu thô của Venezuela đến một nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của Nga, Dallen.

Trước khi Washington ra lệnh trừng phạt, Venezuela đã xuất khẩu dầu thô sang Mỹ và nhập khẩu xăng tinh chế từ đó. Giờ đây, các lệnh trừng phạt khiến Venezuela lâm vào tình trạng thiếu xăng. Ivan Freitas, lãnh đạo ở PDVSA, cho biết báo cáo từ các nhân viên cảng cho thấy Rosneft đã giao ít nhất một lô hàng 300.000 thùng xăng cho Venezuela vào tháng hai. Khoảng 1,6 triệu thùng dự kiến được chuyển trong thời gian sắp tới nhưng thông tin này chưa được xác nhận .

"Rosneft đã trở thành vị cứu tinh cho PDVSA", Freitas nói. "Công ty này đang giúp Maduro câu giờ". Rosneft không đáp ứng yêu cầu bình luận về vấn đề này.

Sự hỗ trợ của Nga còn vượt ra ngoài ngành công nghiệp dầu mỏ. Tháng trước, Moskva giao 7,5 tấn vật tư y tế và cam kết sẽ vận chuyển thêm 7,7 tấn. Mặc dù số hàng này không có tác dụng nhiều trong việc giải quyết khủng hoảng thiếu nhân lực, thiếu thiết bị, điều kiện xuống cấp tại các bệnh viện trên khắp Venezuela, chúng vẫn giúp họ tạo dựng hình ảnh trước công chúng.

Tại bệnh viện Ana Francisca Pérez de León ở miền đông Caracas, giám đốc Zayra Medina cho biết cơ sở này đã nhận hàng viện trợ của Nga vào ngày 23/3. Bệnh viện sử dụng hết số hàng này trong khoảng 10 ngày.

"Chúng tôi hy vọng họ tiếp tục giúp đỡ", bà nói. "Tôi vui khi biết chúng tôi không đơn độc. Nga đang giúp chúng tôi cứu mạng người giữa cơn bão".