Face recognition
Thế giới đang đứng trước nguy cơ của "cuộc cách mạng vũ khí lần ba" khi công nghệ nhận diện khuôn mặt bị biến thành công cụ giết người tinh vi.

Bước tiến về công nghệ nhận dạng khuôn mặt mang tới những lợi ích nhất định cho thế giới, có thể kể đến như tác dụng phát hiện kẻ trộm hay ứng dụng trên mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo lại lo ngại giới tội phạm sẽ tận dụng kỹ thuật này nhằm phục vụ cho ý đồ xấu.

Đáng lo nhất, các thế hệ sát thủ thủ người máy sẽ đe dọa đến sự an toàn của người dân. Chúng dễ dàng tìm kiếm và đưa nạn nhân vào tầm ngắm mà không cần sự hiện diện của người điều khiển.

Công nghệ mới gây tranh cãi đã sẵn sàng để tung ra thị trường trong một vài năm tới. Và theo Yoshua Bengio, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu sức mạnh AI tại Đại học Montreal (Canada) dự đoán, nó có thể sẽ châm ngòi cho "cuộc cách mạng vũ khí lần thứ ba".

Không giống những chiếc máy bay không người lái trang bị vũ khí của quân đội Mỹ thường chỉ nhắm mục tiêu dựa vào từng khu vực, Bengio khẳng định các cỗ máy giết người trong tương lai sẽ đạt độ chính xác cao hơn, đủ để nhận dạng được một đối tượng trong đám đông hàng ngàn người. Và nỗi sợ lớn nhất là việc robot sát thủ có thể hành động riêng biệt, tự nhắm bắn và bóp cò mà không cần tay súng nào bên cạnh.

"Nguy cơ về cuộc chạy đua vũ trang cho những mục đích kiểu như vậy là khó tránh khỏi. Chúng được sử dụng phi pháp đi ngược lại quy chuẩn đạo đức của xã hội và trở thành công cụ để loại bỏ một ai đó", Bengio tỏ ra lo lắng.

Đây là loại thiết bị tự động xếp cuộn hoặc bay xung quanh. Nó có thể có kích thước lớn ngang quadcopter (drone 4 động cơ) hoặc nhỏ bằng một con chim, được trang bị chương trình săn đuổi nhờ công nghệ nhận diện khuôn mặt với một kho dữ liệu hình ảnh đồ sộ. Bengio cho rằng chỉ vài năm nữa, loại vũ khí như vậy sẽ được quân đội và cơ quan công quyền sử dụng.

Ngày 7/7, sau khi một tay bắn tỉa sát hại 5 cảnh sát Dallas ở cuộc biểu tình ủng hộ người da đen, lực lượng công quyền Mỹ đã dùng robot chứa bom để tiêu diệt kẻ tình nghi. Mặc dù cần tới người điều khiển và nhấn nút, đó là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng máy móc có khả năng làm những công việc phi đạo đức ở bất kỳ đâu. Vụ việc đặt ra câu hỏi về tính đúng sai khi cơ quan thực thi pháp luật sử dụng thiết bị kích hoạt từ xa để giết người. Liệu đó có phải là "mối đe dọa sắp xảy ra" và yếu tố nào để cảnh sát có thể quyết định gửi một robot đi làm chuyện đó?

Các chuyên gia dự đoán, trong tương lai, lực lượng công quyền sẽ thu thập thêm nhiều hình ảnh của công dân Mỹ, thậm chí cả những người không phạm tội, để tạo kho dữ liệu riêng.

Tính đến thời điểm hiện tại, không luật nào cấm vũ khí tự động trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các nhóm vận động như chiến dịch Stop Killer Robots ở Canada đang cố gắng thuyết phục cộng đồng quốc tế tiến tới một hiệu ước ngăn chặn sự phát triển của loại vũ khí tự động giết người.
Stop Killer Robots campaign
"Điều này hết sức quan trọng đối với thế giới để thiết lực một chuẩn mực nhằm tránh tình trạng sử dụng các cỗ máy giết người", Peter Asaro, đại diện nhóm vận động chia sẻ.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ngày càng đạt những bước tiến mạnh mẽ về tốc độ và độ chính xác của hệ thống nhận dạng khuôn mặt. Thuật toán sẽ phân tích các đặc điểm khuôn mặt, bao gồm khoảng cách giữa hai mắt, mũi và miệng trước khi so sánh chúng với cơ sở dữ liệu hình ảnh. Giới khoa học đã mở ra chìa khóa bí mật trong cách sử dụng công cụ ở khoảng cách xa hơn, ánh sáng yếu hoặc ngay cả lúc trời tối nhưng vẫn cho độ chính xác gần như tuyệt đối.

Chưa kể, lĩnh vực học sâu cung cấp khả năng nhận dạng thông minh hơn rất nhiều. Ví như khi máy tính chỉ phát hiện nửa khuôn mặt, nó sẽ sử dụng máy học sâu để đoán nửa còn lại.

Bengio và các chuyên gia khác cho biết, họ đã tiếp xúc với công nghệ đủ để tạo ra những "tay bắn tỉa" robot. "Phải mất một khoảng thời gian để thiết kế thiết bị như vậy, nhưng nền tảng khoa học cơ bản đã sẵn sàng, ít nhất ở lĩnh vực Ai và tôi không thấy bất kỳ trở ngại nào ngăn loại vũ khí này xuất hiện trong tương lai", Bengio nói.

Hiện tại, chưa có công ty nào công khai kế hoạch chế tạo vũ khí gây chết người dựa vào công nghệ kể trên. Nhưng hoạt động quân sự của Mỹ ngày càng phụ thuộc vào công nghệ robot để tiêu diệt mục tiêu theo chỉ định. Trên mặt giấy tờ, công ty Taser International đảm nhiệm vai trò thiết kế các camera nhận diện khuôn mặt để tóm nghi phạm.

Thậm chí, rất nhiều chuyên gia hàng đầu AI đã đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn từ trí thông minh nhân tạo. Hàng ngàn các nhà khoa học, trong đó có Stephen Hawking và Noam Chomsky đã cùng trình một bức thư hồi tháng 7 năm ngoái kêu gọi thực thi một lệnh cấm toàn cầu về vũ khí tự động. Những người ký tên kêu gọi các nhà lập pháp và nghiên cứu công nghệ tiến hành thận trọng bằng cách hỗ trợ các hiệp định quốc tế về cấm tạo ra các loại vũ khí tự động.

"Vũ khí tự trị được mô tả như cuộc cách mạng thứ ba trong chiến tranh, sau thuốc súng và vũ khí hạt nhân. Chạy đua vũ trang AI là ý tưởng tồi tệ cần được ngăn ngừa bằng lệnh cấm cụ thể", nội dung lá thư có chữ ký của Bengio và 17.700 người khác ghi rõ.

Vào tháng Tư, đại diện từ 14 quốc gia và khu vực, gồm cả Zimbabwe, Pakistan và Palestine đã trao đổi với các chuyên gia tại Liên Hiệp Cuộc để yêu cầu một lệnh cấm quyết liệt áp lên những robot giết người. Cuộc họp đồng thời thu hút nhiều người ủng hộ trên toàn thế giới góp tiếng nói chung.

Tháng 12, Algeria, Chile, Costa Rica, Mexico và Nicaragua sẽ đưa ra xem xét việc áp dụng lệnh cấm vũ khí tự động.