Russian jets Syria
© Russian Defence Ministry
Bộ Ngoại giao Nga vừa chính thức trả lời yêu cầu của Hoa Kỳ rằng, không thể có "chế độ im lặng" đối với những tổ chức khủng bố ở Syria.

Nga bác đề xuất "tuần im lặng" của Mỹ

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố trước truyền thông rằng, không thể có ngừng bắn ở Syria và Nga không bao giờ chấp nhận chế độ im lặng đối với các tổ chức khủng bố đang gieo rắc tai họa cho nhân dân nước này.

"Không thể có thỏa thuận ngừng bắn, không thể có chế độ im lặng đối với những tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và Dzhebhat-en-Nusra (tức Mặt trận al-Nusra - một chi nhánh của al-Qaeda ở Syria) đã bị Liên Hiệp Quốc liệt vào danh sách khủng bố quốc tế" - ông Ryabkov nói.

Ông khẳng định rằng, bất kể là Hoa Kỳ hay là quốc gia nào cũng không thể đề nghị Nga làm điều đó, bất kể dưới dạng tuyên bố chính thức hoặc không chính thức. Đề xuất của Washington về đình chỉ các hoạt động quân sự ở Syria thực chất là một phần của chính sách chính trị dối trá.

"Tạm ngừng hoạt động, đồng thời không một lời giải thích, điều đó cho phép những kẻ khủng bố tái tổ chức, một lần nữa tập trung lực lượng, hợp lực với nhau để tiếp tục cuộc chiến đẫm máu này, cuộc chiến tranh đã dẫn đến bi kịch của người Syria" - ông Ryabkov nói.

Ông nhấn mạnh rằng, Mỹ hoàn toàn nhìn thấy ai là những người phản đối ôn hòa, và ai là những kẻ khủng bố nhưng họ vẫn đưa ra đề nghị "tuần lễ im lặng" để giúp đỡ khủng bố củng cố lực lượng, chiêu mộ thêm quân và nhận thêm viện trợ vũ khí mới hòng lật ngược tình thế trên chiến trường.

Ông khẳng định rằng, Moscow có cách tiếp cận đối lập với Washington, Nga ủng hộ việc tăng cường hợp tác với Mỹ và các đối tác khác nhưng Moscow sẽ cương quyết "đưa cuộc chiến đấu chống những tổ chức khủng bố ở Syria đi đến thắng lợi cuối cùng".

Được biết, tuyên bố của vị thứ trưởng ngoại giao Nga được đưa ra khi ông bình luận về đề xuất chính thức của Mỹ hôm 26/7 về việc thiết lập một "chế độ im lặng" kéo dài 1 tuần ở Syria.

Tờ "Izvestia" cho biết, tại cuộc đàm phán mới đây giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Moscow ngày 14-15 tháng 7 và cuộc gặp cấp bộ trưởng song phương ngày 26 tháng 7 bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Washington đề xuất với Moscow tạm ngừng hoạt động của không quân Nga tại Syria.

Đoàn đại biểu Mỹ đã đề xuất áp dụng "chế độ im lặng" trong 7 ngày, không quân Nga đình chỉ chiến dịch không kích, sau đó các lực lượng liên quân quốc tế do Hoa Kỳ đứng đầu cũng ngừng bắn để tách phe đối lập ôn hòa ra khỏi các nhóm khủng bố".

Tờ báo trích dẫn nguồn tin thân cận với các bên đàm phán cho biết, trước đây Nga đã nhiều lần đề nghị Hoa Kỳ thực hiện các bước để tách cái gọi là "đối lập ôn hòa" được Mỹ hỗ trợ ra khỏi những tổ chức khủng bố, tuy nhiên Washington đã không thèm đếm xỉa đến đề nghị của Moscow.

Được biết, vòng trước của cuộc đàm phán diễn ra tại Geneva hồi tháng 4. Suốt hai tuần lễ, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura đã không thể đưa Damascus và phe đối lập tới đàm phán trực tiếp. Cuộc ​​tham vấn dự định được tiếp nối vào tháng 5 nhưng cũng không thành.

Nga: Mỹ xin ngừng bắn đề cứu "khủng bố ôn hòa"

Thậm chí Lầu Năm Góc còn cáo buộc hành động quân sự của lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga ở Syria đã "góp phần mở rộng chiến tranh".

Hôm 26/7, người đứng đầu Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, tướng Joseph Dunford cho biết, Moscow đang tích cực hỗ trợ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, do đó đã làm kéo dài cuộc nội chiến, gây ra tai họa cho những người dân ở nước này.

Theo ông, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry hiện đang thảo luận với người Nga một số sáng kiến và ông hy vọng rằng, Ngoại trưởng Mỹ sẽ thuyết phục được giới chức lãnh đạo Moscow, để Nga "bắt đầu làm những điều đúng đắn ở Syria".

Giới chức lãnh đạo Nga lập tức đáp trả những bình luận của ông Dunford rằng, Nga hỗ trợ cho chế độ hợp Hiến ở Syria, được Liên hiệp quốc công nhận, trong khi đó Mỹ hậu thuẫn cho phe đối lập lật đổ chính quyền Assad bằng vũ lực, vậy trong vấn đề này ai đúng-ai sai?

Giả sử ở Mỹ cũng nổ ra phong trào lật đổ chính quyền bằng bạo lực thì Nhà Trắng liệu có ngồi yên thúc thủ hay không? Tại sao Mỹ không dùng ảnh hưởng của mình bắt phe đối lập ngừng bắn, giải giáp và ngồi vào bàn đám phán với chính quyền Syria mà lại khăng khăng bắt ông Assad phải ngừng bắn trước?

Giới chức lãnh đạo Nga cho rằng, những lần Mỹ "môi giới" ngừng bắn trước đây, ví dụ như thỏa thuận hòa bình ở Geneva hồi tháng vừa qua đều kết thúc bằng sự bế tắc và sau đó nội chiến lại bùng phát với mức độ khốc liệt hơn. Tại sao lại lại như vậy?

Giới chức quân sự và ngoại giao Mỹ cho rằng, tất cả những lần đó, phe "đối lập ôn hòa" mà thực chất là những bè lũ khủng bố đều đang bị quân đội Syria đánh cho liểng xiểng nên "ông chủ" của chúng lập tức phải ra tay giải vây, tránh tình trạng bị diệt sạch gốc rễ.

Và sau một kỳ "an dưỡng" dài, phe "đối lập ôn hòa nhiều súng" lại được Mỹ và các đồng minh bơm tiền để chiêu mộ, trả lương binh lính, đồng thời cung cấp thêm nhiều vũ khí hiện đại để hăm hở bước vào "cuộc thánh chiến vì hòa bình và dân chủ phương Tây", lật đổ chính quyền ông Assad.

Và lần này cũng không phải ngoại lệ. Khi Nga tái triển khai các máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 sang oanh tạc các mục tiêu khủng bố ở Syria, giúp lực lượng ủng hộ ông Assad liên tiếp giành chiến thắng thì Mỹ lại cuống quýt kêu gọi ngừng bắn.

Trong khi đó, mới đây chính quyền Assad tuyên bố sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với phe đối lập ôn hoàn mà không cần các điều kiện tiên quyết như trước đây, với hy vọng rằng cuộc đối thoại này sẽ dẫn đến giải pháp cuối cùng, do chính người Syria quyết định.

Ban lãnh đạo Syria bày tỏ ý định sẵn sàng tiến tới đàm phán liên Syria để giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình, do chính người Syria quyết định, với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế nhưng không cho phép sự can thiệp từ bên ngoài.

Tuy nhiên, Mỹ và các phe nhóm do nước này hỗ trợ đã không hề đáp trả lại thịnh ý của chính quyền của ông Assad. Giờ đây, Mỹ lại có ý định thuyết phục Nga buộc Damascus ngừng bắn để tranh thủ thời gian tái biên chế và tái trang bị vũ khí mạnh mẽ hơn cho "phe đối lập không ôn hòa".