soldier flag turkey
© www.newsweek.com
Khoảng 7.000 cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ có vũ trang với xe hạng nặng bao vây, phong tỏa căn cứ không quân Incirlik do NATO sử dụng ở TP Adana.

Tờ Hurriyet (Thổ Nhĩ Kỳ) trước đó cho hay, cảnh sát Adana đã nhận được tin báo sắp xảy ra cuộc đảo chính mới, và lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức vào tình trạng báo động.

Các bức ảnh được nhân chứng cung cấp cho thấy lực lượng an ninh được trang bị súng trường và xe bọc thép TOMA do cảnh sát cơ động điều tới đã xuất hiện tại căn cứ Incirlik. Lối ra vào căn cứ đã bị phong tỏa.

Trong một động thái dường như để trấn an dư luận, Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề EU Omer Celik viết trên Twitter rằng họ đang thực hiện kiểm tra an ninh tại căn cứ không quân nói trên.

"Chúng tôi đang tổng kiểm tra an ninh. Không có vấn đề gì xảy ra", ông Omer Celik viết trên Twitter từ Adana.

Một số người ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đổ ra khu hàng rào bao quanh căn cứ.

Trước đó vài ngày, hàng ngàn người Thổ Nhĩ Kỳ đã biểu tình và đốt cờ Mỹ bên ngoài căn cứ Incirlik để đòi đóng cửa lập tức nơi này. Đám đông cáo buộc Mỹ dính líu đến vụ đảo chính hôm 15/7 khiến 270 người thiệt mạng, dựa trên việc giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đang tị nạn tại Mỹ.

Ông Gulen bị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc đứng sau âm mưu lật đổ chính quyền. Sau đó, Ankara đã mở chiến dịch thanh trừng bắt giữ hàng chục ngàn người thuộc quân đội, cảnh sát, tư pháp, truyền thông... bị cáo buộc liên quan đến đảo chính.

Trong số này, tướng Bekir Ercan Van, tư lệnh căn cứ Incirlik, và một số sĩ quan bị bắt vì cáo buộc phản quốc. Nhà chức trách cáo buộc một trong những chiến đấu cơ F-16 tham gia đảo chính đã được tiếp liệu tại căn cứ này.

Theo các chuyên gia quân sự, quân đội Mỹ đang duy trì một kho vũ khí hạt nhân tại căn cứ Incirlik, gồm khoảng 50-90 vũ khí hạt nhân chiến thuật, chủ yếu là bom B-61 có từ thời Chiến tranh Lạnh.

Việc những quả bom đó được cất trữ tại Incirlik là "một bí mật mở", Joshua Walker, nhà nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ từ Quỹ German Marshall, cho hay.

"Những quả bom ấy đã ở Thổ Nhĩ Kỳ từ thời Chiến tranh Lạnh", Tom Collina, giám đốc chính sách tại Quỹ Ploughshares, nói. Ông cũng thêm rằng Washington còn đặt những vũ khí hạt nhân tương tự ở Đức, Italy và Hà Lan.

Theo Washington Post, các quả bom B-61 tại căn cứ không quân Incirlik có thể trang bị cho những loại chiến đấu cơ tốc độ cao như F-15E Strike Eagle hay F-16 Fighting Falcon. Mỗi quả bom dài khoảng ba mét, nặng hơn 300 kg.

Chúng được cất ở những căn hầm dưới lòng đất, bên trong các nhà chứa máy bay. Muốn kích hoạt những quả bom này cần đến một thiết bị đặc biệt.

Theo cây bút Jeffrey Lewis từ tạp chí Foreign Policy, những vũ khí tại căn cứ không quân Incirlik được cất trong những kho hàng được bảo vệ nghiêm ngặt. Mỹ cùng các đồng minh NATO mới đây còn đầu tư 160 triệu USD để nâng cấp hệ thống an ninh cho vũ khí hạt nhân. Nổi bật nhất trong số này là mạng lưới cung cấp hình ảnh vệ tinh các khu vực trong và xung quanh căn cứ Incirlik.

Dù vậy, giới quan sát vẫn tỏ ra lo lắng về sự an toàn của kho vũ khí hạt nhân Mỹ đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh tình hình ở quốc gia này ngày càng bất ổn, đặc biệt là sau đảo chính.

Căn cứ Incirlik cũng là nơi các máy bay chiến đấu liên quân xuất kích trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq.

Hôm 30/7, tờ Anadolu đưa tin, khoảng 758 binh sĩ bị bắt vì nghi dính líu đảo chính, đã được thả ra. Các binh sĩ được thả sau khi công tố viên đưa ra đề nghị cùng với lời khai của những người này được thẩm phán chấp nhận.

Tuy nhiên vẫn còn hơn 230 lính bị giam giữ. Cuộc đảo chính đã khiến gần 240 người thiệt mạng, hơn 2.100 người bị thương.