Ảnh
TS. Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội
TS. Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết cơ quan này đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn tiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phá sản để có thể thực hiện được quy định phá sản đối với TCTD trong thời gian tới.

Theo bà Nga, về mặt pháp lý Điều 155, Chương VIII Luật các TCTD đã dự liệu tình huống và cho phép mở thủ tục phá sản của các TCTD. Nhưng trong giai đoạn 2011 - 2015 với mục tiêu không để xảy ra đổ vỡ, mất an toàn hoạt động ngân hàng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô... nên chủ trương của Chính phủ là chưa áp dụng phá sản TCTD theo quy định của Luật Phá sản trong thời điểm hiện tại.

Ngày 26/10, Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức tọa đàm "Nhu cầu hoàn thiện pháp luận nhằm thục đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và đáp ứng yêu cầu hội nhập". Tại tọa đàm, bà Nga rằng Luật phá sản 2014 hiện mới có 8 điều quy định sơ lược về thủ tục phá sản TCTD có hiệu lực từ 1/1/2015, trong khi các văn bản hướng dẫn thi hành hầu như chưa được ban hành nên áp dụng ngay cũng khó khả thi.

"Như vậy, giải pháp phù hợp và khả thi nhất tại thời điểm này là NHNN mua bắt buộc các ngân hàng được ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt", bà Nga nhận định.

Theo bà Nga, việc NHNN mua 0 đồng với 3 ngân hàng VNCB, OceanBank, GPBbank là dựa trên cơ sở pháp lý. Còn về xác định giá mua, Điều 5, Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao thẩm quyền cho Thống đốc NHNN quyết định giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của ngân hàng đó, quyết định hình thức mua cổ phần và thời gian thực hiện mua cổ phần.

"Trước đây, khi thấy NHNN mua 3 ngân hàng 0 đồng này tôi cũng rất băn khoăn. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì tôi thấy việc này là hợp lý", bà Nga nhận định.

Song, dưới góc độ pháp lý, bà Nga khuyến nghị chỉ nên coi đây là giải pháp trước mắt, giải pháp tình thế.

"Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF tại Việt Nam) cũng cho rằng giải pháp mua lại bắt buộc 0 đồng với ngân hàng yếu kém của NHNN chỉ nên là bước đi đầu tiên hướng đến khuôn khổ phù hợp về thanh lý và phá sản ngân hàng, thông qua đó, nguyên tắc kỷ luật thị trường được tăng cường đối với cả cổ đông và người gửi tiền", bà Nga khuyến nghị.

Bà Nga dẫn ra Luật Phá sản (mới), được Quốc hội Khóa XIII thông qua và cho rằng luật này đã mở ra hành lang pháp lý cho việc thực hiện các thủ tục phá sản TCTD theo con đường tòa án.

"Đây là phương án cần được tính đến, được các chuyên gia khuyến nghị. Để một ngân hàng phá sản sẽ là một bài học tốt cho cả giới ngân hàng lẫn người dân gửi tiền, một biện pháp hữu hiệu chống lại thói "ỷ thế làm liều" của cả 2 bên.

Hơn nữa, để các TCTD phá sản sẽ công bằng hơn vì như vậy Nhà nước sẽ không phải can thiệp giải cứu dựa trên tiền thuế từ những người dân không được lợi gì từ ngân hàng này (những người dân không phải là cổ đông hay người gửi tiền tại TCTD", bà Nga bình luận.

Về vấn đề này, trong những lần trả lời báo giới, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng cho biết sẽ cho ngân hàng phá sản, tuy nhiên, cần phải có thời gian.

Thực tế cho thấy việc xử lý các TCTD yếu kém trong nhiều năm qua cho thấy vai trò và tính chất nhạy cảm của hoạt động tín dụng ngân hàng đối với nền kinh tế và an ninh chính trị nên yêu cầu đảm bảo an toàn hệ thống, tránh đổ vỡ dây chuyền, giữ ổn định tâm lý cho người gửi tiền luôn được ưu tiền đặt lên hàng đầu.

Tuy vậy, bà Nga cũng gửi tới NHNN một số câu hỏi mà cử tri băn khoăn, đó là, lấy tiền ở đâu? "Với tư cách và địa vị pháp lý vừa là cơ quan quản lý vừa là nhà đầu tư thì việc mua 0 đồng một số ngân hàng có xảy ra tình trạng xung đột lợi ích hay không?"

"Câu hỏi không lấy tiền ngân sách đã được Chánh thanh tra Nguyễn Hữu Nghĩa, Cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN, đã khẳng định. "Tuy nhiên, NHNN cần có câu trả lời cho cử tri về việc một mình đóng 2 vai (vừa sở hữu, vừa giám sát) và giải pháp để giải đáp những băn khoăn của cử tri trong việc xử lý những ngân hàng yếu kém", bà Nga yêu cầu.

Bà Nga cũng nhấn mạnh lại giải pháp mua 0 đồng chỉ là giải pháp tình thế. "Đã là giải pháp tình thế thì không thể áp dụng mãi, vì vậy, về băn khoăn "sao không cho ngân hàng phá sản" của cử tri cũng cần được giải quyết. Có nghĩa, về lâu dài, cần phải cho ngân hàng phá sản", bà Nga bình luận.