Putin at Valdai 2015
© RIA Novosti. Mikhail Voskresenskiy
Bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi vừa qua cho thấy, điều ông nhắc nhở phương Tây 8 năm về trước đã thành hiện thực.

Bài phát biểu Munich 2007, cảnh báo Mỹ và đồng minh

Vladimir Putin - những phát biểu của ông ở Munich 8 năm về trước dường như đã lại được lặp lại ở Sochi, khi những lời nói đó đã trở thành hiện thực. Thật đáng buồn là Tổng thống Nga phải lặp lại một lần nữa những gì mà ông đã nói vào năm 2007 tại Munich.

Sau bài phát biểu của ông Vladimir Putin tại Sochi, người nghe có cảm xúc vừa vui vừa buồn. Nếu phương Tây nghe Putin 8 năm trước mọi chuyện đã khác, Trung Đông đã không khói lửa mù trời, châu Âu đã không phải gánh chịu thảm họa di cư, thế giới đã không loạn lạc đến vậy.

Nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Học viện ngoại giao Nga (MGIMO) Andrey Ivanov nói rằng, bài phát biểu của ông Putin tại Diễn đàn Valdai ở Sochi gợi nhớ lại bài phát biểu của ông tại Diễn đàn quốc tế về các vấn đề an ninh toàn cầu ở Munich năm 2007.

Khi đó, ông Putin đã chỉ trích gay gắt phương Tây, mà đứng đầu là Mỹ, vì họ cố gắng áp đặt ý chí của mình dưới vỏ bọc các giá trị dân chủ, không đếm xỉa tới hệ tư tưởng và nền văn hóa, quan điểm và lợi ích của nhân dân các quốc gia, dân tộc khác.

Họ áp dụng đủ các biện pháp khác nhau, từ các biện pháp "dân chủ" theo kiểu Mỹ đến biện pháp bạo lực, ném bom, phóng tên lửa xuống các quốc gia độc lập để lật đổ bằng được những chính phủ không nghe theo mình.

Ông Putin cảnh báo rằng, thế giới đơn cực là không thể chấp nhận được, và những cố gắng xây dựng thế giới đơn cực chỉ có thể gây ra sự phản đối, mất tin cậy lẫn nhau và sự thù địch.

Bài phát biểu ở Muních đã gây tiếng vang rất lớn. Và bây giờ, thật đáng buồn là trong bài phát biểu của mình tại Diễn đàn Valdai ở Sochi, ông Putin buộc phải lặp lại những điều mà ông đã nói ở Munich 8 năm về trước.

Các chính trị gia phương Tây rất ngạc nhiên khi nhà lãnh đạo của nước Nga, mà họ cho là nước này bị loại ra khỏi chương trình nghị sự quốc tế, tự cho phép mình chống lại các quy tắc do phương Tây thiết lập, vì sau sự sụp đổ của Liên Xô, chỉ có phương Tây mới có quyền áp đặt các quy tắc.

Đáng tiếc, khi đó phương Tây không hưởng ứng lời kêu gọi của ông Putin thiết lập quan hệ đối tác công bằng. Các nước phương Tây vẫn tiếp tục chiến lược mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình, với những cuộc "thử nghiệm dân chủ" ở Nam Tư, Afghanistan, Iraq, cũng như đưa NATO sát gần biên giới của Nga.

Và ở Nga cũng có những người có thái độ tiêu cực với bài phát biểu của ông Putin tại Munich. Họ quả quyết rằng, Tổng thống Nga nói đúng, nhưng lúc đó Moscow chưa đủ sức để tranh chấp với Washington. Điều đáng mừng là, so với 8 năm trước đây, bây giờ ông Putin có sự ủng hộ lớn hơn trên thế giới.

Hiện nay, Nga đã có đủ sức mạnh cần thiết. Điều đó đã thấy được rõ một năm sau Diễn đàn Munich. Vào tháng 8 năm 2008, Nga đã ngăn chặn quân đội Gruzia do các chuyên gia Mỹ huấn luyện, có âm mưu xâm nhập vào lãnh thổ Nam Ossetia.

Bài phát biểu của Putin ở Sochi luận tội phương Tây

Phát biểu tại kỳ họp tổng kết Hội nghị thường niên lần thứ XII của Câu lạc bộ quốc tế Valdai, ông Putin nói rằng, quan hệ của Nga với Mỹ và đồng minh bắt đầu xấu đi từ năm 2008. Sau đó, phương Tây đã cố gắng tẩy chay Thế vận hội Olympic ở Sochi, sau đó tổ chức cuộc đảo chính vũ trang ở Ukraine.

Kết quả là, chính quyền hiện nay của Ukraine bao gồm những người thù ghét Nga, hơn nữa, trong cuộc đấu tranh của nhân dân Donbass, chống chính quyền đảo chính, nhà cầm quyền đã sử dụng cảnh sát bí mật, các băng đảng chủ nghĩa dân tộc và thậm chí các máy bay chiến đấu và quân đội.

Và phương Tây đã hỗ trợ cho chính quyền Kiev đàn áp nhân dân của mình, bất kể nguyện vọng của họ là như thế nào. Và bây giờ, Mỹ và các đồng minh châu Âu, Ả rập của mình đã và đang hỗ trợ cho những kẻ khủng bố tàn ác, chiến đấu chống lại chính phủ hợp pháp của Syria.

Kể từ đó, tình hình trên thế giới đã xấu đi đáng kể: Ukraine đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, hàng trăm ngàn người tị nạn ở Trung Đông, Bắc Phi chạy vào châu Âu, những kẻ khủng bố IS đã chiếm đóng các vùng lãnh thổ rộng lớn ở Trung Đông.

Suốt một năm rưỡi liên minh bao gồm mấy chục nươc do Hoa Kỳ đứng đầu ném bom vào IS, nhưng họ càng ném, tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" dường như càng mạnh hơn, đồng thời mở rộng phạm vi bành trướng và ảnh hưởng của chúng.

Do đó Nga buộc phải bắt đầu chiến dịch chống IS. Đặc biệt là, bởi vì hàng ngàn công dân Nga và các nước CIS đã gia nhập hàng ngũ của những kẻ khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" và có ý định thành lập Caliphate Hồi giáo trên các vùng lãnh thổ của Nga và Trung Á.

Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn nhấn mạnh rằng, hoạt động của không quân Nga ở Syria là hoàn toàn hợp pháp do đích danh chính phủ Syria đề nghị hỗ trợ, việc Nga quyết định khởi động chiến dịch quân sự ở đất nước này cũng là nhằm thúc đẩy hòa bình tại Syria và Trung Đông.

Ông Putin cho biết khi phát biểu tại kỳ họp tổng kết Hội nghị thường niên lần thứ XII của Câu lạc bộ quốc tế Valdai rằng, hoạt động của không quân Nga "sẽ có tác động tích cực đối với tình hình" và giúp chính quyền hợp pháp ở Syria "tạo điều kiện cho hoạt động tìm kiếm một giải pháp chính trị".

Thế nhưng, ngay sau khi các máy bay Nga bắt đầu không kích hiệu quả các cứ điểm của IS ở Syria, thì Nga bắt đầu bị phương Tây bị cáo buộc rằng, các vụ ném bom nhằm vào cái gọi phe đối lập "ôn hòa" và cả thường dân.

Tổng thống Obama đã nói rằng, không thể giải quyết vấn đề bằng những vụ ném bom. Trong khi đó, chính nước Mỹ của ông ta đã bao nhiêu lần giải quyết vấn đề bằng các vụ ném bom, tấn công tên lửa hành trình ở Nam Tư, Iraq và Afghanistan và ngay cả ở Syria?

Bất chấp chiến dịch tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông phương Tây mô tả Nga như một "kẻ xấu" trên thế giới, ở châu Âu, châu Á và bản thân nước Mỹ đang gia tăng số người nghi ngờ về hình ảnh tốt đẹp của trật tự thế giới do Washington áp đặt.

Nhiều người đang đặt ra câu hỏi: Nếu Putin có lý thì sao? Và những công dân Mỹ và châu Âu đang bắt đầu đi tìm đọc những phát biểu của Tổng thống Nga tại Sochi, cũng như bài phát biểu tại Munich, để tìm hiểu xem những điều ông Putin nói hay những tuyên bố của ông Obama là đúng đắn.