A Tupolev Tu-22 M
© Ministry of defence of the Russian Federation / Máy bay ném bom chiến lược Tu-22 M3 của Nga hiện có mặt tại căn cứ không quân Hamadan của Iran
Hãng thông tấn Tasnim dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehgans nêu rõ,"việc tiếp nhận máy bay Nga tại căn cứ không quân tại Hamadan được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác tương hỗ và chống khủng bố theo đề nghị của Chính phủ Syria".

Hôm 16/8, Không quân Nga lần đầu tiên sử dụng sân bay Hamadan của Iran để không kích các cơ sở của các tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và Jabhat Fateh al-Sham. Trước đây khi thực hiện không kích, lực lượng Nga sử dụng máy bay đồn trú tại căn cứ trong sân bay Hmeymim ở Syria.

Với tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Iran, có lẽ Mỹ không còn lý do gì để phản đối việc Nga dùng căn cứ quân sự của Tehran.

Trước đó, Mỹ cáo buộc việc Nga sử dụng căn cứ không quân Hamada (Iran) để không kích các mục tiêu khủng bố Hồi giáo IS và Jabhat al-Nusra ở Syria của Nga có thể vi phạm Nghị quyết số 2231 của Hội đồng Bảo an LHQ.

Nghị quyết số 2231 của LHQ đề cập đến chương trình hạt nhân của Iran và trong đó nghiêm cấm việc cung cấp, bán và chuyển giao các máy bay chiến đấu cho Tehran.

Tuy nhiên, phía Nga đã có sự đáp trả khôn ngoan khi "mời" Mỹ kiểm tra kiến thức chuyên ngành về luật pháp quốc tế.

"Khi đưa ra tuyên bố như vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ nên bắt đầu bằng sự hiểu biết cặn kẽ Nghị quyết 2331 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vốn yêu cầu ý kiến thống nhất trong hội đồng về việc bán, bàn giao và sử dụng máy bay chiến đấu ở Iran", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov nói.

Thiếu tướng Konashenkov thậm chí còn bắt bẻ lại phía Mỹ khi chính Washington sử dụng căn cứ quân sự Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ để tấn công một quốc gia có chủ quyền là Syria chứ không chỉ là lực lượng phiến quân, phe nổi dậy, hay khủng bố ôn hòa đi nữa.

Theo đánh giá của giới phân tích chính trị, nhờ thỏa thuận với Tehran, Moscow đã có thêm không gian thực hiện các kịch bản quân sự tại Syria và tăng cường sức mạnh quân sự của mình ở Trung Đông, đồng thời mở rộng ảnh hưởng chính trị ở khu vực này.

Tuy nhiên, dù thể hiện 'tình thân mến thân' với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria nhưng Iran lại không có ý định mua các hệ thống tên lửa S-400 hay Antei-2500 của Nga dù được mời chào.

Ngày 20/8, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan tuyên bố nước này đã nhận được lời mời chào của Nga về việc cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không S-400 hoặc Antei-2500 thay thế hệ thống S-300. Tuy vậy, ông Dehghan khẳng định Iran đã từ chối.

Nga hiện vẫn chưa giao đủ số lượng tên lửa S-300 cho Iran. Hợp đồng trị giá 800 triệu USD được 2 nước ký vào năm 2007 nhưng bị hoãn sau khi Hội đồng Bảo an LHQ ra nghị quyết trừng phạt Iran vào năm 2010.

Năm 2011, Iran gửi đơn lên toà trọng tài Geneva (Thuỵ Sĩ) về quyết định hoãn hợp đồng của Nga. Đến tháng 4/2015, sau khi Iran và các nước P5+1 đạt được thoả thuận khung về chương trình hạt nhân của nước này, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao S-300 cho Iran.

Tehran sau đó cũng huỷ vụ kiện đối với Nga, trong khi Nga đã hoàn thành một nửa hợp đồng. Tuy vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Dehghan nói rằng Iran vẫn có quyền khởi kiện nếu Nga không hoàn thành hợp đồng. Ông Sergei Chemezon, Tổng Giám đốc Tập đoàn quốc phòng Rostec (Nga) thông báo Nga sẽ hoàn tất hợp đồng cung cấp S-300 cho Iran trong năm nay.

Người phát ngôn Uỷ ban an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại thuộc quốc hội Iran Hossein Naghavi Hosseini, cho biết phần lớn hệ thống tên lửa S-300 trong hợp đồng đã được giao và được quân đội Iran triển khai sử dụng, binh lính vận hành hệ thống S-300 cũng đang được huấn luyện cần thiết.