Ảnh
© Bộ Quốc phòng Mỹ/ReutersTàu khu trục USS Lassen của Hải quân Mỹ
Trung Quốc vẫn sẽ thể hiện sự phản đối "vừa phải" về những chuyến tuần tra thường xuyên sắp tới của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông, và khó có xảy ra xung đột vũ trang, GS Carl Thayer trả lời Thanh Niên Online.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 27.10 tuyên bố rằng các cơ quan chức năng nước này theo dõi và cảnh báo tàu khu trục USS Lassen về việc xâm nhập "bất hợp pháp" vào các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà "không có sự cho phép của chính phủ Trung Quốc", Reuters ngày 27.10 cho biết.

Không có phản ứng thái quá

Các hãng tin và báo chí quốc tế trước đó đều nhận định động thái của Mỹ lần này nhằm "thử" Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền phi lý và cách Bắc Kinh đặt ra giới hạn 12 hải lý tại các đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở Biển Đông.

"Lý do thực sự cho sự xuất hiện của tàu USS Lassen là nhằm thách thức mọi tuyên bố chủ quyền quanh các đảo nhân tạo và không phận trên Biển Đông", Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á, Trung Quốc, Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc, nói với Thanh Niên Online.

Phát ngôn viên của Nhà Trắng John Earnest không nêu rõ hoạt động cụ thể của Mỹ, song cho biết Washington mong muốn làm rõ về tầm quan trọng của tự do thương mại trên Biển Đông, theo Reuters.

Trước việc Mỹ đưa tàu vào các khu vực do Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định sẽ "phản ứng quyết liệt với bất kỳ hành động khiêu khích có chủ ý nào", nhưng không đề cập tới vị trí của các tàu Mỹ, Reuters cho biết.

Phát biểu tại Bắc Kinh vào chiều 27.10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng nói Trung Quốc không hài lòng với hành động của Mỹ, nhưng từ chối nói về một phản ứng quân sự. Thay vào đó, ông ta nói "hy vọng phía Mỹ cũng không có hành động gây phản tác dụng", theo The Guardian.

Chỉ là những màn thể hiện

Tính đến chiều ngày 27.10, Trung Quốc đã có một số động thái mới sau khi triệu tập Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Max Baucus, và cáo buộc Washington có những hành động "cực kỳ vô trách nhiệm" thể hiện qua chuyến tuần tra của tàu USS Lassen.

Tuy nhiên, tất cả đều dừng lại ở những lời kêu gọi, và trước đó Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết hành động vừa qua sẽ lặp lại, không phải một "sự kiện lạ lẫm" đối với Trung Quốc.

Trả lời Thanh Niên Online, Giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng tình hình trong khu vực sẽ không căng thẳng lâu dài qua sự kiện này. "Việc Mỹ điều tàu tuần tra khu vực sẽ không kéo theo hậu quả gì. Nó sẽ tiếp diễn và Trung Quốc sẽ tiếp tục cảnh báo. Có một nguy cơ đối đầu trên biển nhưng hai bên sẽ ngăn chặn điều này xảy ra. Cả hai đều không muốn mất mặt", Giáo sư Thayer nhận định.

Thêm một chi tiết nữa cho thấy sẽ khó có trường hợp xảy ra xung đột quân sự là việc Trung Quốc cũng sử dụng tàu tuần tra của Cảnh sát biển để theo dõi diễn biến. Giáo sư Carl Thayer nói thêm rằng sẽ không có chuyện tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc dám thách thức một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ.

"Những con tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc có thể được sử dụng cho các mục đích tuyên truyền, nhằm hiển thị hình ảnh tàu chiến Mỹ đi gần một tàu dân sự của Trung Quốc. Tàu của Cảnh sát biển cũng được vũ trang, nhưng không có chuyện họ hay các tàu chiến của Trung Quốc sẽ đối đầu tàu Mỹ", ông nói thêm. Điều này cũng được ông Chu Phong, giám đốc Trung tâm Hợp tác nghiên cứu về Biển Đông của Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), đồng tình. Ông cho biết mình hy vọng sẽ thấy Bắc Kinh hạn chế phản ứng, vì sau cùng họ cũng không hề muốn có cuộc đối đầu nào. "Cả hai sẽ khá mạnh mẽ trong lời nói, nhưng về mặt hành động, tôi hy vọng rằng sẽ có dấu hiệu của sự kiềm chế", Reuters dẫn lời ông Chu.