German riot police
© Vincent Kessler / Reuters
Đài RT của Nga mới đây dẫn thông tin từ Nhật báo Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung (FAS) của Đức hôm 21/8 tiết lộ về các yêu cầu của Chính phủ Đức đối với người dân trong các điều kiện phòng vệ.

Theo đó, trong trang báo cáo dài 69 trang, Bộ Nội vụ Đức đã đưa ra các yêu cầu "Nguyên tắc phòng vệ dân sự" ghi rõ: "Người dân sẽ phải tích trữ lương thực đủ để tồn tại trong 10 ngày" và nước uống tích đủ trong 5 ngày.

Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ Đức, bản kế hoạch này đã được đệ trình lên một ủy ban chuyên trách của quốc hội xem xét, thảo luận và trình lên Bộ trưởng nội vụ vào ngày 17/8.

Mặc dù hiện tại chưa có cuộc tấn công khủng bố nào ở Đức, tuy nhiên báo cáo cho rằng người dân cần "có sự chuẩn bị phù hợp trước những diễn biến có thể đe dọa tới sự tồn tại của chúng ta và chắc chắn không thể loại trừ trong tương lai".

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Thomas de Maiziere cũng khẳng định rằng hiện chính phủ Đức cũng đang phối hợp hội chữ thập đỏ, lực lượng an ninh kết hợp chặt chẽ với cảnh sát để chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn.

Vị bộ trưởng này tiếp tục nhấn mạnh rằng nhu cầu dự trữ thức ăn, nước uống của người dân Đức là tối cần thiết, bởi rõ ràng, nếu một cuộc tấn công khủng bố xảy ra, nó sẽ làm tổn hại đến cơ sở hạ tầng như hỏng đường điện, nước hoặc là tắc nghẽn giao thông, bị cô lập trong thời gian một tuần hoặc lâu hơn.

Bên cạnh đó, tài liệu kết luận, người dân cũng nên hỗ trợ nhiều hơn cho lực lượng vũ trang Đức.

Đây là lần đầu tiên kể từ giai đoạn Chiến tranh lạnh, chính phủ Đức phải yêu cầu người dân áp dụng những biện pháp phòng vệ này.

Động thái này rất có thể liên quan tới hai vụ tấn công của những kẻ Hồi giáo cực đoan vừa qua và vụ xả súng hàng loạt của một thiếu niên có biểu hiện bất ổn tâm thần tháng trước.

Vụ việc thảm khốc nhất xảy ra ở Munich khi một thanh niên 18 tuổi sử dụng súng lục Glock 17 để giết chết 9 người và làm 17 người khác bị thương. Trong cặp của đối tượng này còn mang theo tới 300 viên đạn.

Theo Frankfurther Allgemeine Sonntagszeitung, các cuộc tấn công khủng bố gần đây có thể liên quan tới chính sách mở cửa nhập cư của thủ tướng Angela Merkel đối với người tị nạn từ Trung Đông. Chính sách này đã khiến mức độ yêu thích của người dân Đức với bà Merkel giảm xuống thấp nhất trong lịch sử với 65% phiếu bầu bất mãn với quyết định của bà.

Tuy nhiên nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine lại nói rằng bản kế hoạch phòng vệ an ninh này đã được khởi thảo từ đầu năm 2012.

Thông tin này đưa ra giữa lúc Đức đang tăng cường các động thái đảm bảo an ninh quốc gia.

Hôm 21/8 vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ Đức cũng khẳng định Đức sẽ sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt tại các ga tàu hỏa và sân bay để giúp nhận diện các đối tượng bị tình nghi khủng bố.

Ông Maiziere cho biết hiện có phần mềm kết nối mạng Internet có thể xác định những người trong các bức ảnh là cảnh sát hay người nổi tiếng.

Do đó, Đức muốn công nghệ nhận dạng khuôn mặt này sẽ được cài đặt vào các camera tại nhiều sân bay và nhà ga, nơi có đông người tụ tập trên cả nước. Ông Maiziere cho biết nếu đối tượng tình nghi xuất hiện, phần mềm này sẽ nhanh chóng phát hiện và báo động cho toàn hệ thống.

Bộ trưởng Nội vụ Đức cho biết một hệ thống tương tự cũng đã được thử nghiệm để phát hiện các hành lý vô chủ, chỉ vài phút sau khi camera thông báo thông tin.

Chính những bất ổn an ninh gần đây khiến tâm lý người dân Đức lo lắng. Cảnh sát Đức cho biết, đơn yêu cầu cấp giấy phép sử dụng vũ khí tự vệ đã đạt mức kỉ lục trong năm 2016. Người dân muốn mua vũ khí đến từ mọi tầng lớp trong xã hội từ công nhân cho tới tri thức.

Cơ quan này cho biết, đến tháng 6/2016, có khoảng 402.301 lượt yêu cầu cấp phép sở hữu vũ khí hạng nhẹ. Con số này cao hơn 50% so với năm 2015, với chỉ 270.000 lượt yêu cầu.