Nord Stream-2 pipeline
© WikipediaDự án Dòng chảy Phương Bắc 2
Trong khi Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ chưa thông thì Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga tiếp tục gặp khó bởi bàn tay của Mỹ. Sau những nỗ lực mượn tay Ba Lan để ngăn chặn Dòng chảy phương Bắc 2 thất bại, Mỹ bắt đầu tìm những cách khác.

Theo tờ Svenska Dagblade của Thụy Điển, Phó Tổng thống Mỹ Biden sẽ thuyết phục Thụy Điển từ chối cấp phép xây dựng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.

Phía Mỹ cho rằng, đường ống dẫn khí đóng vai trò quan trọng đối với Nga trong việc "chia cắt các nước châu Âu đang cần nguồn cung cấp khí đốt của Nga", cũng như có thể "lấy đi nguồn doanh thu của Ukraine trong tương lai từ việc quá cảnh khí đốt", tờ Svenska Dagblade nhận xét.

Tờ báo cũng xác định việc ông Biden thông báo tại Stockholm rằng, Dòng chảy phương Bắc 2 là một vụ việc xấu đối với châu Âu.

Mặt khác, tờ báo khẳng định rằng, không có dấu hiệu cho thấy Thụy Điển có bất kỳ động thái nào nhằm ngăn cản việc xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2. Hiện tại việc triển khai đường ống dẫn khí vẫn đang trong quá trình tiến hành phê duyệt.

Rõ ràng là Mỹ hiểu rằng, Ba Lan không thể dễ dàng ngăn chặn Dòng chảy phương Bắc 2 như những toan tính của Mỹ, vì vậy Mỹ quyết định triển khai phương án B: phá hoại dự án của Nga thông qua Thụy Điển.

Trước đó, Mỹ đã nhiều lần "bắn tiếng" rằng dự án này nếu được thực hiện sẽ khiến Ukraine mất đi 2 tỷ USD thu nhập từ việc trung chuyển khí đốt của Nga và EU sẽ phải có trách nhiệm bù đắp lượng tiền Ukraine bị thất thu).

Tuy nhiên, đối với Thụy Điển vấn đề có thể nghiêm trọng hơn, bởi vì khác với Ba Lan, Dòng chảy phương Bắc 2 đi qua lãnh hải của Thụy Điển.

Tờ Quan điểm của Nga dẫn lời giám đốc điều hành Quỹ an ninh năng lượng quốc gia Konstantin Simonov, cho biết:

"Chúng ta không thể không đàm phán với Thụy Điển. Mối đe dọa này đặc biệt nghiêm trọng hơn câu chuyện với Ba Lan. Nếu không được sự cho phép của Thụy Điển thì sẽ không thể xây dựng phần đường ống dưới biển trong lãnh hải của Thụy Điển. Rất khó để thay đổi lộ trình và đi vòng qua Thụy Điển. Bạn không thể đặt đường ống qua Bắc Băng Dương. Từ St. Peterburg phải đi qua eo biển và từ biển Baltic đến Đức".

Ông Simonov tin rằng, với bất kỳ lý do gì mà Thụy Điển đưa ra để từ chối thỏa thuận dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ được hiểu là xuất phát từ động cơ chính trị và bị áp đặt từ bên ngoài.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa Nga và Đức để xây dựng 2 nhánh đường ống dẫn khí đốt từ Nga chạy qua biển Baltic sang Đức với tổng công suất 55 tỷ mét khối/năm. Dự án này được các bên liên quan ký kết ngày 4/9/2015.

Dự án này được thực hiện sẽ là đảm bảo quan trọng cho nguồn cung khí đốt từ Nga sang EU được thông suốt mà không phụ thuộc vào tình trạng quan hệ giữa Nga với Ukraine.

Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tắc

Trong lúc Dòng chảy phương Bắc 2 vấp phải sự đối phó của Mỹ thì Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ cũng chưa chính thức được nối lại dù trong cuộc hội đàm mới đây với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định rằng dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thực hiện.

Bản thân EU cũng đang đứng ngồi không yên và có thể tìm cách cản trở Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ bởi khối này cho rằng đường ống mới sẽ củng cố vị thế của Moscow.

Theo Brussels, sau khi khai trương Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine sẽ mất cơ chế trung chuyển khí đốt sang châu Âu, sự phụ thuộc của EU vào Gazprom sẽ tăng lên, và nguồn cung cấp khí đốt thay thế từ khu vực Caspian sẽ bị chặn.

Trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Kadir Has ở TP Istanbul, Akin Unver, cho biết quan hệ gần gũi hơn giữa Ankara và Moscow có thể gây phiền hà cho châu Âu:

"EU muốn đa dạng hóa các nhà cung cấp và liên kết dòng chảy khí đốt ở phía Đông Địa Trung Hải đến châu Âu trong thời gian dài. Tuy nhiên, một đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) đang được triển khai và điều này có thể gây ảnh hưởng đến tham vọng của EU".