russian far east
© Sputnik/ PrihodkoVùng Viễn Đông của Nga - mảnh đất hoang sơ nhưng đầy hứa hẹn
Vladivostok, thủ phủ vùng Viễn Đông Nga, thành phố kết nghĩa với Hải Phòng của Việt Nam, một lần nữa là nơi tiến hành sự kiện tầm cỡ - Diễn đàn Kinh tế Đông lần thứ II.

Đáng chú ý là, một trong sáu thứ ngôn ngữ làm việc của EEF-2016 — là tiếng Việt (cùng với tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung và tiếng Hàn).

Ngay từ Diễn đàn Đại học ngày 01 tháng Chín, danh xưng "Việt Nam" được nhắc tới nhiều lần trong các báo cáo của các diễn giả, nhất là đại diện các Viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo và các chuyên viên khoa học.

Ông Huỳnh Minh Chính, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vladivostok đánh giá: "Diễn đàn Kinh tế phương Đông diễn ra ở Vladivostok lần thứ hai. Việc tổ chức Diễn đàn chứng tỏ mối quan tâm rất cao của Chính phủ Nga trong việc phát triển kinh tế-xã hội vùng Viễn Đông. Việt Nam cũng hết sức coi trọng Diễn đàn này. Chúng ta theo dõi chặt chẽ và tham gia đầy đủ cả hai lần Diễn đàn. Việt Nam nghiên cứu xem xét tất cả các cơ hội khả năng để trên cơ sở quan hệ truyền thống từ trước tới nay sẽ đưa hiệu quả hợp tác giữa hai nước lên cao hơn nữa phục vụ lợi ích chung cho cả hai bên".

Theo mạch chủ để này, nhà báo Sputnik đã có dịp trao đổi với một đại diện Việt Nam là ông Vũ Quang Minh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh, hiện là Trợ lý Bộ trưởng kiêm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam. Tham dự Diễn đàn lớn trên đảo Russky, chuyên viên Vũ Quang Minh rất hứng khởi về những thu nhận mới mẻ từ cuộc gặp quốc tế này. Theo ông, Diễn đàn khơi mở rất nhiều ý tưởng mới và thú vị trên bình diện hợp tác kinh tế-thương mại. Đánh giá cao tầm quan trọng của Diễn đàn Kinh tế Đông, ông nhận xét "Diễn đàn này nói nôm na giống như phiên chợ ý tưởng, ném đưa ra những ý tưởng kinh tế quan trọng, một không gian liên kết Á-Âu từ Lisbon đến Vladivostok. Không những thế còn mở rộng liên kết với ASEAN và một không gian nữa rất thú vị là đánh giá triển vọng của TPP — dù còn ý kiến này khác — nhưng từ đây có đề xuất thú vị là nên chăng tạo lập không gian nữa tương tự là Bắc Thái Bình Dương NTP, với những nền kinh tế chủ chốt như Mỹ, Nga, Nhật, Hàn Quốc... Nếu có được sự liên kết Á-Âu như vậy sẽ bao trùm trọn vẹn không gian kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương".

Ông Nguyễn Hồng Thành, Lãnh sự phụ trách các vấn đề Kinh tế-Thương mại của Việt Nam tại Vladivostok đánh giá rằng Viễn Đông là khu vực thu hút đầu tư sôi động nhất ở Nga, hầu như đều đăng ký những dự án mới, trong bối cảnh quan tâm phát triển cùng nhiều chủ trương ưu đãi của phía Nga về thuế suất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... Ngoài ba nhà đầu tư lớn là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, còn nhiều nước khác như Ấn Độ, Thái Lan cũng tích cực đầu tư vào khu vực Viễn Đông của Nga. Thế nhưng riêng với Việt Nam thì quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư với Viễn Đông còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai bên. Nguyên nhân chính của hiện trạng này, theo ông Nguyễn Hồng Thành, là trở ngại tiếp cận thông tin chưa đầy đủ về nhau. Từ đó, Lãnh sự Kinh tế-Thương mại Việt Nam tại Vladivostok nêu mong muốn có được cơ chế tạo lập cầu nối thông tin giữa Việt Nam và Viễn Đông để đẩy mạnh quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư.

Tin chắc rằng niềm hứng khởi và bài học thực tế từ Diễn đàn Kinh tế Đông 2016 cũng như nguyện vọng của các chuyên viên và doanh nghiệp sẽ chuyển biến trở thành hiện thực bước tiến mới trong quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư của Việt Nam và vùng Viễn Đông của Nga.