Roboter-Journalist
© Flickr/The People Speak!
Từ trước đến nay, tôi vẫn luôn tự tin rằng chọn công việc viết lách là con đường khá an toàn bởi tôi chắc chắn tránh được cuộc xâm lăng của robot. Cho dù hầu hết những người viết lách như tôi đều là dân freelance/blogger và thường "quẩy" 3-4 nghề một lúc để kiếm sống thì ít nhất những gì họ làm cũng thuộc về lĩnh vực sáng tạo chứ không phải kiểu rập khuôn để robot có thể thay thế.

Thế nhưng rốt cuộc tôi đã sai. Đoàn quân robot hóa ra không nhân đạo như tôi tưởng: Chúng đang nhanh chóng cướp mất cả việc làm của giới nhà báo chúng tôi.

Quy mô ngành công nghiệp báo chí đã và đang tụt giảm ở mức độ nhanh chưa từng thấy. Ngay cả mảng đang lên là truyền thông số cũng đang có vẻ thu hẹp nhanh chóng trong năm nay.

Tuy nhiên, những gì tôi lo sợ vẫn chưa lên đến đỉnh điểm cho đến khi vô tình đọc được câu chuyện rùng rợn mang tên "Sự trỗi dậy của robot" của Jeff Cummings.

Đoạn mở đầu chương 5 của câu chuyện có mô tả về một giải đấu bóng chày:
"Ngày 11/10/2009, đội Los Angeles Angels đã giành thế áp đảo trước đội Boston Red Sox và sẽ tiếp tục gặp New York Yankees tại giải League Championship cũng như có được tấm vé vào World Series. Đây thực sự là một chiến thắng đầy ý nghĩa đối với các "thiên thần" Los Angeles bởi chỉ mới 6 tháng trước đây thôi, một trong những tuyển thủ xuất sắc nhất của họ, Nick Adenhart, đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn giao thông."
Đoạn thứ hai lại có vẻ như là phần bình luận của một nhà báo về trận cầu này:
"Mọi thứ có vẻ như khá ảm đạm với đội Angels khi sau bị theo sát lượt giao bóng thứ 9, thế nhưng Los Angeles đã lấy lại được phong độ nhờ "chiếc chìa khóa" Vladamir Guerreto, giành chiến thắng chung cuộc 7-6 trên sân Fenway Park vào chủ nhật vừa qua...

Phát biểu sau chiến thắng, Guerreto cho biết: "Tôi muốn dâng tặng chiến thắng này cho một cựu thành viên của đội bóng - Nick Adenhart - người đồng đội vừa qua đời của chúng tôi." Guerrero đã thể hiện rất tốt trong suốt cả mùa giải, đặc biệt là trên những trận giao đấu. Anh đã thực hiện được 5 cú homerun trong 26 trận vừa qua..."
Tôi không cảm thấy vấn đề gì với bài báo này, thế nhưng đã bị Jeff Cummings, tác giả câu chuyện, ngay lập tức dội cho một gáo nước lạnh bằng sự thật phũ phàng: Một robot - nói đúng hơn là một thuật toán - đã viết ra những dòng trên, và cho dù lời lẽ cũng không đến mức đoạt nổi giải Pulitzer thì tôi cũng phải công nhận là nó đã làm việc quá tuyệt vời. Bài viết rất dễ đọc, không mắc lỗi ngữ pháp, câu cú chảy theo dòng khá mượt mà theo đúng cấu trúc: phần dẫn, giải thích thông tin, trích dẫn từ nhân vật nào đó và cuối cùng là đoạn kết cũng chứa đựng nhiều thông tin gợi mở - quả là chính xác tuyệt đối.

Đây chính là một trong những ví dụ đầu tiên mở đường cho cái gọi là "báo chí tự động" - dù không quá văn vẻ như cách con người viết nhưng lại luôn đúng quy tắc và hoàn toàn không mắc lỗi sai. "Báo chí tự động" sẽ đặc biệt hữu dụng vào những khoảng thời gian nhu cầu tin tức dâng cao mà độc giả cũng không hề muốn phải trả nhiều tiền để đọc tin.

Bài báo thể thao trên được viết bởi phần mềm Stats Monkey do các sinh viên và nghiên cứu sinh tại Đại học Northwestern, Mỹ phát triển. Phần mềm này được thiết kế để có thể tự động tường thuật thể thao bằng cách xâu chuỗi các dữ liệu thực tế vào thành một câu chuyện có cấu trúc rõ ràng theo cách các ký giả thường làm. Thế nhưng với tôi, hiện thực còn phũ phàng hơn nữa bởi Stats Monkey mới đang ở giai đoạn thử nghiệm ban đầu.

Năm 2010, sau khi nhận vốn đầu tư, công ty Narrative Science Inc. đã được thành lập để thương mại hóa công nghệ của Stats Monkey. Narrative Science đã thuê về những kỹ sư khoa học máy tính hàng đầu để phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ hơn rất nhiều là Quill - hay còn gọi là Skynet - "chúa tể" robot tiếp theo của con người.

Ngày nay, công nghệ của Narrative Science đã được nhiều trang tin hàng đầu, trong đó có cả Forbes, sử dụng để cho ra những bài báo tự động về đủ các lĩnh vực từ thể thao, kinh doanh cho đến chính trị. Thuật toán có thể cho ra một bài báo/câu chuyện mới chỉ sau 30 giây, trong khi thông thường một ký giả như tôi nhanh lắm cũng phải mất 30 phút mới viết xong được một bài. Những câu chuyện được phần mềm AI viết vẫn đang được chia sẻ khắp các mặt báo và mạng xã hội mà không hề ghi chú là do robot viết nên độc giả có lẽ khó phân biệt được.

Christian Hammond, nhà đồng sáng lập của Narrative Science thậm chí còn tin chắc rằng chỉ trong vòng 15 năm tới đây thôi, 90% số bài báo chúng ta đọc hàng ngày sẽ được viết bởi các thuật toán AI.

Đến đây thì tôi bắt đầu cảm thấy khó thở: Robot đang trên đà thắng thế thật sự!

Không chỉ tôi là kẻ phải chịu trận đâu. Bạn, và có lẽ là hàng triệu lao động trình độ cử nhân khác cũng sẽ sớm chịu chung số phận, bởi kỷ nguyên robot đang đến gần hơn bao giờ hết.

Quay lại câu chuyện "Sự trỗi dậy của robot" tôi vừa nhắc đến, lý do mà chương 5 của truyện được đặt tên "Giới cổ cồn trắng đang chuẩn bị mất việc" chứ không phải "Giới nhà báo sắp mất việc" là bởi những thuật toán được Narrative Science hay các công ty khác phát triển để bắt chước kỹ năng phân tích và tường thuật của các ký giả cũng sẽ sớm lấy mất việc làm của lao động các ngành nghề đòi hỏi phân tích, sáng tạo.

Bản thân Narrative Science hiện cũng đang nhắm đến công việc của các chuyên gia trong lĩnh vực phân tích tài chính, bảo hiểm, chính sách công hay thương mại điện tử.

Chính vì vậy mà tôi buộc phải nhắc lại sự thật này: Tất cả chúng ta sẽ sớm trở thành nạn nhân của robot. Có thể chúng ta sẽ phải sống nhờ trợ cấp thất nghiệp hay mức thu nhập tối thiểu toàn cầu trước khi Quill/Skynet "thuê" lại chúng ta sản xuất pin cho chúng.

Điều cuối cùng các bạn có lẽ nên tự nhắn nhủ mình lúc này là: Hãy đâm vào ngành nghề gì robot khó chiếm dụng nhất!