Ảnh
© Host Photo AgencyTổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani trong Hội nghị thượng đỉnh tổ chức hợp tác Thượng Hải diễn ra ở Ufa, Nga ngày 10/7/2015
Nga thay thế vị trí của Mỹ ở Trung Đông

Dailymail ngày 27/10 cho biết Tổng thống Ashraf Ghani đã đề nghị chính phủ Nga hỗ trợ bộ binh, vũ khí hạng nhẹ và trực thăng chiến đấu Mi-35 để nâng cấp quân đội nước này. Lời đề nghị trên được đưa ra trong thời điểm an ninh đất nước Afghanistan đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi băng nhóm khủng bố Taliban.

Đại sứ Nga tại Afghanistan, ông Alexander Mantytskiy cho biết chính phủ Nga hiện đang cân nhắc đề nghị trên. Ông nói: "chúng tôi sẽ hỗ trợ, nhưng điều này không đồng nghĩa với sự hiện diện của bất cứ một binh sĩ liên bang Nga nào tại Afghanistan."

Để thúc đẩy một giải pháp cho những vấn đề căng thẳng trong nước, Phó Tổng thống Afghanistan Abdul Rashid Dostum đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và các quan chức khác tại Moscow tháng này để bàn bạc về các biện pháp trợ giúp khả thi.

Ông Sultan Faizy, phát ngôn viên đại diện cho ông Dostum nói rằng "ông Dostum muốn Nga chú ý hơn một chút tới tình hình hiện nay ở Afghanistan" và rất lạc quan về những nội dung trong buổi gặp gỡ giữa hai bên.

"Miền Bắc Afghanistan và các quốc gia láng giềng của Nga đang bị đe dọa - đó là lí do vì sao Nga sẽ giúp đỡ chúng tôi".

Ngoài phiên họp với các quan chức Bộ quốc phòng Nga, ông Dostum còn gặp Ramzan Kadyrov, lãnh đạo thân Nga của nước cộng hòa Chechen tại điện Kremlin.

Ông Kadyrov khẳng định: "Kabul cần sự hỗ trợ của Nga, giống như Syria vậy. Chúng tôi đảm bảo rằng lãnh đạo Nga sẽ phản hồi thoả đáng với đề nghị này."

Afghanistan vốn là đồng minh thân cận của Mỹ. Ngày 07/10/2001, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã chính thức phát động cuộc chiến chống khủng bố tại quốc gia này. Tuy nhiên sau 14 năm Afghanistan vẫn chìm trong bất ổn.

Tình trạng xung đột liên tục tiếp diễn, kinh tế suy thoái, đói nghèo bủa vây khiến cho chính quyền tổng thống Ashraf Ghani không thể lạc quan và mất dần niềm tin vào Mỹ và các nước đồng minh. Cùng với đó, Afghanistan đã chuyển sự chú ý sang Nga sau khi chứng kiến màn trình diễn đầy thuyết phục của quốc gia này trong cuộc chiến chống phiến quân IS tại Syria từ ngày 30/9 vừa qua.

Có thể thấy rằng chỉ trong thời gian ngắn, quyền lực ở Trung Đông đã có sự xê dịch lớn. Trong khi Nga được tung hô, ngợi ca như những người hùng thì uy tín và ảnh hưởng của Mỹ đã bị sụt giảm nghiêm trọng.

Chính quyền và người dân Syria, Iraq, Iran đều tuyệt đối tin tưởng vào các kế hoạch không kích và nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị của Nga, cho rằng sự hiện diện của Moskva chính là chìa khóa giải quyết các vấn đề bất ổn, xung đột đang kéo dài tại khu vực này.

Trước đó, phía Hoa Kỳ đã cố gắng rút chân khỏi Trung Đông tuy nhiên chiến dịch không kích của Nga tại Syria đã khiến tổng thống Mỹ Barack Obama ngừng thực hiện việc rút quân tại Afghanistan. Theo nhiều nhà phân tích, ông Obama lo ngại Nga sẽ thế chân Mỹ tại Afghanistan.

Cái giá Nga sẽ phải trả

Liên quan tới đề nghị trên, tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Nga sẵn sàng trợ giúp Afghanistan về mặt quốc phòng.

Một quan chức khác của điện Kremlin cũng thông tin với báo chí rằng Moskva sẽ giúp Tajikistan bảo vệ biên giới nhằm ngăn ngừa khủng bố xâm nhập, do hiện tại Taliban đang hoạt động mạnh lên tại Kunduz, một tỉnh của Afghanistan áp sát biên giới Tajikistan.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định việc Nga giúp đỡ lực lượng Afghanistan sẽ là hành động "thêm dầu vào lửa", vì điều này cho thấy Tổng thống Putin đang cố gắng củng cố hơn nữa quyền lực của nước Nga tại vị - vốn đã chất chứa quá nhiều mâu thuẫn với phương Tây.


Nhận xét: Đây là một nhận xét kỳ lạ. Nếu Nga nhận lời giúp đỡ Afghanistan chống khủng bố sau khi tổng thống đương nhiệm của nước này yêu cầu, đó là điều hoàn toàn hợp lý hợp tình. Tại sao lại là "thêm dầu vào lửa" và "củng cố quyền lực"?


Mỹ và đồng minh trước nay hoàn toàn nắm quyền chi phối các hoạt động quân sự tại Afghanistan. Việc Nga hỗ trợ bộ binh, vũ khí hạng nhẹ và trực thăng chiến đấu Mi-35 để nâng cấp quân đội nước này, dường như là một gáo nước lạnh dập tắt hết những nỗ lực Mỹ cố gắng duy trì từ lâu tại đây. Chắc chắn Washington sẽ có những hành động đáp trả để bảo vệ quyền lợi của mình.


Nhận xét: Một nhận xét kỳ lạ nữa. Tại sao việc Nga hỗ trợ quân đội Afghanistan chống khủng bố lại "dập tắt hết những nỗ lực của Mỹ từ lâu nay"? Trừ phi những nỗ lực ấy là đi ngược lại việc chống khủng bố, như đã thể hiện ở Syria?


Mặt khác, khi đồng ý giúp đỡ chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani, Moskva sẽ phải đối đầu với nhóm khủng bố nguy hiểm Taliban. Một khi bị dồn vào đường cùng, lực lượng này hoàn toàn có thể nhằm vào Nga để trả thù.


Nhận xét: Cả thế giới đã biết rằng lực lượng khủng bố ở Trung Đông là do phương Tây, đứng đầu là Mỹ tạo ra. Cả thế giới cũng biết rằng các quốc gia đang bị khủng bố hoành hành lúc đầu chẳng làm gì "đối đầu" với chúng. Đối với một tên côn đồ chuyên ăn hiếp người khác, co mình ẩn nấp không phải là cách đảm bảo an toàn cho bản thân.


Thực tế, từ khi đẩy mạnh không kích nhóm phần tử phiến quân IS, chính quyền tổng thống Putin đã nhiều lần nhận được lời đe dọa tấn công Moskva từ nhóm khủng bố Syria. Người đứng đầu điện Kremlin cũng bày tỏ lo ngại về hành động liều lĩnh của lực lượng phiến quân.

Một lý do khác là kinh tế. Nga vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn dồn dập về kinh tế do lệnh trừng phạt của phương Tây, cùng với giá dầu chưa có dấu hiệu phục hồi.


Nhận xét: Tác giả bài viết quên không nói thêm rằng lệnh trừng phạt của phương Tây ấy dựa trên những lý do hoàn toàn bịa đặt; còn giá dầu suy giảm là do Ả Rập Xê Út thông đồng với Mỹ bán phá giá để đánh quỵ nền kinh tế Nga.


Còn nhớ, trong thế kỷ trước, Nga từng sa lầy ở Afghanistan khi đưa quân và vũ khí đến đây. Lần cuối cùng Hồng quân Liên Xô hiện diện tại đất nước này là vào năm 1989. Kinh nghiệm từ những thất bại trước đó sẽ là một trong những lý do để Nga cân nhắc việc đáp lại lời đề nghị giúp đỡ từ chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani.