Palestinian child throwing stone at Israeli tank
Gói viện trợ của Hoa Kỳ sẽ được dùng vào những việc như thế này
Mỹ và Israel đã ký một thỏa thuận viện trợ quốc phòng vào ngày 14.9 (giờ địa phương), trong đó Israel sẽ nhận được các khoản viện trợ trị giá 38 tỉ USD trong vòng 10 năm, từ năm 2019 đến năm 2028. Tuy nhiên, giới chức Mỹ nói rằng khoản viện trợ cho Jerusalem có thể tăng lên trong trường hợp khẩn cấp hoặc xảy ra chiến tranh.

Tờ báo Haaretz cho biết Mỹ và Israel đã thống nhất và ký kết một thỏa thuận viện trợ mới kéo dài trong 10 năm, từ năm 2019-2028, trị giá 38 tỉ USD. Giới chức hai nước đã loại bỏ một số mâu thuẫn và tiến hành nhiều cuộc đàm phán để đi đến thỏa thuận cuối cùng vào ngày 14.9 (giờ địa phương).

Các thỏa thuận hỗ trợ phòng thủ, được đàm phán kể từ tháng 11.2015, đã được ký kết tại trụ sở của Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington bởi quyền Cố vấn an ninh quốc gia Israel Jacob Nagel và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề về chính trị Thomas Shannon. Đại sứ Mỹ tại Israel Dan Shapiro và Đại sứ Israel tại Mỹ Ron Dermer cũng có mặt tại buổi lễ ký kết thỏa thuận.

Những điểm chính của thỏa thuận bao gồm: Israel sẽ nhận được 3,8 tỉ USD hằng năm, 500 triệu USD trong số đó sẽ dùng cho việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa. Ngược lại, Jerusalem không được phép yêu cầu quốc hội bổ sung thêm ngân sách cho hệ thống phòng thủ tên lửa, trừ trường hợp khẩn cấp.

Ngoài ra, khoảng 26% trong gói viện trợ của Washington sẽ được Israel sử dụng để mua các thiết bị công nghiệp quốc phòng của chính nước này, thay vì phải trang bị phần lớn thiết bị từ phía Mỹ như trước.

Trong một tuyên bố tại Washington, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice nhấn mạnh: "Chúng tôi khẳng định rằng những bất đồng cho đến nay là không thể phá vỡ mối quan hệ giữa Mỹ và Israel. Kể từ năm 2009, Mỹ đã cung cấp gần 24 tỉ USD trong các viện trợ quân sự cho Jerusalem và chúng tôi tự hào về những đóng góp của mình trong việc tăng cường an ninh của Israel. Chúng tôi không thể biết điều gì sẽ xảy ra trong 10 năm tới, nhưng chắc chắn rằng Mỹ sẽ luôn ở bên cạnh Israel".

Ông Nagel nói sau những phát biểu của bà Rice rằng: "Israel sẽ không sử dụng các gói viện trợ quân sự cho những mục đích khác".

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra một thông điệp đặc biệt sau khi thỏa thuận được ký kết, trong đó nhấn mạnh rằng những cam kết từ Washington đối với tình hình an ninh của Israel luôn bao gồm cả lời nói và hành động.

"Cả Thủ tướng Netanyahu và tôi đều tin tưởng rằng các biên bản ghi nhớ mới sẽ có vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh tại Israel, khi vẫn còn nhiều mối đe dọa đối với quốc gia này. Việc cung cấp liên tục các loại vũ khí tiên tiến nhất thế giới sẽ đảm bảo rằng Israel có đủ khả năng để tự bảo vệ mình trước bất kỳ mối đe dọa nào", ông Obama nói.