airstrike
© katehon
Quân đội Syria bất ngờ tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn, tấn công Aleppo sau đòn phối hợp nhịp nhàng giữa Mỹ và quân khủng bố Hồi giáo.

Washington Post cho hay, ngày 19/9 (giờ địa phương), Quân đội Chính phủ Syria đã tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn do Mỹ và Nga làm trung gian và ngay sau đó đã tiến hành tấn công vào Aleppo.

Thành phố bị phiến quân Syria bao vây suốt hơn một tháng qua- Aleppo đã ghi nhận những cuộc pháo kích của quân đội Syria nhằm chiếm lại các căn cứ quân sự. Những cuộc không kích bom cũng liên tục được tiến hành.

Song, các nhà hoạt động cho biết một đoàn viện trợ nhân đạo cho người dân đã bị trúng bom trong hoạt động quân sự của quân đội Syria.

Trước khi tấn công vào Aleppo, giới chức quân sự Syria tuyên bố hết lệnh ngừng bắn, đổ lỗi cho lực lượng nổi dậy. Quân đội Syria cho rằng phiến quân vi phạm nghiêm trọng các thỏa thuận và tiếp tục nhiều hoạt động quân sự chống lại quân đội chính phủ.

Trong một tuyên bố thông qua hãng thông tấn nhà nước Syria SANA, quân đội chính phủ nói rằng lệnh ngừng bắn đã "mở ra một cơ hội thực sự để chấm dứt đổ máu nhưng lực lượng nổi dậy đã không tuân thủ nó".

Tuyên bố từ quân đội Syria đã giáng một đòn mạnh vào nỗ lực của Nga và Mỹ để ngăn chặn các cuộc xung đột đẫm máu bên trong quốc gia Trung Đông này.

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John F. Kerry đã có những phát biểu chỉ trích quân đội chính phủ sau tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn. Ông Kerry cho biết trong một phát biểu tại New York, nơi tổ chức cuộc họp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc, rằng:

"Quân đội trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad rõ ràng là đã ném bom một cách bừa bãi vào bên trong thành phố Aleppo, trong đó bao gồm cả các đoàn xe viện trợ nhân đạo".


Nhận xét: Đừng vội kết luận như vậy! Chúng tôi có bài phân tích (bằng tiếng Anh) về sự việc này tại đây. Nói một cách vắn tắt, đoàn xe viện trợ nhân đạo bị không kích trong khu vực kiểm soát bởi khủng bố. Những "nguồn tin" duy nhất từ hiện trường khẳng định phe Nga - Syria đã tấn công là hai tổ chức do Mỹ - Anh tài trợ: Syrian Observatory for Human Rights và White Helmets. Ngược lại, Liên Hiệp Quốc cùng Hội Chữ Thập Đỏ, những người cùng đi với đoàn xe tuyên bố rằng không thể xác định được bên nào tấn công.


"Chúng tôi cần nhìn thấy những gì người Nga đã cam kết. Điều quan trọng thời điểm hiện tại là Moscow cần có những động thái để kiềm chế tổng thống Assad, tránh gây ra những tổn hại cho dân thường trong các cuộc xung đột giữa quân đội chính phủ với lực lượng nổi dậy", ông Kerry nhấn mạnh.

Mỹ và khủng bố phối hợp?

Có thể thấy rõ, việc quân đội Mỹ không kích vào lực lượng quân đội của Syria là nguyên nhân chính dẫn tới lệnh ngừng bắn này bị đổ vỡ. Và việc Syria phản đòn là điều dễ hiểu.

Cố vấn của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, bà Buseina Shaaban nhận định rằng, chính sự phối hợp chặt chẽ giữa Mỹ và IS được thể hiện rõ ràng qua việc ngay sau khi Mỹ dừng không kích, IS lập tức tổ chức các cuộc tấn công.

RT dẫn lời bà Shaaban nhận định: "Quân Chính phủ Syria đã chiếm quyền kiểm soát các đồi cao và Mỹ tiến hành không kích vào các vị trí này. Ngay sau khi Mỹ không kích, các phần tử khủng bố đã tổ chức tấn công đúng vào hướng này.

Tất cả những ai ở trong khu vực chiến sự đều thấy rõ rằng tất cả là kết quả của sự điều phối rất tốt hành động giữa các lực lượng không quân Mỹ với các phần tử khủng bố".

Vị cố vấn đặt câu hỏi: Tại sao khi IS chiếm các vị trí mà trước đó Quân Chính phủ Syria chiếm giữ, Mỹ lại ngừng không kích? Tại sao họ lại không tiếp tục không kích vào các vị trí của IS? Họ (Mỹ) chỉ không kích vào các lực lượng Quân Chính phủ Syria?

Và rõ ràng, với một lực lượng quân đội đặc biệt tinh nhuệ như Mỹ, Damascus không tin các cuộc không kích của họ vào các vị trí Quân Chính phủ Syria là ngẫu nhiên.

"Thật là đáng ngạc nhiên vì một quốc gia như Mỹ, một cường quốc quân sự hùng mạnh nhất thế giới, lại có thể mắc "sai lầm" và vô tư giết chết hàng chục người như vậy", Buseina Shaaban đả kích.

Thêm nhân tố không kích nhầm ở Syria

Trang Twitter chính thức của Bộ Quốc phòng Anh hôm 19/9 đã có thông tin chính thức là bên liên quan trong vụ không kích nhầm của Mỹ vào lực lượng quân đội Syria khiến hơn 60 binh lính thiệt mạng.

"Chúng tôi muốn xác nhận thông tin Anh đã tham gia vụ không kích của liên quân ở Thành phố Deir al-Zor vào hôm 17/9 và hoàn toàn sẽ hợp tác trong quá trình điều tra. Anh không hề cố ý tấn công các lực lượng của Syria nhưng sẽ là không thích hợp để bàn thêm về vấn đề này trong thời điểm hiện tại", đoạn Tweet viết.

Cùng hôm 19/9, quân đội Đan Mạch cũng đã xác nhận 2 chiến đấu cơ F-16 của họ cùng máy bay của một vài nước khác đã tham gia vào vụ tấn công. Đan Mạch khẳng định, đây là "sự việc không may".

Vụ không kích diễn ra ở Thành phố Deir al-Zor ban đầu được cho là thực hiện bởi lực lượng của Mỹ, Australia sau đó có thêm Đan Mạch và Anh đã lập tức ngừng lại sau khi phía Nga liên lạc để thông báo về tình hình dưới mặt đất.


Nhận xét: Đây là điều khá khó hiểu. Nga khẳng định rằng chỉ có 2 máy bay F-16 và 2 máy bay A-10 không kích quân đội Syria. Trong đó A-10 chưa bao giờ được xuất khẩu. Như vậy chỉ còn hai chiếc F-16. Vậy mà Úc, Anh, Đan Mạch đều tuyên bố đã tham gia. Vậy là sao?


Sau sự việc được tranh cãi qua lại vì cố tình hay cố ý này, Iran đã cho rằng đây là hành động "chỉ dấu" cho khủng bố của Mỹ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi lên án hành động của Mỹ không kích vào vị trí của quân đội Syria.

Việc Mỹ bất ngờ nã đạn xuống đầu quân đội Syria đúng với thời điểm lực lượng khủng bố IS tổ chức phản công đã cho thấy Washington "2 mặt" trong cuộc chiến chống khủng bố. Nói cách khác, Mỹ vẫn đang hỗ trợ cho các nhóm khủng bố ở Syria, và vi phạm chủ quyền của nước này khi tấn công quân đội chính phủ, phát ngôn viên cơ quan Ngoại giao Iran nói.

Người phát ngôn Qasemi tuyên bố, hành vi đó của Mỹ đi ngược lại luật pháp quốc tế, và đe dọa phá hỏng lệnh ngừng bắn mới được thực thi.