Ảnh
Mỹ càng không kích, IS càng giàu, có tiền mua sắm vũ khí, trang bị và chiêu mộ binh lính
Các chuyên gia kinh tế nhận định, mặc dù bị liên quân Mỹ không kích hơn 1 năm qua nhưng IS vẫn thu được hàng tỷ USD tiền bán dầu mỏ.

Mỹ càng không kích, IS càng giàu

Tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" đang thu hàng triệu USD một ngày từ việc bán dầu từ các khu mỏ mà chúng chiếm ở Iraq và Syria. Bất kể thực tế là những cuộc không kích mà liên quân do Hoa Kỳ cầm đầu thực hiện đã diễn ra hơn một năm nay.

"Nhà nước Hồi giáo" hiện là tổ chức khủng bố "siêu giàu có". Các nhà quan sát cho rằng, số tiền bán dầu chảy vào túi IS mỗi ngày lên đến 2-3 triệu USD, từ các khu mỏ nằm trong những vùng lãnh thổ do chúng kiểm soát ở Syria và Iraq.

Theo bình luận của các chuyên gia, điều đáng ngạc nhiên là Mỹ vốn rất giỏi trong việc tìm kiếm mục tiêu không kích nhưng không hiểu sao, các mỏ dầu của IS vẫn còn nguyên vẹn, các cơ sở hạ tầng dầu mỏ chủ yếu còn không ngừng được mở rộng.

Thu nhập từ bán dầu thô là một trong những nguồn tài trợ quan trọng nhất cho hoạt động của phiến quân IS, không chỉ giúp chúng bảo vệ các cơ sở hạ tầng sản xuất dầu mà còn thu hút các chuyên gia nước ngoài và mua sắm thiết bị để cải thiện năng lực khai thác dầu.

Theo báo cáo tài chính rò rỉ của tổ chức "Nhà nước Hồi giáo", tại các cơ sở sản xuất dầu do tổ chức này kiểm soát hiện có 275 kỹ sư và 1.107 công nhân làm việc. Bọn khủng bố trả lương cho các kỹ sư khoảng 300 USD một ngày, đôi khi con số này đạt đến 1.000 USD/ngày.

Giá dầu thô mà bọn khủng bố đưa ra bán là thấp hơn đáng kể so với giá thị trường. Theo dữ liệu của tình báo Iraq và Hoa Kỳ, các xí nghiệp của IS mỗi ngày chiết xuất khoảng 30 nghìn thùng dầu ở Syria và 10-20 nghìn thùng dầu ở Iraq.

Các chuyên gia kinh tế tính toán, mỗi ngày IS sản xuất 50.000 thùng và bán được tới 30.000 thùng dầu với giá rẻ hơn giá thị trường chung trên thế giới, dao động quanh mức giá 25-65 USD/thùng. Trong một số trường hợp, đôi khi hạ xuống chỉ còn 10 USD/thùng.

Nhà báo Hafsa Kara-Mustapha - một cây bút chuyên về Trung Đông đưa ra bình luận rằng: "Không ai hiểu tại sao chiến dịch không kích rầm rộ của Hoa Kỳ và hơn 60 đồng minh chẳng tác động được gì đến khả năng khai thác dầu mỏ của IS".

Lẽ ra Hoa Kỳ cần phải tấn công, tiêu diệt và làm suy yếu IS thì trái lại chúng ngày càng thịnh vượng hơn lên và phát triển ra khắp khu vực. Túi của IS ngày càng rủng rỉnh, thừa tiền để mua sắm vũ khí, trang bị và chiêu mộ them hang chục ngàn quân lính.

Ông nhấn mạnh, "kể từ khi bắt đầu chiến dịch của Nga trong hơn 3 tuần gần đây, chúng tôi mới nhìn thấy cơ hội làm suy yếu vị thế của IS cũng như khả năng của chúng trong việc khai thác "vàng đen" - nguồn thu quan trọng để tài trợ cho hoạt động khủng bố.

Như vậy, rõ ràng là Nga thực sự tấn công IS còn người Mỹ thì chẳng hiểu họ làm cái gì trong phần lớn thời gian của năm qua" - nhà báo Hafsa Kara-Mustapha viết.
Ảnh
© BBCBản đồ các khu vực ở Iraq và Syria bị IS chiếm đóng
Chào bán dầu với mức giá thấp hơn, IS lợi dụng tình thế nghèo khổ của thị trường địa phương, thâm nhập vào để khống chế nền kinh tế sở tại bằng cách bán dầu cho các cộng đồng ở Syria và Iraq đang phải chịu cảnh khan hiếm tuyệt vọng về nhiên liệu.

Ngoài ra, dầu được vận chuyển ra ngoài địa hạt của Nhà nước Hồi giáo - IS bằng các trung gian mối lái người Kurd, bán lại cho các khách hàng ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, và thậm chí là cho chính bản thân chính quyền Assad của Syria và IS dùng nó để chiêu mộ binh lính và mua vũ khí.

Một trong những chỉ huy quân nổi dậy Syria nói với phóng viên của tờ Financial Times rằng, ngay cả lực lượng đối lập Syria cũng phải mua dầu của IS. "Đây là tình huống hai mặt nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Ai sẽ cung cấp nhiên liệu cho chúng tôi?".

Cả hai bên đều hiểu rằng, họ có thể một tay dí súng vào đầu nhau, nhưng tay kia dưới gầm bàn hoàn toàn có thể tạm thời móc ngoặc với nhau trong những thương vụ làm ăn cả hai bên đều có lợi.

Các nhà quan sát đã gọi mối quan hệ này là "frienemy", một dạng quan hệ vừa đối đầu vừa đối thoại giữa hai kẻ vừa là bạn vừa là thù.

Sự oái ăm này thực ra không hề lạ lẫm trong những màn trình diễn chính trị và xung đột ở Trung Đông. Nền kinh tế kiểu chiến tranh đã trở thành câu chuyện tính toán ăn chia thường ngày của các nước ở khu vực này.

Theo đánh giá của chuyên viên về IS là ông Hashem al-Hashemi và ước tính của các chuyên gia kinh tế, bán dầu thô vẫn là nguồn thu nhập chính của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo". Ước chừng, IS có nguồn thu ổn định khoảng 50 triệu USD tiền bán dầu mỗi tháng.

Tuần trước, tình báo Iraq cũng vừa đánh giá rằng, tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" thu được đến 50 triệu USD mỗi tháng từ việc bán dầu, nguồn thu từ dầu mỏ của IS đã lên tới khoảng 2 tỷ USD và sẽ còn hơn nữa.

Đây là một khoản tiền khổng lồ ngay cả đối với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ chứ đừng nói là những tổ chức khủng bố quốc tế. Điều này đã biến IS thành tổ chức khủng bố giàu nhất trên thế giới.

Ví dụ như, một tổ chức khủng bố toàn cầu, có lực lượng dàn trải hầu khắp thế giới và đã từng tổ chức những vụ khủng bố kinh thiên động địa như Al-Qaeda mà cũng chỉ có ngân sách 30 triệu USD mỗi năm để vận hành bộ máy khủng bố, và để tổ chức cuộc tấn công kinh hoàng vào tòa Tháp Đôi ở Mỹ, chúng chỉ cần vẻn vẹn 1 triệu USD!

Hồi giữa năm nay, IS tuyên bố sẽ xây dựng lực lượng không quân. Tuy không rõ chúng sẽ mua được máy bay chiến đấu từ nguồn nào nhưng rõ ràng với tiềm lực tài chính "khủng" như vậy, rất có thể IS sẽ làm được điều này. Lúc đó không ai biết Iraq và Syria sẽ ra sao.

Rõ ràng, Mỹ càng đánh, tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" càng giàu. Nếu Nga không can thiệp khẩn cấp thì trong thời gian tới IS sẽ càng khó bị đánh bại, thậm chí là không thể bị đánh bại.