Putin
© Reuters
Tổng thống Nga trả lời truyền hình Pháp về những nỗ lực ở Syria đã bị phương Tây phủ nhận và cáo buộc ngược, khó tìm được tiếng nói chung.

Điều thất bại trên bàn đàm phán

Ngày 13/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời buổi phỏng vấn với kênh truyền hình TF1 của Pháp về cuộc khủng hoảng ở Syria. Đó không chỉ là việc phương Tây và Mỹ đang lợi dụng đất nước Trung Đông vì mục đích chính trị, liên tục cáo buộc Nga gây tội ác chiến tranh chứ không đưa ra các giải pháp thực tế nào.

Tổng thống Vladimir Putin cho rằng, trong khi Nga đang nỗ lực bằng việc thực hiện đàm phán nhưng Washington và các đồng minh liên tục cáo buộc Nga và chính quyền Syria gây "tội ác chiến tranh".

"Đây là luận điệu chính trị và không thể hiện được tình hình thực tế ở Syria" - Tổng thống Putin trả lời khi được hỏi về lời cáo buộc gây "tội ác chiến tranh" mà Tổng thống Pháp đưa ra.


Ông Putin chỉ ra một sự bao biện phi lý rằng, Moscow từng đề nghị cử quân đội bảo vệ đoàn xe viện trợ nhân đạo ở Aleppo còn phương Tây lại cáo buộc Nga phạm "tội ác chiến tranh".


Ông Putin cũng nhắc lại vụ Không quân Mỹ tấn công vào một đơn vị quân đội Chính phủ Syria làm 80 người thiệt mạng.

"Các đồng nghiệp Mỹ nói với chúng tôi rằng cuộc không kích đó là một sai lầm. Sự sai lầm đó đã cướp đi sinh mạng của 80 người và ngay sau đó, có thể chỉ là trùng hợp, IS đã nhân cơ hội tấn công. Đó là lý do vì sao thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ. Ai đã phá vỡ thỏa thuận đó? Chúng tôi ư? Không" - ông Putin nói.


Kể từ sau sự kiện trên, hàng loạt các nước phương Tây đã quay sang cáo buộc Nga gây ra cái mà họ gọi là đòn tấn công đáp trả nhằm vào đoàn xe viện trợ của LHQ hôm 20/9. Washington giờ còn rút khỏi tất cả các cuộc đàm phán song phương với Nga về vấn đề Syria.

Nói về cuộc gặp mà ông đã hủy tới Paris sau khi Tổng thống Pháp hùng hồn cáo buộc chính Nga đã gây "tội ác chiến tranh", ông Putin khẳng định: "Đây không phải thời điểm tốt nhất cho các cuộc họp chính thức, với bối cảnh thiếu sự hiểu biết lẫn nhau mà chúng tôi đang có liên quan tới các diễn biến ở Syria, đặc biệt là về tình hình ở Aleppo. Nhưng chúng tôi luôn cởi mở với bất cứ sự tham vấn hay đối thoại nào liên quan tới vấn đề này".

Bất chấp thực tế đầy ảm đạm về sự ngoan cố của cái nhìn Mỹ và phương Tây về cuộc chiến ở Syria như vậy, Tổng thống Putin khẳng định rằng ông vẫn giữ quan điểm tích cực về một giải pháp ngoại giao đối với tình hình ở Syria.

Ông Putin nhắc lại về đề xuất mà Nga đưa ra từ trước về hỗ trợ quân sự đi kèm theo đoàn xe viện trợ nhưng chưa từng được công bố vì bất đồng với Mỹ.

"Quân đội Nga, những con người dũng cảm và cương quyết, đã nói rằng họ sẽ làm điều đó" - ông Putin nói.

Được biết, đề xuất này đã từng bị cho là đơn phương và cần phải được thực hiện cùng với phía Mỹ.

Phía Mỹ sau đó đã bác bỏ hoàn toàn đề xuất này, bởi họ cũng không muốn triển khai binh sỹ của mình tới đó, trong khi cũng không muốn chỉ thị cho phe nổi dậy "ôn hòa" mà họ hậu thuẫn rút quân.

Nguồn gốc cuộc khủng hoảng Syria

Trong khi đó, tại bài trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Pháp, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có dịp để đáp trả truyền thông phương Tây về các quan điểm bất đồng ở Trung Đông.

Ông chủ Điện Kremlin nhắc tới phong trào "Mùa xuân Ả rập" gây bất ổn khu vực diễn ra hồi năm 2011 như một điểm nóng gây căng thẳng mà đến bây giờ vẫn khuấy đảo thế giới Hồi giáo và chính Phương Tây đã gây bất ổn.

"Tôi tin rằng chịu trách nhiệm cho điều đang diễn ra ở khu vực nói chung và ở Syria nói riêng chính là các đối tác phương Tây của chúng tôi, Mỹ và các đồng minh, trong đó gồm cả các nước châu Âu... Hãy nhớ xem cái cách mà người ta đổ dồn tới ủng hộ Mùa xuân Ả rập? Giờ thì sự tích cực đó đâu rồi? Hãy nhớ xem Libya và Iraq đã từng tốt đẹp như thế nào trước khi bị phá hủy bởi lực lượng của các đối tác phương Tây của chúng ta?" - ông Putin đặt câu hỏi ngược.

Vị Tổng thống Nga còn phân tích về mối liên hệ giữa sự bất ổn ở khu vực Trung Đông với hàng loạt vụ khủng bố xảy ra ở phương Tây thời gian qua vốn thường là được lên kế hoạch trước, hay những cuộc tấn công vào dân thường được tổ chức Hồi giáo IS kêu gọi.

"Trước đây, các nước Trung Đông chưa từng được xem như các nền dân chủ, nhưng họ không hề có dấu hiệu của chủ nghĩa khủng bố. Họ không phải là mối đe dọa với Paris, với Bỉ, với Nga, hay với Mỹ. Nhưng giờ đây họ lại biến thành nguồn gốc của các mối đe dọa khủng bố. Mục tiêu của chúng tôi là ngăn chặn điều tương tự xảy ra với Syria" - ông Putin nói.

Quan điểm này của Tổng thống Putin được đưa ra trong thời điểm đặc biệt nhạy cảm của cuộc chiến thông tin giữa phương Tây và Mỹ đối với Nga và sự chia rẽ sau hàng loạt các biện pháp cấm vận trừng phạt kinh tế của Liên minh châu Âu (EU).

Phương Tây vẫn tiếp tục giọng điệu

Trong khi đó, Ngoại trưởng các nước trong Liên minh EU sắp tới sẽ họp mặt tại Luxembourg để bàn về tình hình Syria, đồng thời đưa ra tuyên bố chung với nội dung rằng họ sẽ "lên án mạnh mẽ những cuộc tấn công quá mức bởi chính quyền Syria và các đồng minh của họ".

Bản dự thảo tuyên bố chung không đề cập sâu tới Nga do e ngại những phản ứng mạnh mẽ từ phía Điện Kremlin nhưng nhắc tới "Chính phủ Syria và các đồng minh".

Một dự thảo tuyên bố chung của các Ngoại trưởng EU viết: "Kể từ khi chính quyền Syria và các đồng minh bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự, tần suất và quy mô của các cuộc không kích ở phía Đông thành phố Aleppo đều vượt quá mức cần thiết".

Các cuộc không kích nhằm vào bệnh viện ở Aleppo, cùng với việc sử dụng các loại bom chùm và vũ khí hóa học "đang gây ra tổn hại về người nghiêm trọng và có thể bị coi là tội ác chiến tranh".

"Việc cô lập dân thường bằng thiết lập vòng vây quanh các khu vực sinh sống của họ là trái với luật pháp quốc tế.

EU đã khẳng định rằng tình hình ở Syria cần phải được xem xét tại Tòa án Quốc tế và trong trường hợp này, EU sẽ tiếp tục áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Syria và các bên ủng hộ chừng nào cuộc tấn công trên vẫn diễn ra", bản dự thảo có đoạn.