Russia's Economy Ministry
© Getty Images
Bộ Phát triển Kinh tế Nga vừa công bố dự báo phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2035 dựa trên điều kiện quốc tế thuận lợi và giá dầu tăng dần.

Cụ thể, theo dự báo được gửi cho Bộ Tài chính, Nga sẽ thoát khỏi suy thoái vào năm 2017 song vẫn phải mất khoảng 20 năm để vật lộn với tình trạng đói nghèo và trì trệ.

Ngoài ra, Bộ Kinh tế Nga đưa ra ba kịch bản đối với nền kinh tế nước này:

Thứ nhất: Kịch bản tiêu cực nhất, giá dầu thực tế trung bình ở mức 40 USD/thùng, còn giá danh nghĩa sẽ tăng khoảng 1 USD một năm và đạt 55 USD/thùng vào năm 2035, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga chỉ tăng trung bình 1,8%.

Thứ hai: Kịch bản lạc quan, sau khi thoát suy thoái vào năm 2017, kinh tế Nga sẽ tăng trưởng rất chậm, trung bình 2% một năm, thấp hơn tốc độ tăng trưởng trung bình trên thế giới tới 1,5 lần.

Thu nhập thực tế của người dân tăng trung bình 1,4% và đến năm 2021 mới có thể quay trở lại mức của năm 2013 trước khủng hoảng và đến năm 2035 sẽ vượt mức năm 2013 khoảng 30%.

Giá dầu trung bình năm 2020 ở mức 57 USD/thùng, tiếp đó là 70 USD/thùng vào năm 2030 và 76,7 USD/thùng năm 2035. Đầu tư sẽ lấy lại mức trước khủng hoảng vào năm 2021, song chỉ tăng trung bình 3,3%/năm. Xuất khẩu và nhập khẩu sẽ tăng khoảng 2% và 4%/năm.

Thứ ba: Kịch bản lạc quan nhất, nhờ chuyển sang mô hình tăng trưởng đầu tư bao gồm các biện pháp cải thiện điều kiện kinh doanh, hỗ trợ xuất khẩu phi nguyên liệu, giảm chi phí và tăng doanh thu của các doanh nghiệp, kinh tế Nga sẽ vượt qua tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới.

Giá dầu được dự báo ở mức "lạc quan," song tốc độ tăng GDP cũng sẽ được đẩy cao, trên 4% vào năm 2019 và trung bình đạt 3,6% trong cả thời kỳ 2016-2035.

Đi đúng hướng

Trước đó, ngay khi Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Moscow, Thủ tướng Medvedev đã tuyên bố Nga sẽ xây dựng nền kinh tế tự chủ để "tự nuôi sống đất nước của mình".

Mặc dù những thiệt hại, khó khăn do phải hứng chịu lệnh trừng phạt từ phương Tây có ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế Nga nhưng nước Nga vẫn đứng vững cho tới hiện tại.

Việc Bộ Phát triển Kinh tế Nga công bố dự báo phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2035 và thẳng thắn nhìn nhận vấn đề một cách thực tế nhất cho thấy rằng, bản thân nước Nga không hề ảo tưởng, họ nhìn thẳng vào những khó khăn hiện tại mà họ đang phải đối mặt.

Trong bản kế hoạch của Bộ Phát triển Kinh tế Nga không hề đề cập đến các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt lên Moscow. Bởi lẽ, bản thân Moscow không mong đợi hoặc đặt nhiều kỳ vọng vào mối quan hệ giữa Nga với phương Tây sẽ trở nên tốt đẹp. Nga sẽ chủ động trước khó khăn giống như những gì họ thể hiện trong hai năm vừa qua.

Việc đặt ra kế hoạch dài hạn kể cả trong tình huống tồi tệ nhất chứng tỏ rằng, nước Nga đang đi đúng hướng trong kế hoạch xây dựng nền kinh tế tự chủ mà Thủ tướng Medvedev từng tuyên bố trước đó.

Thêm vào đó, bản kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và EU đang loay hoay tìm cách gia tăng lệnh trừng phạt đối với Nga. Điều này giống như một lời tuyên bố rằng, việc bị cấm vận hay không bị cấm vận về cơ bản đối với Nga đã không còn quá quan trọng.

Giới chuyên gia nhận định, thời gian nước Nga hứng các biện pháp trừng phạt của phương Tây thực ra không phải là thảm hoạ mà là cơ hội cho nước Nga xây dựng nền kinh tế tự chủ.

Một dẫn chứng rõ nhất cho việc này chính là sau 2 năm phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt và Ukraine cắt đứt hợp tác kỹ thuật quân sự, Nga đã hoàn thành kế hoạch thay thế nhập khẩu do Ukraine cung cấp đến 70-80%. Dự tính, vào cuối năm 2017, hoặc chậm nhất là đầu năm 2018, Nga sẽ thoát khỏi sự phụ thuộc vào các sản phẩm kỹ thuật mà trước đây các doanh nghiệp Nga thường đặt hàng của Ukraine.

Nếu Nga thực sự đạt tới mức tự chủ về kinh tế thì vị thế, vai trò của nước Nga sẽ được tăng cường lên một tầm cao mới. Bởi lẽ, sức mạnh của Nga khi ấy dựa vào chính sức mạnh nội tại của họ chứ không phải phụ thuộc vào một quốc gia hay một liên minh nào khác.