Child with IPad
© Feng Li/Getty Images
Tôi có hai con nhỏ, một đứa 8 tuổi và đứa kia 3 tuổi. Ngày bé thứ hai còn bé, tôi chỉ có thể đăng ký cho con đi nhà trẻ 2 buổi/tuần.

Chúng tôi sống ở nước ngoài, hoàn toàn không đủ điều kiện tài chính để thuê người giúp việc hoặc trông trẻ. Vì thế, tôi phải vừa làm việc tại nhà vừa trông con.

Việc chăm sóc một đứa trẻ 24/24 giờ mỗi ngày không quá khó khăn với tôi, nhưng vì công việc đòi hỏi, đôi khi lại bị thúc ép vì hạn chót đang đến gần, tôi không tránh khỏi những lúc bị căng thẳng. Trong một lần bức xúc lên đến đỉnh điểm, vì muốn được rảnh rang khỏi lũ trẻ, tôi quyết định mua chương trình truyền hình trẻ con cho bọn nó xem.

Vậy mà khi tôi quyết định bấm nút OK để mua, một bản khuyến cáo của Bộ Y tế Pháp hiện lên, nói rằng việc xem tivi không thích hợp đối với trẻ em dưới 3 tuổi. Tôi giật mình tự hỏi mình, có phải suýt nữa tôi đã định đầu độc con gái bé bỏng của mình bằng một hành động tưởng như vô hại?

Tôi bắt đầu quan sát xung quanh. Ở nhà trẻ của con tôi, nơi trông giữ các bé dưới 3 tuổi, không hề có tivi hay máy tính. Cả ngày ở với các cô, bọn trẻ nghe nhạc, chơi trò chơi thay vì ngồi dán mắt trước màn hình tivi. Ở trường mẫu giáo dành cho các bé từ 3-5 tuổi, tivi cũng có trong các phòng học mà họ có một phòng chiếu phim riêng, hiếm hoi lắm mới có một buổi chiếu phim cho cả lớp cùng xem.

Tôi hiểu rõ rằng, nếu muốn bọn trẻ ngoan ngoãn, không làm ồn, việc đơn giản nhất là cho bọn chúng xem tivi, hoặc đưa cho chúng một chiếc điện thoại thông minh hoặc một chiếc máy tính bảng.

Tôi đã từng chứng kiến nhiều ông bố bà mẹ từng tự hào khi nói rằng con họ mới "bé tí" mà đã sử dụng Iphone/Ipad nhoay nhoáy. Tôi cũng từng chứng kiến nhiều ông bố bà mẹ, vì muốn dỗ con ăn, đã cho phép con vừa ăn vừa xem phim hoạt hình hoặc các chương trình quảng cáo.

Trong khi đó, ở ga tàu, ở sân bay, trong lúc chờ đợi, thay vì được bố mẹ trao cho cái điện thoại thông minh hay cái IPad cho đỡ "rách việc", tôi thường thấy các bạn nhỏ cắm cúi đọc sách, bố mẹ các bạn cũng vậy.

Trên các chuyến tàu cao tốc, các gia đình thường cùng nhau chơi một trò chơi chung, hoặc mỗi người một quyển sách, chứ không phải mỗi người chăm chú vào một màn hình thiết bị điện tử nào đó.

Rõ rành hình ảnh này rất khác với hình ảnh tôi thường thấy ở các nước châu Á, khi mà một gia đình cùng tới nhà hàng với nhau nhưng mỗi người lại cầm một điện thoại để xem Facebook của mình, để đọc comment của một người ở nơi xa lắc nào đó chưa chắc đã từng gặp mặt.

Tôi thấy người Pháp không quá phụ thuộc vào các thiết bị điện tử cũng như các trang mạng xã hội. Khi ở cùng các con ngoài công viên, họ quan sát con mình chơi và trò chuyện với người xung quanh.

Ở ga tàu hay trên máy bay, nếu cần yên tĩnh, họ và con cái họ sẽ tìm đến những trang sách. Tàu ở Pháp chạy rất êm, nên không hề bị nhức mắt khi đọc. Vì thế, điều dễ thấy ở các nhà trẻ của Pháp là họ không có tivi, nhưng họ có rất nhiều sách. Tất cả thế giới các em cần tìm hiểu đều có trong những trang sách.

Ông Einstein có nói "nếu bạn muốn con bạn thông minh, hãy đọc cho con nghe nhiều chuyện cổ tích; nếu bạn muốn con mình thông minh hơn nữa, hãy đọc nhiều chuyện cổ tích hơn nữa".

Tôi không rõ đã ai chứng minh được câu nói của ông Einstein là đúng hay không, nhưng tôi tin rằng, những đứa trẻ thích đọc sách, nhất định, khi lớn lên sẽ có một vốn hiểu biết sâu rộng, một tấm lòng nhân ái và một trái tim nồng hậu.

Trong khi đó, tác hại của việc thường xuyên tiếp xúc với tivi hoặc các màn hình điện tử quá rõ ràng. Nó là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tới khả năng nhận thức của trẻ, bệnh béo phì, bệnh mất ngủ, khả năng kiềm chế cảm xúc và các cơn giận dữ, thậm chí còn liên quan tới các chứng bệnh tâm lý. Ngoài ra, việc nghiện tivi hoặc Iphone, Ipad còn khiến trẻ ngày càng trở nên nhút nhát, thụ động và rời xa cuộc sống thực tế.

Theo Ban tư vấn truyền thông cao cấp CSA của Pháp, việc xem tivi hay chơi các thiết bị điện tử không phù hợp với trẻ dưới 3 tuổi bởi vì đây là quãng thời gian mà các bé phát triển bằng các sử dụng mọi giác quan để tương tác với thế giới xung quanh.

Trong 3 năm đầu đời, trẻ phụ thuộc rất nhiều vào cha mẹ bởi trẻ cần cha mẹ giúp đỡ để khám phá thế giới xung quanh mình, tạo điều kiện để trẻ phát triển tối đã các tri giác. Việc dán mắt vào màn hình tivi hay máy tính sẽ làm chậm quá trình phát triển não bộ của trẻ trong thời gian này.

Theo nghiên cứu của Viện Quốc gia Sức khoẻ và Nghiên cứu Y học (INSERM) của Pháp, tất cả các mặt phát triển của trẻ sẽ bị ảnh hưởng từ việc xem tivi, từ trí tuệ, trí tưởng tượng, tới khả năng ngôn ngữ, đọc, tập trung và kĩ năng vận động.
TV Lobotomie: Comparing children watching TV less than 1 hour and more than 3 hours
© Michel Desmurget
Bức tranh trên được lấy từ cuốn "TV Lobotomie" của nhà nghiên cứu khoa học thần kinh Michel Desmurget, nghiên cứu về ảnh hưởng của tivi đối với khả năng nhận thức của trẻ. Bức hình thứ nhất là hình vẽ của những trẻ từ 5 - 6 tuổi và xem tivi ít hơn 1 tiếng/ ngày. Bức thứ hai là của những bé xem ti vi nhiều hơn 3 tiếng mỗi ngày.

Bên cạnh đó, thời gian xem tivi hay chơi với các thiết bị điện tử sẽ chiếm mất thời gian đáng lẽ trẻ nên dành cho các hoạt động khác. Trẻ con nên dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động khác như chơi ngoài trời (đạp xe đạp, trượt patin, thả diều, chơi ở công viên, v.v.), đọc sách, thời gian để nuôi dưỡng các sở thích hoặc đơn giản là sử dụng trí tưởng tượng để chơi, một mình hoặc cùng bạn bè.

Những hoạt động này giúp cho trẻ tăng khả năng giao tiếp, hiểu về tình người và trở nên tự tin hơn. Nên nhớ rằng, những hiểu biết về xã hội cũng như thấu hiểu cảm xúc con người là những kỹ năng tối quan trọng để thành công trong cuộc đời.

Theo bà Catherine Steiner-Adair, nhà tâm lý học tốt nghiệp từ trường Havard, trẻ con cần thời gian để mơ mộng, tự đối đầu với những nỗi lo lắng, giải quyết những suy nghĩ của mình và chia sẻ với bố mẹ, người sẽ giúp chúng cảm thấy an toàn. Trẻ hoàn toàn đánh mất những trải nghiệm này nếu như chúng được phép xem tivi, hay chơi Ipad, Iphone mỗi khi khóc lóc hay cảm thấy buồn chán.

Vì thế, các bậc cha mẹ, hãy cẩn trọng trước khi quyết định bật tivi hay trao cho con chiếc điện thoại thông minh để chơi. Có thể điều đó sẽ làm bọn trẻ vui trong phút chốc và cha mẹ được thảnh thơi làm những việc mình muốn, nhưng những hậu quả sẽ kéo dài, có thể là suốt đời của đứa trẻ.
Khuyến cáo của Hiệp hội nhi khoa Pháp:
  • 3 tuổi Không xem tivi trước 3 tuổi
  • 6 tuổi Không dùng các giao diện điều khiển (trò chơi điện tử, điện thoại thông minh, máy tính bảng) trước 6 tuổi
  • 9 tuổi Không sử dụng Internet trước 9 tuổi
  • Từ 9 tuổi cha mẹ cần đồng hành cùng con trong thời gian này. Cần nói cho con trẻ hiểu rằng Internet là một công cụ tuyệt vời nhưng không phải tất cả những gì chúng ta đọc trên Internet cũng luôn luôn đúng.
  • Từ 12 tuổi Nếu trẻ hiểu được những hiểm hoạ của Internet, trẻ hoàn toàn có thể tự mình vào mạng. Tuy nhiên cha mẹ cần kiểm soát các hoạt động của con trên mạng cũng như thiết lập một khoảng thời gian cụ thể con có thể dùng Internet.