Omran and sister in ambulance
Bức ảnh nổi tiếng được cho là của cậu bé Omran và chị em trong xe cứu thương
Tổng thống Assad tuyên bố rằng hình ảnh cậu bé ngồi trên chiếc ghế màu cam với gương mặt phủ đầy bụi và máu biểu tượng cho chiến tranh khốc liệt ở Syria là giả.

Trong buổi phỏng vấn với kênh truyền hình Thụy Sĩ SRF1, ông Assad khẳng định: "Chúng tôi có rất nhiều hình ảnh thực về những đứa trẻ bị tổn thương nặng nề trong chiến tranh, nhưng bức ảnh này chắc chắn là giả".

Cậu bé trong bức ảnh được xác định là Omran Daqneesh, đã trở thành biểu tượng cho hậu quả của cuộc nội chiến Syria đang hoành hành khắp đất nước sau khi hình ảnh của cậu được đăng tải lên mạng xã hội.

Theo nguồn tin y tế và địa phương, Omran được kéo ra khỏi một tòa nhà bị sụp đổ trong thành phố Qaerji sau cuộc không kích Syria vào ngày 17/8.

Một nhóm tình nguyện viên có tên là "Mũ bảo hiểm Trắng" đã cứu sống cậu bé. Mohammad, một bác sĩ phẫu thuật ở Alepo đã cứu sống cậu bé, nói rằng: "Omran sợ hãi và choáng váng một hồi lâu. Nhưng cậu bé không hề khóc. May mắn thay cậu bé chỉ có một vết thương nhẹ ngoài da đầu. Chúng tôi làm sạch vết thương, rửa mặt và thay quần áo cho cậu. Não không hề bị tổn thương, và cậu được xuất viện sau hai giờ".

Nhưng theo TT Assad, Omran không hề được kéo ra từ đống đổ nát và cũng không được chụp ảnh trong xe cứu thuong. Khi được hỏi ông sẽ nói gì với cậu bé và gia đình, ông trả lời rằng: "Những sự cố này hoàn toàn không có thật".

Ông nói thêm: "Sau cuộc phỏng vấn này, hãy lên mạng mà xem lại bức ảnh giống như bức ảnh đó, cũng vẫn đứa trẻ đó, chụp với các chị em gái. Cả hai đều được nhóm "Mũ bảo hiểm Trắng giải cứu, chúng được giải cứu hai lần, mỗi lần trong một sự cố khác nhau".

Ông còn khẳng định bức ảnh đã bị chỉnh sửa khi nói rằng ông sẽ đưa ra hai bức ảnh để mọi người có thể nhìn rõ cái nào là thật cái nào là giả.

Trước đó, truyền hình nhà nước Trung Quốc cũng cáo buộc hình ảnh cậu bé Syria bị thương gây chấn động thế giới là một sản phẩm "tuyên truyền" của phương Tây.

"Các nhà phê bình cho rằng video này là một phần trong cuộc chiến tranh tuyên truyền nhằm mục đích tạo ra một cái cớ 'nhân đạo' để các nước phương Tây can thiệp vào Syria", AFP dẫn một đoạn bản tin. "Các nhân viên không nhanh chóng cứu hộ mà thay vào đó lại lắp đặt máy quay".

CCTV cho rằng nhóm Dân phòng Syria, còn gọi là "Mũ bảo hiểm trắng", những người đã quay video trên, là "đáng nghi" và có quan hệ với quân đội Anh.

Video được quay vào tối 17/8, khi các nhân viên cứu hộ đưa Omran cùng những người thân trong gia đình ra khỏi ngôi nhà bị sập do trúng bom ở thành phố Aleppo. Người phủ đầy bụi, vết thương trên mặt đang chảy máu nhưng cậu bé 3 tuổi không hề khóc mà ngồi lặng đi vì sốc.

Hình ảnh này sau đó nhanh chóng gây chấn động báo chí và mạng xã hội khắp thế giới vì sự khốc liệt của cuộc chiến tại Syria và hoàn cảnh thương tâm của trẻ em nước này, những người đang bị mắc kẹt khi phe chính phủ bao vây khu vực do phiến quân kiểm soát.