DU babies
Hậu quả từ vũ khí uranium nghèo của Mỹ
Fallujah là một thành phố của Iraq, thuộc tỉnh Al-Anbâr, nằm cách Baghdad 65km về phía tây, với số dân khoảng 300.000 người. Thành phố này là biểu tượng của tinh thần triệt để chống Mỹ và liên quân của nhân dân Iraq. Nó đã bị tàn phá nặng nề hồi tháng 11/2004, kể cả bằng bom uranium làm nghèo và bom phốt pho.

Mới đây, Đài Truyền hình Al-Jazeera đã phát đi một cuộc phỏng vấn Giáo sư - tiến sĩ (GS-TS) Chris Busby, Giám đốc của Green Audit và Thư ký khoa học của Ủy ban châu Âu về các nguy cơ liên quan đến bức xạ (European Committee on Radiation Risks). TS Busby đã công bố nhiều bài báo về bức xạ, về uranium và về sự lây lan tại các nước như Liban, Kosovo, Dải Gaza và Iraq. Cuộc phỏng vấn do Ahmad Mansour thực hiện và trong lần phát lại nó đã được bà Layla Anwar, một blogger, tự xưng là một người Trung Đông theo dõi. Sau đây là những gì Layla Anwar đã ghi lại.

Fallujah là một thành phố đã bị Mỹ oanh tạc dữ dội năm 2004 bằng bom có chứa uranium làm nghèo và bom phốt pho trắng. Thành phố này trở thành một nơi bị cấm tới lui vì Mỹ và chính quyền bù nhìn của Iraq không cho phép bất cứ ai đến đó để tiến hành một cuộc nghiên cứu có liên quan. Về căn bản, đó là một thành phố đang bị thiết quân luật. Dĩ nhiên là Mỹ và chính quyền Iraq biết rõ ở đó đang có gì và đây là điều mà họ không muốn cho công chúng biết. Thế là GS Chris Busby đã vào cuộc. Busby trước sau vẫn quyết tâm tìm cho bằng được xem chuyện gì đã xảy ra tại Fallujah năm 2004.

Là một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực của mình, ông đã dấn thân vào công cuộc nghiên cứu mà kết quả sẽ được công bố trong một tương lai gần, nếu mọi việc đều tốt đẹp. GS Busby đã gặp rất nhiều trở ngại khi tiến hành dự án này. Cả ông lẫn những người trong ê-kíp của ông đều không được phép vào Fallujah để nói chuyện với người dân. Nhưng ông nói khi mà cửa chính đóng lại thì phải tìm những cửa khác mà mở. Và ông đã làm như thế. Ông đã tập hợp được một nhóm người Iraq ở Fallujah để tiến hành những cuộc điều tra cho ông.

Dự án nghiên cứu dựa trên 721 gia đình ở Fallujah, tổng cộng có khoảng 4.500 người tham gia; những người này sống ở những vùng có mức độ bức xạ cao cũng như ở những vùng có mức độ bức xạ thấp hơn. Các kết quả được so sánh với một nhóm kiểm nghiệm - một mẫu của một số lượng ngang bằng của những gia đình sống tại những vùng không có phóng xạ ở các nước Arập khác. Để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, 3 nước khác là Kuweit, Ai Cập và Jordan đã được lựa chọn.


Công cuộc cao cả không vụ lợi này đã gặp những trở ngại quan trọng. Trước nhất, nhà cầm quyền Iraq dọa bắt bớ và giam cầm những người tham gia nếu họ cộng tác với "bọn khủng bố" đến phỏng vấn họ. Thứ đến là các lực lượng chiếm đóng của Mỹ đã cấm TS Busby thu thập bất cứ dữ liệu nào, lấy cớ rằng Fallujah là một khu vực đang nổi dậy. Cuối cùng là những người thầy thuốc ở Fallujah đã khước từ lời mời xuất hiện trong chương trình truyền hình của Ahmad Mansour vì nhiều người bị dọa giết nên lo sợ cho tính mạng của mình. Tóm lại, việc nghiên cứu đã phải tiến hành trong những điều kiện cực kỳ khó khăn nhưng cuối cùng nó cũng đạt được kết quả.

Vậy thì Hoa Kỳ và những con rối của họ không muốn cho dư luận được biết về chuyện gì? Tại sao họ không cho phép tính toán mức độ bức xạ ở Fallujah? Và tại sao họ cấm cả IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế) vào Fallujah? Chuyện gì đã thực sự xảy ra tại đây? Bom mà Hoa Kỳ đã ném xuống đây thuộc loại nào? Đó chỉ là bom có chứa uranium hay là còn có cái gì khác nữa? Xin chú ý đến những nhận xét sau đây.

Một là, một hiện tượng cực kỳ lạ lùng, tỉ lệ người mắc bệnh ung thư ở Fallujah đã tăng lên một cách rõ rệt trong một thời gian rất ngắn, cụ thể là từ năm 2004. Sau đây là những bằng chứng của TS Busby: tỉ lệ bệnh bạch cầu ở trẻ em tăng lên 40 lần từ năm 2004, so với nhiều năm trước đó. Nếu so với Jordan thì tỉ lệ này cao hơn 38 lần. Tỉ lệ ung thư vú cao hơn trước năm 2004 đến 10 lần. Tỉ lệ ung thư hệ bạch huyết tăng hơn 10 lần so với năm 2004.

Hai là, một đặc điểm nữa của Fallujah cần được chú ý, tỉ lệ tử vong ở trẻ em rất cao. So sánh với Kuweit và Ai Cập là hai nước không bị ảnh hưởng của bức xạ thì: tỉ lệ tử vong trẻ em ở Fallujah là 80 trên 1.000, trong khi ở Kuweit là 9 trên 1.000, còn ở Ai Cập là 19. Vậy tỉ lệ này ở Iraq cao hơn ở Ai Cập gấp 4 lần và cao hơn ở Kuweit gấp 9 lần.

Ba là, số trường hợp dị dạng có nguồn gốc di truyền đã bùng phát từ 2004. Đây là vấn đề mà TS Busby từng bàn đến nhưng lúc đó thì chưa xét toàn diện còn bây giờ thì ông lại biết thêm chuyện khác. Những bức xạ do tác nhân mà các "lực lượng giải phóng" sử dụng đem lại đã tạo ra không những rất nhiều khuyết tật có nguồn gốc di truyền mà còn gây ra - đây là điều cực kỳ quan trọng - rất nhiều sự thay đổi mang tính cấu trúc ở cấp độ tế bào.

Vậy hậu quả của nó là gì?

Vì mật mã di truyền của chúng (thiếu nhiễm sắc thể X) nên trẻ em nam chịu nhiều nguy cơ chết lúc sơ sinh hơn; còn trẻ em nữ có nhiều cơ may sống sót hơn lúc sơ sinh, nhưng với những sự biến dạng quan trọng.

Sau đây là một thí dụ khác mà TS Busby đưa ra: trước năm 2003, tỉ lệ sinh đẻ ở Fallujah là 1.050 bé trai đối với 1.000 bé gái. Đến năm 2005, chỉ còn có 350 bé trai so với 1.000 bé gái, có nghĩa là các bé trai không thể sống sót. Còn về các bé gái - đây là điều tồi tệ nhất của tấn bi kịch - thì các bức xạ gây ra những sự thay đổi ở cấp độ ADN, có nghĩa là chính những bé gái đó, nếu chúng sống sót và nếu sau này chúng có sinh nở, thì cũng chỉ cho ra đời những bé gái bị dị tật do di truyền và những bé trai chết lúc lọt lòng.

Những kết quả kể ra trên đây được đối chiếu với những cuộc nghiên cứu khác, thực hiện trên con của những người còn sống sót ở Hiroshima (năm 2007); những cuộc nghiên cứu này chứng tỏ rằng ngay cả thế hệ thứ ba cũng bộc lộ những khuyết dạng mang tính di truyển bao gồm những chứng bệnh mạn tính (ung thư, tim, v.v...) với một tỉ lệ 50 lần lớn hơn mức bình thường.

Mặt khác, ở Chernobyl, sự nghiên cứu trên những con vật cùng khu vực cũng khẳng định rằng tác động của những bức xạ đã làm biến đổi 22 thế hệ về di truyền. Tóm lại, hậu quả của bức xạ được truyền từ gien này sang gien khác và có hiệu quả mang tính tích lũy theo thời gian. Một số kiểu dị dạng ở trẻ sơ sinh khủng khiếp đến nỗi Al-Jazeera và BBC không dám đưa ra một số hình ảnh. Những thí dụ về các kiểu dị tật mà Ahmad Mansour đang có trong tay là:
  • Trẻ sinh ra không có mắt.
  • Trẻ sinh ra với hai hoặc ba đầu.
  • Trẻ sinh ra không có các lỗ (mũi, tai, v.v...).
  • Trẻ sinh ra với những khối u ác tính ở não và ở võng mạc mắt.
  • Trẻ sinh ra không đủ các cơ quan trọng yếu.
  • Trẻ sinh ra thừa hoặc thiếu chi.
  • Trẻ sinh ra không có bộ phận sinh dục.
  • Trẻ sinh ra với những dị tật nghiêm trọng của tim v.v...
Cũng về những mặt này, các bác sĩ ở Fallujah được mời ghi nhận tỉ lệ dị tật sơ sinh trong vòng một tháng theo nhu cầu của công cuộc nghiên cứu để so sánh với những con số của tháng trước. Đây là kết quả: chỉ trong vòng 1 tháng, chỉ riêng việc sinh sản có dị tật của tháng đang tiến hành (ở đây là tháng 2/2010) đã tăng thêm 3 trường hợp so với tháng trước.

Chất uranium được dẫn vào máu theo đường tiêu hóa và đường hô hấp. nhưng lượng uranium cực kỳ cao mà người dân Fallujah phải hứng chịu đã giải thích sự tăng tiến đến chóng mặt của những trường hợp ung thư hạch, phổi, vú và hệ bạch huyết ở người trưởng thành.

Còn có đến 40 khu vực khác ở Iraq cũng bị nhiễm xạ nhưng Fallujah là trường hợp tồi tệ nhất. Chỉ với bấy nhiêu kết quả sơ bộ thôi, TS Busby cũng đã phải thốt lên: "Tình hình ở Fallujah thật là kinh hoàng và ghê tởm; nó còn nguy hại và tồi tệ hơn cả Hiroshima".

Hiện nay, TS Busby đang gặp khó khăn; ông bị quấy rầy. Quỹ nghiên cứu của ông đang giảm; ông đã bị nhiều nơi từ chối. Ông đang bị đe dọa (cũng như những nhà khoa học khác đã từng tiến hành những cuộc nghiên cứu tương tự hồi thập niên 90 thế kỷ trước ở Iraq). Ông bị cộng đồng khoa học công kích và xa lánh vì tính chất của việc nghiên cứu này về Iraq. Nhưng điều quan trọng là hiện nay, bằng chứng khoa học về tội ác chiến tranh mà Mỹ và các nước đồng minh đã phạm đang nằm trong tầm tay của nhà nghiên cứu.

Cũng chính vì thế mà hiện nay, cuộc sống của TS Busby gặp rất nhiều khó khăn. Việc công bố những công trình nghiên cứu trong đó ông đã bỏ ra quá nhiều công sức đã được gửi đến tạp chí The Lancet để được đệ trình lên tiểu ban khoa học của nó. The Lancet đã gửi trả lại cho Busby, viện lý rằng không có thời gian để nghiên cứu nó. Những phòng thí nghiệm từng hợp tác với ông trong quá khứ để xét nghiệm những vật mẫu bây giờ cũng gửi trả nó cho ông vì biết đó là những mẫu vật lấy từ Iraq.

Chỉ có hai cơ sở sẵn sàng xét nghiệm những mẫu đó để tìm cho ra tác nhân đích xác đã được sử dụng tại Fallujah nhưng họ lại chỉ sẵn sàng làm với một cái giá cao ngất trời vì tính chất nhạy cảm của công cuộc nghiên cứu. Vì thiếu tiền, TS Busby còn phải chờ có những số tiền cần thiết để đưa đi phân tích 20 vật mẫu lấy từ Fallujah mà ông đang cất giữ một cách kỹ lưỡng. Khi Ahmad Mansour hỏi về động cơ khuyến khích ông kiên trì trước những trở ngại to lớn mà mình đang gặp phải, TS Busby trả lời:
"Cả đời mình, tôi đã đi tìm sự thật; tôi là người thợ săn đi tìm sự thật trong khu rừng đầy những điều dối trá. Tôi cũng có những đứa con. Trẻ con không những là tương lai của chúng ta mà còn là mầm mống của những thế hệ sau chúng nữa. Từ 50 năm nay, chúng ta (thực ra thì chỉ có bọn mặt người dạ thú - AC) đã làm hoen ố hành tinh này (bằng bức xạ) và chúng ta bắt con cháu mình phải gánh lấy hậu quả. Chúng ta có nghĩa vụ với người dân Fallujah là phải tìm cho ra sự thật".
Được hỏi về phương cách tiếp tục thực hiện các công trình của mình mà không có tài trợ và đối diện với những sự từ chối, ông trả lời:

"Tôi tin ở thiện ý của những người từ khắp nơi gửi đến cho mình những món tiền nhỏ; mà tôi cũng là một kẻ vững tin rằng khi cánh cửa chính đóng lại thì ta phải mở những cánh cửa khác. Nếu đã quyết chí thì luôn luôn có một lối đi".

Busby khẳng định: "Chân lý có những chiếc cánh không cắt đi được".