Vietnam destroys illegal elephant ivory and rhino horns
Sừng tê giác được đốt trực tiếp tại lễ tiêu hủy
Hơn 2 tấn ngà voi và 70kg sừng tê giác là tang vật của các vụ buôn bán, vận chuyển trái pháp luật đã được tiêu hủy thành tro tại Sóc Sơn, Hà Nội, như một thông điệp từ Việt Nam về việc chống buôn bán động vật hoang dã gửi đến thế giới.

Trước thềm Hội nghị quốc tế về Chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã tại Hà Nội tuần tới, chiều 12-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các bộ ngành tiến hành tiêu hủy 2.183 kg ngà voi và 70,4 kg sừng tê giác và một số mẫu vật xương gấu, xương hổ bằng phương pháp nghiền và đốt hoàn toàn trong lò đốt và chôn lấp toàn bộ tro tại Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn.

Buổi tiêu hủy đã diễn ra trong sự chứng kiến của hàng trăm đại diện thuộc các bộ ngành có liên quan, đại sứ các nước và nhiều tổ chức quốc tế, phóng viên trong và ngoài nước với nhiều công đoạn khác nhau từ việc lấy mẫu vật để xét nghiệm AND, đến các công đoạn nghiền và đốt. Trong khi sừng tê giác được rưới xăng và đốt trực tiếp thì ngà voi vốn cứng hơn được nghiền qua hai công đoạn rồi mới cho vào lò đốt.

Tiêu hủy mẫu vật ngà voi, sừng tê giác, xương hổ, xương gấu thể hiện thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam trong chống tội phạm buôn bán trái pháp luật động, thực vật hoang dã.

Đại diện phía Việt Nam cho rằng, việc tổ chức buổi tiêu hủy thể hiện quyết tâm ngày càng cao của Việt Nam trong việc thực thi pháp luật, đồng thời cảnh báo những hành vi đang tiếp tục buôn bán và sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã sẽ phải dừng lại, vì nếu không hành vi đó sẽ ngày càng bị xử phạt nặng hơn.

Thông điệp về tính vô dụng của ngà voi, sừng tê giác trong việc chữa bệnh cũng được truyền đi mạnh mẽ tại buổi tiêu hủy này, khi hàng nghìn ki lô gam sừng tê và ngà voi vốn được định giá hàng trăm hàng nghìn tỷ đồng được đốt và hủy thành rác.

Nhà khoa học Việt Nam và Mỹ cùng giám định gene

Một trong những công đoạn được nhiều tổ chức và chuyên gia bảo tồn trong và ngoài nước quan tâm tại buổi tiêu hủy, đó là việc lấy mẫu vật để xét nhiệm gene nhằm truy tìm nguồn gốc xuất xứ của tê giác và ngà voi bị giết để lấy sừng. Mỗi chiếc sừng tê giác và ngà voi đều được cưa lấy hai mẫu nhỏ để xét nghiệm gene tại hai phòng thí nghiệm của Việt Nam và Mỹ.

GS Mamuel Wasser, Đại học Washington, Mỹ cho biết, phòng thí nghiệm của ông đã thử nghiệm những biện pháp, phương thức phân tích mẫu ADN để hỗ trợ cho việc thực thi pháp luật chống buôn bán động vật hoang dã từ châu Phi. Việc phân tích AND sẽ cho chúng ta biết được voi hoặc tê giác đó đến từ đâu, được săn bắn ở khu vực nào. Đồng thời, nó cùng truyền đi những thông điệp, những nhận định về số lượng, địa điểm của những tên buôn lậu hoặc đối tượng buôn bán trái phép đã di chuyển lượng sừng tê giác và ngà voi ra khỏi châu Phi.

Việc hợp tác của các cơ quan quản lý của các quốc gia sẽ góp phần cho việc bảo vệ các loài động vật hoang dã này, và Việt Nam cũng đã tham gia tiến trình này thông qua việc gửi mẫu vật đến phòng thí nghiệm để phân tích ADN.

Theo GS Mamuel Wasser, mỗi ngà voi và sừng tê giác trong 33 thùng mẫu vật sẽ được cắt hai mẫu nhỏ ở gốc, nơi tập trung nhiều AND nhất, một mẫu sẽ được các nhà khoa học Việt Nam giám định, còn một mẫu sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm của Mỹ.

Trong bài phát biểu của mình, ngoài việc hoan nghênh Việt Nam tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác, Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever còn nhấn mạnh tầm quan trọng phân tích mẫu vật sừng tê giác. Ông đề nghị nếu được, Việt Nam có thể chia sẻ thông tin nguồn gene của các mẫu vật này với các nước khác để chung tay với nhau phòng chống buôn bán động vật hoang dã. Đại sứ Anh cũng cho biết sẵn sàng giúp đỡ Chính phủ Việt Nam trong việc truy tìm này.

Bà Teresa Telecky, Giám đốc Loài hoang dã, Tổ chức Humane Society International cho rằng, việc tiêu hủy ngà voi và sừng tê giác chứng tỏ Việt Nam không coi trọng sừng và ngà mà coi trọng sự tồn tại của loài voi và tê giác.

Cũng theo bà Teresa, việc lấy mẫu vật và phân tích gene một cách đáng tin cậy của các nhà khoa học sẽ giúp thế giới có bằng chứng buộc tội những kẻ buôn bán trái pháp luật. Bà cũng đánh giá cao các nhà khoa học Việt Nam được đào tạo đủ trình độ để giám định mẫu ngà voi, sừng tê giác.

Việc cưa mẫu vật từ ngà voi và sừng tê giác rồi chuyển sang các công đoạn nghiền, đốt diễn ra từ chiều cho đến 20 giờ 30 ngày 12-11.

Được biết, tiêu hủy mẫu vật ngà voi và sừng tê giác đã được nhiều quốc gia thực hiện trong những năm gần đây như Kenya, Mỹ, Pháp, Italia, Cộng hòa Séc, Philippines, Singapore..., và bây giờ là Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn: Việt Nam là một công đoạn "tạm nhập tái xuất" sừng tê và ngà voi của tội phạm quốc tế

Trong những năm qua, Việt Nam đã bắt giữ hàng chục tấn mẫu vật của các loài nguy cấp quý hiếm từ nước ngoài. Trong chuỗi buôn bán quốc tế này, Việt Nam là một công đoạn "tạm nhập tái xuất", cũng có một phần được sử dụng ở Việt Nam. Chúng tôi hiểu rõ điều đó và đã tăng cường việc kiểm soát.

Từ năm 1994, Việt Nam đã là thành viên của Hiệp ước Cites, và đang làm mọi cách để chặn đường dây buôn bán quốc tế, không chỉ ở công đoạn ở Việt Nam mà cả từ nơi xuất xứ, nơi cư trú tự nhiên và bị săn bắn của nó.

Như thế, ngoài việc ngăn chặn tuyến đường buôn bán quốc tế này, Việt Nam cũng đang làm rất mạnh mẽ chiến dịch tuyên truyền giảm cầu, đặc biệt chúng ta đã thành công với chiến dịch tuyên truyền giảm cầu với mật gấu, sừng tê giác.

Điều tra xã hội học cho thấy khoảng 45-57% số người trước đây có nhu cầu sử dụng sừng tê giác để chữa bệnh thì đến nay họ đã hiểu và thấy rằng sừng tê giác không có tác dụng như những gì mọi người kháo nhau, thậm chí đó là chiêu trò của những kẻ buôn bán bất hợp pháp.

Tôi tin chắc chắn rằng với sự hợp tác chân tình, có trách nhiệm, Việt Nam sẽ góp phần quan trọng vào thực thi công ước Cites. Việt Nam đang được đánh giá là thành viên tích cực của Cites, nhưng chúng ta sẵn sàng tích cực hơn.