trump
© Mike Segar / ReutersDonald Trump phát biểu tại Cincinnati, Ohio, ngày 1/12/2016.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm 1-12 quyết định chọn Tướng Thủy quân Lục chiến về hưu James Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng trong chính quyền mới.

"Ông ấy là lựa chọn tốt nhất của chúng ta" - tỉ phú Trump nói với đám đông người ủng hộ ở TP Cincinnati ở bang Ohio. Ông Mattis là thành viên nội các thứ 8 được bổ nhiệm cho đến giờ. Như vậy, theo đài RT, ông Trump còn phải cân nhắc 8 thành viên còn lại của nội các, trong đó có ngoại trưởng và bộ trưởng An ninh nội địa.

Lựa chọn mới nhất của ông Trump lập tức nhận được sự tán dương của Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain, người gọi Tướng Mattis là một "nhà lãnh đạo phi thường" và nhận định nước Mỹ sẽ may mắn nếu được Tướng Mattis trở lại phục vụ. Tuy nhiên, pháp lý đang là rào cản lớn bởi theo luật pháp Mỹ, một sĩ quan quân đội phải về hưu ít nhất 7 năm mới có thể đảm nhận vị trí bộ trưởng quốc phòng. Vì thế, quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ phải thông qua luật để cho phép Tướng Mattis đảm nhận nhiệm vụ mới nói trên.

Theo đài BBC, ông Mattis từng chỉ huy một trung đoàn tấn công trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991 và chỉ huy một lực lượng đặc nhiệm tiến vào Afghanistan năm 2001. Ông cũng tham gia cuộc xâm lược Iraq năm 2003, rồi đảm nhận vị trí Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm trước khi về hưu năm 2013. Theo đài BBC, ông Mattis là người chỉ trích mạnh mẽ chính sách Trung Đông của chính quyền Tổng thống Barack Obama, đặc biệt là về Iran. Năm 2014, ông cũng công kích kế hoạch rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan vào năm 2016.

Một khi trở thành ông chủ Lầu Năm Góc, ông Mattis sẽ chịu trách nhiệm quản lý hơn 1 triệu binh sĩ và ngân sách 600 tỉ USD/năm. Ông cũng được "thừa hưởng" chiến dịch không kích đang diễn ra ở Iraq và Syria, nơi hàng ngàn binh sĩ Mỹ được triển khai để đào tạo lực lượng địa phương chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ngoài ra, ông Mattis còn phải đối mặt nhiều thách thức khác, như việc lực lượng Nga thường xuyên "quấy rối" tàu, máy bay chiến đấu Mỹ hoạt động trong vùng biển quốc tế và không phận ở châu Âu hoặc tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc ở biển Đông.


TP Cincinnati là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi cảm ơn cử tri của ông Trump. Tại đó, ông chủ sắp tới của Nhà Trắng hứa hẹn về một "kỷ nguyên hòa bình" khi cam kết Mỹ sẽ không tìm cách lật đổ các chính phủ trên thế giới và sẽ hợp tác với những nước chống khủng bố, trong đó có IS. Ông cũng tuyên bố sẽ gầy dựng lại quân đội bị suy yếu, đồng thời tiếp tục nhắc lại nhiều cam kết của ông trong chiến dịch tranh cử, trong đó có việc xây dựng một bức tường ở biên giới với Mexico.

Vẫn còn quá sớm để biết liệu ông Trump có nói thật về cái gọi là "kỷ nguyên hòa bình" hay không. Trước mắt, theo khái niệm chính sách đối ngoại vừa được phê chuẩn bởi sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 1-12, Moscow cho biết sẵn sàng ứng phó những hành vi "không thân thiện" của Mỹ bằng cách tăng cường lực lượng phòng thủ và theo đuổi những biện pháp "ăn miếng trả miếng".