Tillerson Putin
Putin và Rex Tillerson, ứng cử viên chức Ngoại trưởng Mỹ
Donald Trump dự định sẽ bổ nhiệm ông Rex Tillerson, GĐ điều hành của Exxon Mobil làm Ngoại trưởng Mỹ, người có quan hệ tốt với Nga.

Ngày 10/12, theo 3 nhân vật thân cận với ông Trump thì, ông Tillerson là một người có mối quan hệ lâu năm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Việc đề cử ông Tillerson có thể sẽ dẫn đến sự giám sát mạnh từ Thượng viện Mỹ do ông này có nhiều năm làm việc trong một công ty đa quốc gia và từng làm việc ở Nga, có quan hệ tốt với Thủ tướng khi đó là ông Putin.

Hiện hai thượng nghị sĩ Cộng hòa là John McCain và Lindsey Graham đã chính thức đánh tiếng lo ngại về việc ông Tillerson trở thành nhà ngoại giao hàng đầu của nước Mỹ.

Trước đó, ứng cử viên nặng ký nhất cho chức vụ trên là ông Mitt Romney vấp phải nhiều sự chỉ trích từ bên trong đội ngũ cố vấn của ông Trump. Những người này cho rằng ông Romney nhiều lần chỉ trích ông Trump và "không trung thành" với Tổng thống mới.

Ông Tillerson là người đã có công đưa Exxon Mobil trở thành tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới. Ông có nhiều kinh nghiệm kinh doanh quốc tế, kể cả các giao dịch với Nga cũng như các mối quan hệ cá nhân của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Quan hệ giữa ông Tillerson với Tổng thống Putin là một quan hệ lâu dài kéo dài từ năm 1998. Năm 2013 ông Tillerson được Tổng thống Putin trao tặng Huân chương Hữu nghị vì có những đóng góp quan trọng trong quan hệ với Nga.

Nếu được chọn, ông Tillerson sẽ là thành viên mới nhất trong nội các toàn "đại gia" của ông Trump.

Trước đó, ngày 18/11, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chọn Thượng nghị sĩ Jeff Sessions làm Bộ trưởng Tư pháp, nghị sỹ Mike Pompeo làm Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA), còn tướng về hưu Mike Flynn làm cố vấn an ninh quốc gia.

Năm 2012, ông Flynn được bổ nhiệm làm người lãnh đạo Cục tình báo của Bộ Quốc phòng Mỹ (thường được gọi là Cơ quan Tình báo Quốc phòng - DIA). Nhiệm kỳ của ông đã bị rút ngắn vào năm 2014 do bất đồng với các quan chức hàng đầu trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama.

Viên tướng này đã từng gọi Tổng thống Barack Obama là "kẻ dối trá", cả hệ thống tư pháp Mỹ là "suy đồi".

Vị tướng cứng rắn và có quan điểm khác biệt với hầu hết giới tướng lĩnh, chính khách Mỹ sẽ là ngườli cố vấn cho ông Trump vượt qua các thách thức lớn lao phía trước, bao gồm chiến dịch chống phiến quân IS dang dở, quan điểm cứng rắn của Trung Quốc và sức mạnh đáng sợ của Nga.

Một chức vụ khác rất quan trọng là Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Mỹ sẽ do Thượng nghị sĩ từ bang Alabama, ông Jeff Sessions đảm nhận. Ông là thành viên của Thượng viện Hoa Kỳ từ năm 1996.

Vào năm 1986, ông Session đã từng được cựu Tổng thống Ronald Reagan đề cử vào chức Thẩm phán liên bang. Nhưng Thượng viện Mỹ đã không phê chuẩn vì những cáo buộc ông Session có những bình luận phân biệt chủng tộc với các đồng nghiệp trong văn phòng ở Alabama.

Ông Sessions chính là thượng nghị sĩ đầu tiên công nhận ông Trump làm ứng viên Đảng Cộng hòa ra tranh cử Tổng thống Mỹ, bất chấp kinh nghiệm chính trị hạn chế của tỷ phú bất động sản.

Một nhân vật khác là Giám đốc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong chính quyền ông Donald Trump sẽ là Mike Pompeo. Thượng nghị sĩ 52 tuổi này có bằng Tiến sĩ Luật tại Đại học Harvard, đã làm việc với vai trò một luật sư trong công ty Williams & Connolly.

Trong thời gian sắp tới, người ta đang chờ đợi ông Trump tuyên bố bổ nhiệm các vị trí quan trọng khác trong chính quyền mới, ví dụ như chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao.

Các nguồn tin trong giới chính trị ở Washington cho biết rằng, ngoài việc được lựa chọn làm Cố vấn An ninh quốc gia, viên tướng đầy kinh nghiệm Michael Flynn cũng đang được cân nhắc vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, nếu không có người nào xứng đáng hơn.

Mặc dù nội các của tân Tổng thống Donald Trump chưa hoàn toàn được hình thành, nhưng ngay từ bây giờ, truyền thông phương Tây đã bắt đầu lo ngại vì những bổ nhiệm các vị trí chủ chốt đầu tiên trong chính quyền mới, đặc biệt là về viên tướng Michael Flynn.

Cũng như Trump, Flynn ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Nga. Nhân vật này được biết đến như một người ủng hộ nhiệt thành cho việc tăng cường quan hệ với Nga và thường tự hào vì đã có dịp tiếp xúc với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Hồi năm ngoái, ông đã có chuyến thăm Moscow nhân sự kiện kỉ niệm thành lập kênh truyền hình RT - bị phương Tây coi là "kênh truyền hình đối ngoại của Kremlin" và được xếp chỗ ngồi cạnh Tổng thống Nga Putin.

Khí đó, ông đã có bài phát biểu với RT và tuyên bố rằng Nga-Mỹ nên cùng làm việc để giải quyết tình hình Syria và đánh bại chủ nghĩa khủng bố. Trước đó, ông Flynn nhiều lần tuyên bố sự cần thiết phải có sự hợp tác về Syria giữa Washington và Moscow.

Nếu trở thành cố vấn an ninh quốc gia và người đứng đầu Lầu Năm Góc trong chính quyền Trump, rất có thể, tướng Flynn sẽ là một trong những người có vai trò then chốt trong việc "hàn gắn" lại quan hệ với Moscow.