Su-25 in action
Nga đang tiến hành chiến dịch không kích tổ chức khủng bố IS ở Syria
Một bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố cho biết, Mỹ đánh bom IS ít hơn tám lần, nhưng chi phí nhiều gấp bốn lần Nga.

Chi phí không kích của Mỹ quá đắt đỏ

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa đưa ra báo cáo đánh giá chi phí và hiệu quả chi phí cho chiến dịch không kích của Nga và Mỹ ở Syria. Trong đó thể hiện, chi tiêu cho các hoạt động không kích của Mỹ vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS nhiều gấp vài lần so với Nga.

Phát biểu trong một phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ, trợ lý Ngoại trưởng về châu Âu và Âu-Á Victoria Nuland cho biết, các cơ quan chức năng Mỹ đánh giá Nga chi tối thiểu là 2 và tối đa là 4 triệu USD mỗi ngày cho các hoạt động không kích IS, nếu có sai lệch thì cũng chỉ là chút ít.

Trong khi đó, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Cận Đông là Anne Patterson báo cáo chi tiết rằng, Mỹ chi vào các hoạt động không kích ở Iraq và Syria mỗi ngày khoảng 8 triệu USD.

Khi một nghị sĩ đặt câu hỏi, vậy tại sao Hoa Kỳ chi nhiều gấp 4 mà lại đánh bom ở Syria ít hơn Nga tới 8 lần, bà Patterson trả lời: "Con số này bao gồm cả Iraq và toàn bộ nhóm không quân. Hoa Kỳ cũng không phải là người Nga, chúng ta có những tiêu chuẩn tác chiến khác biệt".

Hiện nhóm máy bay khoảng 50 chiếc của lực lượng hàng không-vũ trụ Nga đang tiến hành chiến dịch không kích các cơ sở mục tiêu của "Nhà nước Hồi giáo" IS trên lãnh thổ Syria, bắt đầu từ ngày 30-9 vừa qua, theo đề nghị của Tổng thống Bashar al-Assad.

Hoạt động không kích của cả 2 bên

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria, Không quân Nga đã tiến hành 1.631 cuộc không kích, phá hủy hơn 2.000 căn cứ khủng bố, hàng nghìn trung tâm chỉ huy và nhà kho đã bị phá hủy.

Hoạt động tiến công của không quân Nga đã reo rắc kinh hoàng cho các tay súng của IS. Hàng trăm tên khủng bố đã bị tiêu diệt, hàng ngàn phiến quân đầu hàng quân đội Syria,hàng ngàn tên khác đã "cắt râu, quẳng áo" bỏ chạy sang các nước láng giềng.

Mỹ và liên quân 60 nước bắt đầu thực hiện hoạt động không kích vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS tại Iraq kể từ tháng 8 năm 2014, ở Syria từ tháng 9 nhưng không có sự thống nhất phối hợp với chính quyền nước này.

Mặc dù Chiến dịch "Nhổ tận gốc" (Operation Inherent Resolve) có hơn 60 quốc gia tham gia, nhưng chỉ có 12 nước đang tích cực tiến hành các cuộc không kích.

Theo phòng dữ liệu Bộ Quốc phòng đưa ra ngày 8 tháng 9, liên minh đã tiến hành 6.700 cuộc không kích và đã bay khoảng 53.278 phi vụ tác chiến ở Iraq và Syria. Họ đã đánh phá 10.684 mục tiêu. 3.262 công trình của IS, 119 xe tăng, 1.202 phương tiện và 2.577 vị trí chiến đấu bị phá hủy.

Còn cho đến thời điểm hiện nay, mặc dù chưa có con số thống kê chính xác những ước chừng Mỹ và đồng minh đã tiến hành tới hơn 7000 phi vụ không kích.

Nga đạt được thỏa thuận hành động với các nhóm đối lập Syria

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Anne Patterson về các vấn đề Cận Đông đã né tránh trả lời câu hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng thực hiện bất kỳ hành động chung nào cùng với nhóm cực đoan Al-Nusra Dzhebhat, tổ chức vũ trang có sự tham gia của một bộ phận "phe đối lập ôn hòa" ở Syria.

Trong khi đó, Nga đã đạt được bước tiến lớn trong tiếp xúc với các phe phái "đối lập ôn hòa" ở Syria. Ngày 5-11, các đại diện Quân đội Syria Tự do (FSA) đã khẳng định sẵn sàng tiếp xúc với đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nga vào tuần tới.

Điều này được tiết lộ qua một cuộc phỏng vấn với ông Mahmoud al-Afandi, thư ký của nhóm ​​"Phong trào ngoại giao nhân dân", đồng thời là một trong các điều phối viên đàm phán giữa FSA với phía Nga.

Ông Al-Afandi cho biết, chủ đề chính của cuộc gặp sẽ là thúc đẩy công tác của ban tham mưu hành động chung đã được thông qua trước đó ở Moscow và các hoạt động tập trung vào cuộc chiến chống 2 tổ chức khủng bố quốc tế "Nhà nước Hồi giáo" và nhóm "Al-Nusra Dzhebhat".

Theo ông Al-Afandi, hiện nay các lữ đoàn của mặt trận phía Nam ở Deraa và các mặt trận của FSA ở khu vực ven biển cũng tuyên bố sẵn sàng tham gia vào cuộc đối thoại với phía Nga về việc thành lập ban tham mưu hành động, để chống lại các nhóm khủng bố, là đối thủ chung của các bên.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov tuyên bố, Moscow sẵn sàng đàm phán với "hầu như tất cả các phương diện" với tất cả các phe nhóm "có thiện chí" thuộc lực lượng đối lập Syria, để tiến tới một giải pháp hòa bình, đạt được sự hòa giải dân tộc ở nước này.