Ảnh
Ngày 9/11, nghị viện xứ Catalonia đã chính thức bắt đầu quá trình dài 18 tháng nhằm hướng tới việc ly khai khỏi Tây Ban Nha.

Đây được coi là động thái đối đầu mới nhất đối với Madrid. Toàn bộ 72 nghị sỹ chủ trương ly khai của Catalonia, chiếm đa số trong nghị viện ở khu vực Đông Bắc Tây Ban Nha này, đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết nhằm thành lập một nhà nước cộng hòa độc lập vào năm 2017.

Trong khi đó, cùng ngày, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố chính phủ của ông sẽ đưa cuộc bỏ phiếu trên của Nghị viện Catalonia ra Tòa án Hiến pháp nước này.

Catalonia, một vùng đất với 7,5 triệu dân ở miền Đông Bắc Tây Ban Nha, đóng góp gần 1/5 sản lượng kinh tế của Tây Ban Nha và là một trong những khu vực trù phú nhất của xứ bò tót. Về mặt hệ thống, Catalonia rất quan trọng với nền kinh tế Tây Ban Nha, trong khi Tây Ban Nha thì rất quan trọng với nền kinh tế châu Âu.

Dù nằm trong lãnh thổ Tây Ban Nha nhưng người dân Catalonia từ lâu vẫn tự hào có nền văn hóa và ngôn ngữ riêng.

Năm 2006, Catalonia từng có bước đi nhằm giành được quyền tự trị nhiều hơn khi đàm phán với chính quyền Madrid về một đặc quyền, đòi công nhận vùng này là một "quốc gia".

Tuy nhiên, năm 2010, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã ra phán quyết bác đòi hỏi này, khiến những tiếng nói đòi độc lập càng bùng lên mạnh mẽ.

Trong những năm qua, ý định này càng được thôi thúc mạnh mẽ khi vùng Catalonia phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc suy thoái kinh tế kéo dài, mà nguyên nhân một phần là do những quyết sách điều hành nền kinh tế suy thoái của chính quyền Tây Ban Nha. Người dân vùng Catalonia cảm thấy bất công khi nhận ngân sách không tương xứng với tiền thuế đóng góp và vùng này còn phải chia sẻ gánh nợ với các khu vực hoạt động yếu kém của Tây Ban Nha trong khi lại đóng góp nhiều nhất cho ngân sách trung ương.

Nhiều người Catalonia tin rằng họ có thể xây dựng một nền kinh tế thành công theo một chừng mực nào đó sau khi độc lập khỏi Tây Ban Nha và thậm chí là phát triển hơn, nếu nhìn vào việc chính quyền Tây Ban Nha đã điều hành nền kinh tế suy thoái như thế nào kể từ năm 2008.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy phần đông người dân xứ này ủng hộ quyền được tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập nhưng tỷ lệ muốn độc lập và tỷ lệ ủng hộ ở lại Tây Ban Nha gần như là ngang nhau.

Trong cuộc bầu cử hồi tháng 9 vừa qua, phe ủng hộ độc lập giành được 72 trên tổng số 135 ghế tại nghị viện Catalonia nhưng chỉ giành được 48% số phiếu ủng hộ.

Trước tư tưởng ly khai của Catalonia, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo từng cảnh báo người dân Catalonia sẽ mất quốc tịch Tây Ban Nha nếu xứ này tách khỏi Tây Ban Nha. Đó còn chưa kể đến việc Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha cũng đồng nghĩa với việc xứ này không còn tư cách thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và không còn được vay vốn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Trước Catalonia, hơn 4 triệu cử tri Scotland cũng từng bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập. Mặc dù kết quả 55,42% cử tri nước này ủng hộ việc ở lại Liên hiệp Vương quốc Anh có thể khiến Thủ tướng David Cameron thở phào nhẹ nhõm, nhưng rõ ràng mầm mống ly khai ở các nước châu Âu vẫn đang hiện hữu, từ đảo Corsica ở Pháp, các khu vực công nghiệp phát triển phía Bắc Italy đến vùng Flander và Wallonia ở Bỉ, đảo Faeroe ở Đan Mạch...

Chỉ cần một vùng đất nào đó ly khai thành công, lập tức có thể tạo thành hiệu ứng tự xưng độc lập, xé rào ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) để tìm lợi ích riêng. Đáng lo ngại hơn, nếu xu hướng ly khai thắng thế, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và sự thịnh vượng chung của EU. Vì vậy, số phận xứ Catalonia không chỉ là bài toán khó cho xứ sở Bò tót mà còn là mối quan ngại của cả châu Âu trong bối cảnh lục địa già đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề.