Trump
Ngày 16/1/2017, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo The Times of London của Anh và báo Bild của Đức, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhận định NATO đã lỗi thời so với nhiệm vụ và chức năng của nó.

Tân tổng thống Mỹ cũng cho rằng sự kiện người dân nước Anh chọn rời EU - Brexit - là sự kiện tuyệt vời và cảnh báo EU có thể phân rã, nếu giới lãnh đạo liên minh không thay đổi.

Việc vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đưa ra những nhận định trên trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là ông bước vào Nhà Trắng, khiến cho giới phân tích có thể nhận diện chương trình hành động của chính quyền mới tại Mỹ trong những vấn đề quốc tế liên quan tới nước Mỹ khi ông Trump chính thức nắm quyền lực.

NATO đã lỗi thời và là gánh nặng cho nước Mỹ

Thực ra, trong quá trình tranh cử, ứng viên Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ sự thất vọng về hệ thống cấu trúc an ninh chung Mỹ - châu Âu được thể hiện qua Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ cũng thể hiện sự bức xúc với sự chênh lệch giữa trách nhiệm và quyền lợi của nước Mỹ so với các đồng minh trong NATO.

Tuy nhiên, khi ông Trump lên tiếng trong thời điểm ông chuẩn bị chính tức trở thành Tổng tư lệnh tối cáo của nước Mỹ cũng đồng thời nắm vai trò quyết định với cấu trúc an ninh chung Mỹ - châu Âu thì có thể hiểu rằng đó không khác gì mệnh lệnh được phát ra từ Nhà Trắng. Do vậy, các đồng minh cũng như các thực thể trong NATO phải chuẩn bị cho một sự đổi thay lớn.

"Trước đây nhiều lần tôi cho rằng NATO đã có vấn đề. Vấn đề của NATO thể hiện ở hai khía cạnh. Thứ nhất, NATO đã lỗi thời, vì nó được thiết kế bởi nhiều thành phần, trong thời điểm cách đây đã rất lâu. Thứ hai, trong NATO tồn tại sự phi lý là có nhiều nước đang được sử dụng miễn phi những thứ mà đúng ra họ phải trả tiền", AFP dẫn lời ông Trump.

Có thể thấy rằng, gần 70 năm qua, từ khi được thành lập năm 1949 cho đến nay, Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương luôn tự hào là liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Ngay cả khi Chiến tranh Lạnh Xô - Mỹ đang diễn ra, khối Hiệp ước Quân sự Warszawa còn tồn tại thì NATO vẫn luôn cho rằng mình vượt trội so với đối phương.

Đây là điều rất nguy hiểm bởi nó khiến những nhà hoạch địch chiến lược của liên minh quân sự này trở nên chủ quan và bảo thủ. "Tôi rất mệt mỏi khi nghĩ về NATO. NATO đã lỗi thời khi nó không thể làm được gì trong cuộc chiến chống khùng bố", người đứng đầu Nhà Trắng nhiệm kỳ 57 thể hiện sự thất vọng.

Năm 1966 khi nước Pháp của Charles de Gaulle rút khỏi bộ khỏi bộ chỉ huy tiền phương NATO và mãi đến năm 2009, nước Pháp của Nicolas Sarkozy mới quay trở lại và trở thành thành viên đầy đủ của NATO, đã cho thấy liên minh quân sự này có vấn đề lớn. Song dường như 43 năm vắng bóng nước Pháp không được NATO nhìn nhận là lời cảnh báo cho tổ chức này.

Tuy nhiên, khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, khi Putin thực hiện những hành động quyết liệt và mạnh mẽ thì NATO mới giật mình vì sai lầm trong chiến lược và nhận ra sự rệu rã trong hệ thống tổ chức của mình. Khi sức mạnh Nga được Putin hồi sinh kịp lúc NATO chuẩn bị cắm cờ của mình xuống sát biên giới nước Nga, NATO mới nhận ra sự già cỗi của mình.

Sau chiến thắng của Trump, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng lên tiếng rằng liên minh quân sự này đã là nền tảng cho an ninh xuyên Đại Tây Dương gần 70 năm qua và đặc biệt cần thiết tại thời điểm có nhiều thách thức mới như hiện nay. Do vậy "đây không phải là thời điểm xem xét lại cấu trúc an ninh đặc biệt này", AFP dẫn lời ông Stoltenberg.

Tuy nhiên, đó là quan điểm của người điều hành hoạt động của NATO, còn với quan điểm của quốc gia đóng góp tới 70% kinh phí cho hoạt động của NATO thì ông Trump có cách nhìn khác. "Thật phi lý khi chúng ta phải trả tiền cho việc bảo vệ các quốc gia khác. Vậy nhưng chỉ có 5 nước chia sẻ chi phí này. Thật quá ít ỏi", ông Trump bức xúc.

Brexit là sự kiện tuyệt vời

Trong một bài phát biểu của mình, ông Trump đã nhận định Brexit - sự kiện thể hiện quyền tự quyết của người dân Anh - kết thúc vai trò của nước Anh trong EU là một điều tuyệt vời. Vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ cho biết ông ủng hộ thỏa thuận thương mại Mỹ - Anh thời hậu Brexit, bởi điều đó là tốt cho cả hai quốc gia.

"Chúng tôi sẽ cố gắng nhanh chóng hoàn tất thoả thuận phù hợp với tình hình hai nước, theo đúng tiêu chuẩn của các hiệp định thương mại song phương". Ông Trump cũng cho biết ông sẽ gặp Thủ tướng Anh Theresa May ngay sau khi nhậm chức. Có thể thấy rằng mọi việc diễn ra rất nhanh chóng, tuy nhiên điều đó chỉ có được khi Anh không còn bị ràng buộc bởi EU.

Thực tế đó cho thấy cơ chế của Liên minh châu Âu (EU) không phải là hình mẫu cho việc liên hiệp các quốc gia hình thành nên một cộng đồng, một liên minh, bởi lẽ không phải nó luôn mang lại những tích cực cho các quốc gia dân tộc. Biểu hiện rõ nhất là chủ quyền quốc gia có thể bị nhạt nhoà trong cơ chế liên minh, thậm chí có thể làm suy giảm sức mạnh quốc gia.

Người Anh không thể không so sánh sức mạnh của Anh quốc với Trung Quốc - cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện nay và không khỏi chạnh lòng. Khi Trung Quốc bước vào cải cách thì sức mạnh của họ chỉ ngang ngửa với với nước Anh thời kỳ đó, nhưng nay thì một trời một vực.

Cho dù Trung Quốc có những lợi thế tuyệt đối mang tính mặc định, song người Anh cũng không thể nuốt nghẹn khi GDP danh nghĩa của Anh quốc năm 2015 chỉ là 2.945 tỷ USD, còn của Trung Quốc đã là 10.400 tỷ USD, theo tài lệu của WB. Dư luận cho rằng, sự chênh lệch sẽ khác nếu nước Anh không bị kiềm chế bởi mâu thuẫn nội tại của EU.

Là một người theo chủ nghĩa dân tộc, ông Trump đã xem Brexit là một sự kiện tuyệt với. Không những vậy, vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ còn hiện thực hoá ý nghĩa của Brexit qua những hành động cụ thể mang lại lợi ích cho người dân xứ sở sương mù. Điều đó là một sự khích lệ cho những người ủng hộ Brexit và cũng là lời cảnh báo cho EU.

EU sẽ phân rã nếu không thực sự đổi thay

Ông Trump nhận định rằng các quốc gia khác sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu trong tương lai, mà nguyên nhân chính là do áp lực của EU đối với đề người tị nạn. "Nếu các thành viên không bị buộc phải có trách nhiệm trong vấn đề người tị nạn, khi họ đã phải đối mặt với nhiều vấn đề khác, tôi nghĩ sẽ không có một Brexit tiếp theo. Song đây đã là giọt nước tràn ly".

Tân tổng thống Mỹ cũng chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel khi bị cho là chấp nhận dân nhập cư bất hợp pháp. "Tôi cho rằng bà Merkel đã sai lầm rất nghiêm trọng, bởi chính sách nhập cư thân thiện của bà tạo điều kiện cho những kẻ nhập cư bất hợp pháp. Thậm chí chẳng ai biết chúng đến từ đâu". Thật nguy hiểm, cho dù ông Trump cho biết rất tôn trọng nữ thủ tướng Đức.

Việc giới lãnh đạo EU gạt bỏ quan điểm của các bậc tiền bối khi phá bỏ nguyên tắc nền tảng của các tổ chức tiền thân vào năm 1991 bằng việc ký kết Hiệp ước Maastricht cho ra đời Liên minh châu Âu (EU), thay thế EC, là sai lầm từ tham vọng quá lớn. Bởi từ đó EU đã mở rộng sự liên kết trách nhiệm sang nhiều lĩnh vực mới, như chính sách đối ngoại và an ninh chung

Và cũng từ đó khái niệm công dân EU ra đời và quy định về quyền công dân EU, cho phép người dân các nước trong EU được đi lại tự do giữa các quốc gia thành viên. Đặc biệt giới lãnh đạo EU đã xây dựng chính sách điều phối về người tị nạn chính trị, nhập cư và khủng bố. Điều này khiến quyền lực của giới lãnh đạo EU tăng lên nhưng cũng báo trước nguy cơ EU phân rã.

Có thể thấy rằng, giới lãnh đạo EU gia tăng tiêu chí liên kết giữa các thành viên trong EU sẽ khiến cho mức độ liên kết giảm theo chiều ngược lại, bởi hệ thống cấu trúc của EU không phải là hệ thống chính trị của một quốc gia. Do đó, càng muốn có nhiều điểm chung trong EU thì yếu tố tương đồng trong mỗi điểm chung sẽ phải giảm đi.

Song dường như giới lãnh đạo EU lại kỳ vọng cả hai cùng tăng - tăng điểm chung và sự tương đồng trong mỗi điểm chung cũng tăng - điều đó là trái nguyên lý và họ đã phải trả giá bằng Brexit. Do vậy, nếu giới lãnh đạo EU không thay đổi thì lời cảnh báo của ông Trump sẽ khiến cho liên minh kinh tế hùng mạnh nhất thế giới này đối mặt sự phân rã, thậm chí tan rã trong tương lai.