Trump and Netanyahu
© Reuters
Thư ký báo chí của Tổng thống Mỹ - ông Sean Spicer hôm 22/1 cho biết Nhà Trắng đang bắt đầu giai đoạn đầu của việc thảo luận dời Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem.

Còn kênh truyền hình Channel 2 của Israel cùng ngày dẫn nguồn tin cho biết, Nhà Trắng sẽ công bố quyết định chuyển đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem ngay ngày 23/1. Một thành viên trong nội các Mỹ sẽ thông báo quyết định gây tranh cãi này ngay trong ngày làm việc đầy đủ đầu tiên của tân Tổng thống Donald Trump.

Tuy vậy, Channel 2 thừa nhận họ chưa được xác nhận thông tin nói trên, cũng như chưa có tuyên bố chính thức nào từ Nhà Trắng về một động thái như vậy kể từ khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức ngày 20/1.

Ông Trump từng nhiều lần nêu ý định chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem bất chấp những cảnh báo rằng một động thái như vậy là vi phạm luật pháp quốc tế và phá hủy tiến trình hòa bình Trung Đông. Palestine cũng tuyên bố việc Mỹ đưa đại sứ quán tới Jerusalem sẽ giết chết mọi triển vọng hòa bình.

Trong lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ vừa qua, ông Trump đã mời một tổ chức của người định cư Do thái ở Jerusalem tham dự. Tổng thống Mỹ cũng đã bổ nhiệm tân đại sứ Mỹ tại Israel là David Friedman, được cho là một người ủng hộ định cư ở Jerusalem và Bờ Tây.

Jerusalem là thành phố vẫn còn tranh chấp giữa dân Do Thái và Palestine. Cả hai dân tộc này đều coi nơi đây là thánh địa thiêng liêng và là thủ đô của họ. Việc chuyển tòa đại sứ của Mỹ sẽ là hành động chấm dứt mọi hy vọng thương lương đạt tới một thỏa hiệp hòa bình Israel-Palestine và tiêu diệt nguyện vọng của người Hồi Giáo.

Từ khi Liên Hiệp Quốc chấp thuận sự thành lập quốc gia Israel năm 1948, Jerusalem được xem là một thành phố quốc tế gồm hai khu vực: khu phía Tây thuộc Israel và phía Đông là khu vực của dân Ả Rập/Palestine do Jordan quản trị.

Trong cuộc chiến tranh năm 1967, Israel sát nhập vào lãnh thổ của mình khu vực Tây ngạn sông Jordan, dải đất Gaza cùng toàn bộ thành phố Jerusalem.

Ngày nay, hơn 37% dân số 850,000 người ở Jerusalem là dân Palestine. Thành phố cổ nằm trong khu Đông Jerusalem có nhiều thánh đường Hồi Giáo, Do Thái Giáo, và Thiên Chúa Giáo, với hàng tỷ người đến hành hương mỗi năm. Quy chế của Jerusalem là một trong những trở ngại lớn nhất trong việc thương thuyết tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.

Cố vấn cao cấp của ông, bà Kellyane Conway, nói rằng việc chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel là một trong những ưu tiên lớn của chính quyền mới. Ông Trump đã chỉ định ông David Friedman, một người gốc Do Thái có quan điểm cực đoan, làm đại sứ ở Israel và ông này mạnh mẽ thúc đẩy dự án chuyển tòa đại sứ.

Ông Ahmed Aboul Gheit, Chủ tịch Liên Đoàn Các Quốc Gia Hồi Giáo, bao gồm 22 nước thành viên, cho rằng chuyển tòa đại sứ là bước lùi lớn trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Ông hy vọng ông Donald Trump sẽ hiểu những phức tạp của cuộc xung đột Do Thái- Palestine khi vào Tòa Bạch Ốc và sẽ có quan điểm thích đáng hơn.

Ngay cả châu Âu cũng lên tiếng mạnh mẽ về quyết định này. Các cường quốc sẽ tham gia hội nghị tại Paris trong hôm 15/1 đã gửi đi một thông điệp tới nước Mỹ rằng giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine là cách duy nhất để giải quyết xung đột giữa hai bên, và cảnh báo rằng kế hoạch rời Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem là động thái sẽ làm xói mòn nỗ lực hòa bình.

"Đó sẽ là một quyết định đơn phương có thể khiến gia tăng căng thẳng" - một quan chức Ngoại giao cấp cao của Pháp nói với hãng tin AP - "Phải chú ý rằng hơn 70 quốc gia đã kêu gọi giải pháp hai nhà nước khi chính quyền của ông ấy có thể thực thi các biện pháp gây tranh cãi khiến tình hình xấu đi".

Pháp cũng cho hay cuộc họp này không nhằm áp đặt bất cứ điều gì đối với Israel hay Palestine và rằng, cuối cùng, chỉ có các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai nhà nước mới có thể giải quyết cuộc xung đột kéo dài này.

"Chúng ta không còn thời gian để lãng phí nữa" - Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nói trước các phái đoàn trong buổi khai mạc hội thảo tại Paris - "Chúng ta đang đứng trước khả năng bùng nổ tình trạng bạo lực".