asteroid
© Shutterstock
Việc thiên thạch bay ngang Trái đất trong thời gian gần đây không phải hiếm, thậm chí một số còn tấn công chúng ta như vụ "mưa thiên thạch" năm 2013 tại Nga khiến ít nhất 1200 người phải vào bệnh viện. Và đến năm 2017, các nhà thiên văn học tiếp tục cảnh báo nguy cơ chúng ta lại bị tấn công bởi thiên thạch khá cao.

Tính đến ngày 4-2 trong năm nay, tổng cộng 4 thiên thạch đã lởn vởn gần trái đất, làm dấy lên mối lo ngại hành tinh xanh của chúng ta có thể bị thiên thạch va trúng.

Cụ thể, vào khoảng 20 giờ 23 phút ngày 3-2 (giờ GMT), 2017 BS32 bay gần trái đất hơn cả mặt trăng và ở khoảng cách đủ gần để các nhà thiên văn học quan sát được. Tiểu hành tinh này có đường kính 12 m, to bằng một chiếc xe buýt hai tầng và di chuyển với vận tốc 11,56 km/giây.

Trước đó, thiên thạch mang ký hiệu 2017 BH30 to bằng chiếc xe hơi bay ngang qua Trái đất hôm 30/1 ở khoảng cách gần nhất chỉ 52.000 km. Nếu so sánh, ở thời điểm gần Trái đất nhất, Mặt trăng cũng cách hành tinh xanh hơn 360.000 km.

6 ngày trước đó, thiên thạch 2017 AG13 to bằng một ngôi nhà tiến đến gần Trái đất ở khoảng cách 177.000 km. Theo ước lượng của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), AG13 có đường kính khoảng 15 đến 35m.

Với kích cỡ này, AG13 ít nhất ngang ngửa với sao băng Chelyabinsk từng khiến 1.500 người bị thương khi phát nổ trên bầu trời vùng Ural thuộc Nga hồi năm 2013. Vụ nổ giải thoát năng lượng tương đương 500 kiloton thuốc nổ TNT, mạnh gấp 20-30 lần vụ nổ bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến 2.

Trong khi đó hôm 20/1, thiên thạch 2017 BX quét ngang qua Trái đất ở khoảng cách chỉ hơn 26.000 km. Cả 3 thiên thể đều được phát hiện chỉ vài ngày trước khi chúng tiến đến gần Trái đất.

Theo tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi các vật thể gần Trái đất, khoảng một triệu thiên thạch với kích cỡ nhỏ có thể quét sạch một thành phố hoặc làm sụp đổ một nền kinh tế vẫn chưa được xác định.