Ukraine and NATO flags
© Sputnik/ Mikhail Markiv
Theo kết quả khảo sát công bố mới nhất, ngày 10/2/2017, của Viện Gallup - tổ chức chuyên nghiên cứu và khảo sát dư luận toàn cầu của Mỹ, thì có tới 35% người dân Ukraine được thăm dò trong năm 2016 đã xem là NATO là mối đe doạ đối với Ukraine, ngược lại chỉ có 29% là tin tưởng liên minh quân sự hùng mạnh có thể bảo vệ cho quốc gia này.

Tỷ lệ đó tại thời điểm trước khi xảy ra cuộc xung đột - năm 2013 - là 29% dân số Ukraine xem NATO là mối đe doạ và 17% tin vào khả năng bào vệ của NATO.

Trong năm 2014, khi phương Tây áp lệnh trừng phạt Nga sau "sự kiện Crimea", thì số người dân Ukraine xem NATO là mối đe doạ chỉ còn khoảng 20% và có tới 36% tin vào khả năng bảo vệ của NATO.

Điều đáng nói là, theo các kết quả thăm dò của Gallup, thì tỷ lệ người dân Ukraine - một thành viên NATO tiềm năng - coi NATO là mối đe dọa luôn ở mức cao.

Ngay dưới thời cựu Tổng thồng thân phương Tây, Viktor Yuschenko - đạo diễn cuộc Cách mạng Cam và nuôi mộng đưa Ukraine gia nhập NATO - thì tỷ lệ người dân nước này xem NATO là mối đe doạ cũng rất cao.

Cụ thể là năm 2008 có tới 43% người dân Ukraine được khảo sát cho rằng Tổ chức Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương là mối đe doạ với sự an nguy của Ukraine, trong khi chỉ có 15% người dân Ukraine tin tưởng vào khả năng bảo vệ của tổ chức quân sự này.

Tỷ lệ đó trong năm 2009 cũng vẫn rất cao, tương ứng là 40% lo sợ bị đe doạ và 17% tin tưởng khả năng bảo vệ của NATO.

Thực tế này cho thấy lực lượng cầm quyền tại Kiev sau cuộc Cách mạng Cam năm 2004 cũng như chính quyền Kiev của các "chính khách Maidan" hiện nay, theo đuổi việc đưa Ukraine tham gia NATO thực ra chỉ là mong muốn của họ chứ không phải là ý nguyện của đa số người dân Ukraine.

Chính vì vậy, dựa trên kết quả được công bố mới nhất của Gallup, giới chuyên gia phương Tây cho rằng vì người dân Ukraine đã quá mệt mỏi với cuộc xung đột giữa quân đội quốc gia và quân ly khai miền Đông, cũng như một nền kinh tế nghèo nàn, tỷ lệ tội phạm gia tăng, khiến tương lai đất nước Ukraine rất mù mịt nên người dân Ukraine mất niềm tin vào NATO, đó là nhận định không chuẩn xác.

Bởi thực ra từ lâu người dân Ukraine đã không có ý nguyện về việc Ukraine gia nhập vào NATO.

Có lẽ do chứng kiến những hành động của NATO trong quá khứ khiến người dân Ukraine nhận diện cuộc sống của họ, sự an nguy cho đất nước Ukraine của họ bị đe doạ bởi NATO nhiều hơn là hy vọng được bảo vệ bởi liên minh quân sự này.

Với tỉ lệ luôn ở ngưỡng 4/10 dân số Ukraine được khảo sát lo sợ mốt mối đe doạ của NATO, ngay cả giới chuyên gia, phân tích phương Tây cũng rất ngạc nhiên là tại sao chính quyền Kiev lại quyết tâm theo đuổi giấc mộng NATO như vậy.

Chẳng lẽ những người được người dân Ukraine gửi niềm tin - trao quyền lực lại quên mất chủ quyền quốc gia hay không biết cách bảo vệ chủ quyền quốc gia?

Có thể thấy rằng, những người đại diện cho chủ quyền quốc gia của Ukraine đã xem quyền lợi của cá nhân, của đảng phái lớn hơn lợi ích quốc gia dân tộc, vì vậy họ đã phớt lờ ý nguyện của người dân Ukraine, sau khi họ đã đánh cắp niềm tin để được trao quyền lực.

Bởi chỉ có như vậy thì họ mới theo đuổi giấc mơ NATO, làm gia tăng mối đe doạ với an nguy của dân tộc Ukraine.

Trong khi đó thì NATO không những ngày càng biến giấc mơ NATO của chính quyền Kiev dần trở thành mộng tưởng, mà thậm chí còn tìm mọi cách làm lợi cho mình từ giấc mơ ấy của Kiev.

Việc uý lạo tinh thần qua những cam kết không biết khi nào mới trở thành hiện thực hay trợ giúp kiểu "rót nước lã" cho Kiev cầm hơi để đối đầu với Moscow, đều chỉ là gieo hy vọng hão huyền.

Không những vậy, việc NATO gia tăng căng thẳng với Nga đã đưa Ukraine vào tình thế nguy hiểm. Khi Brussels gieo hy vọng thành viên NATO cho Ukraine thì cũng đồng thới biến nối lo của Kiev thành ác mộng, bởi điều đó chẳng khác nào đưa mối đe doạ với người dân Nga đến sát biên giới nước Nga, bởi có tới 67% người dân Nga xem NATO là mầm hoạ, theo Gallup.com

Như vậy là, chẳng những không giải toả được "nỗi sợ Nga", mà NATO còn khiến Ukraine "sống trong khiếp sợ", bởi khi NATO gia tăng căng thẳng với Nga từ ván cờ Ukraine thì Kiev chỉ biết một mình chịu trận vì quy chế thành viên NATO mới chỉ tồn tại trong mơ.

Khi đó Brussels chỉ biết lên án, thậm chí trừng phạt Moscow - một hành động của NATO mà Kiev luôn phải lãnh hậu hoạ.

Nhìn sang những nước anh em đã là thành viên được bảo vệ bởi cấu trúc an ninh chung Mỹ - Châu Âu thì người dân Ukraine cũng cảm nhận được sự bất an không kém.

Các nước Baltic thì liên tục phải kêu gọi quân đội NATO tăng sự hiện diện, thậm chí họ còn phải xây dựng tường rào để giảm bớt hậu hoạ bởi xung đột Nga - NATO, vì nằm ngay ở vị trí tiền tiêu.

Ba Lan cũng phải kêu gọi NATO tăng quân thường trực và lắp đặt hệ thống phòng thủ để đề phòng mối đe doạ từ Nga. Romania, Albania cũng luôn ôm nỗi lo thường trực, còn Bulgaria, Hungary thì ngày càng gia tăng kết nối với Nga.

Đó là lời cảnh báo cho người dân Ukraine rằng NATO không phải là người bảo trợ, bảo bọc hay bảo vệ cho họ, ngược lại họ còn có thể bị dùng làm bia đỡ đạn cho xung đột Nga - NATO.

Với thực tế đó thì thử hỏi làm sao người dân Ukraine không lo sợ NATO cho được?